• Zalo

Phó Thủ tướng: Quy hoạch 2021-2030 giúp Bình Định thành trung tâm tăng trưởng

Tin nhanh 24hThứ Bảy, 23/12/2023 11:15:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Sáng 23/12, lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã diễn ra theo Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023 của Thủ tướng.

Video: Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới, tạo xung lực mới để Bình Định đột phá, tạo kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội.

Bình Định hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, cũng là một trong những trung tâm tăng trưởng của đất nước".

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND đã đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Định lên đón nhận Quyết định của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ trao quyết định phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát; Trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bản ghi nhớ hợp tác đầu tư.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Bình Định sẽ trở thành một tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn năm 2050 xác định 5 trụ cột để phát triển là: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao; Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao; Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển – logistics; Phát triển đô thị nhanh và bền vững.

Ngoài ra là 3 đột phá phát triển: Xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh.

Đến năm 2050, Bình Định phấn đấu tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Đến năm 2050, Bình Định phấn đấu tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Quy hoạch tỉnh là khung pháp lý cao nhất, là “xương sống” để Bình Định tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng.

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Trần Đình Thiên cho biết, công cuộc phát triển trong những năm gần đây của Bình Định diễn ra “khốc liệt”, đúng theo nghĩa “vạn sự khởi đầu nan” và những kết quả đã dần hé lộ, mở ra nhiều triển vọng.

Tại sao vùng đất nhiều tiềm năng, lợi thế, giàu bản sắc lại khó thoát nghèo? Điểm mấu chốt chính là ở “Tầm nhìn đúng”, “cách tiếp cận hành động mới, quyết liệt và khôn ngoan”. Đây phải được coi là những yếu tố chủ chốt cần có để Bình Định khả thi hóa khát vọng phát triển mãnh liệt của mình”, ông Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Theo Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023 của Thủ tướng, mục tiêu năm 2030, xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa…

Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm KH&CN, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây.

Nguyễn Gia
Bình luận
vtcnews.vn