• Zalo

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: 'Doanh nghiệp vẫn gặp khó vì nhiều quy định bất cập'

Kinh tếThứ Sáu, 12/07/2019 15:12:00 +07:00Google News

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết trực tuyến ngành Tài chính năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra nhiều quy định bất cập đối với các doanh nghiệp.

Chỉ ra những bất cập đối với ngành tài chính trong 6 tháng đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ viện dẫn đến Nghị định số 20/2017/NĐCP.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, những bất cập tại Nghị định này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "nhắc nhở 3 lần". Văn phòng Chính phủ cũng đã từng thẩm định. Phó Thủ tướng cho hay, nếu chờ cho đến khi sửa đổi bổ sung theo Luật quản lý thuế thì rất chậm. Vì thế, các bộ ngành liên quan cần phối hợp để sửa đổi những bất cập tại nghị định số 20. "Vướng đâu thì phải tính đến đó. Sắp tới, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục có thẩm định cụ thể, lắng nghe từng bộ ngành, từng vướng mắc để giải quyết", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Lý giải cho những chậm trễ trong việc sửa đổi nghị định 20, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, để xử lý cần có ý kiến của nhiều bộ, ngành khác nhau. "Chính phủ đã họp nhiều lần, giao cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và cá nhân tôi thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành được", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

vuong-dinh-hue

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, một số nghị định về tài chính vẫn còn gây bất cập cho doanh nghiệp.

"Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là không đầu hàng khó khăn. Quán triệt tinh thần: vướng mắc là phải tháo gỡ, kiên quyết chủ trương tăng trưởng, quyết hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội giai đoạn 2016 - 2020", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Trước đó, nhiều bất cập của Nghị định 20/2017/NĐ- CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và đề xuất các giải pháp tháo gỡ đã được các chuyên gia chỉ ra. 

Cụ thể, Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp".

Theo các chuyên gia, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp, bởi 4 lý do. 

Thứ nhất, Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định quyền của doanh nghiệp được "tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm". Quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20 chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh.

Thứ hai, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của doanh nghiệp, đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản... sẽ gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế. Nếu áp theo điều khoản này, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ bị tính thành 2 lần, nguy cơ "lỗ chồng lỗ".

Thứ ba, quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta. Nếu các doanh nghiệp không có động cơ chuyển giá, ví dụ như họ có quan hệ giao dịch vay vốn giữa công ty mẹ và công ty con, thuế suất của họ là bằng nhau, đều áp dụng một mức thuế suất phổ thông, không có ưu đãi thuế thì họ phải thuộc trường hợp không bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20.

Thứ tư, đây là Nghị định áp dụng chung cho cả doanh nghiệp của nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Ở góc độ pháp lý, theo ý kiến luật sư, nghị định này chủ yếu nhằm vào mục tiêu chống chuyển giá và chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt là quy định tại Điều 10 về "Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết" và Khoản 1, Điều 11 về "Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết" của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn