• Zalo

Phó Thủ tướng: Cao đẳng cộng đồng phải tự chủ như doanh nghiệp

Giáo dụcThứ Ba, 12/08/2014 06:16:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cao đẳng cộng đồng phải tự chủ như doanh nghiệp để đào tạo ra nguồn lao động có chất lượng.

(VTC News) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cao đẳng cộng đồng phải tự chủ như doanh nghiệp để đào tạo ra nguồn lao động có chất lượng.

Thực tế hiện nay, chỉ riêng bậc cao đẳng ở nước ta đã có 3 mô hình khác nhau là cao đẳng, cao đẳng nghề, cao đẳng cộng đồng, bên cạnh các trường trung cấp nghề, các trường nghề với đối tượng học viên là học sinh đã tốt nghiệp THPT.

Sự phân chia ra nhiều mô hình đào tạo khác nhau khiến định hướng phát triển của bậc đào tạo cao đẳng, đào tạo nghề sau phổ thông hoặc liên thông lên bậc đại học với xu thế học tập suốt đời đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc làm việc với Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Việt Nam, ngày 12/8.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc làm việc với Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Việt Nam, ngày 12/8. 
Vì vậy, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD-ĐT cần xác định bậc cao đẳng nằm ở đâu trong hệ thống giáo dục, với nghĩa là bậc học sau bậc phổ thông, phù hợp với xu thế đào tạo quốc tế.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết trong tương lai các trường cao đẳng, cao đẳng nghề, cao đẳng cộng đồng sẽ được thống nhất thành một loại hình đào tạo duy nhất, hoạt động theo hướng của mô hình cao đẳng cộng đồng được tự chủ về tuyển sinh, tự xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt và cho phép liên thông lên bậc đại học, vấn đề hiện đang rất hạn chế do quy chế đào tạo đại học, cao đẳng hiện nay.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc, Chủ tịch Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Việt Nam, ông Phạm Tiết Khánh cho biết, được thành lập thí điểm tại 6 địa phương từ năm 2000, đến nay, cả nước đã có 14 trường cao đẳng cộng đồng.

"Từ người chưa tốt nghiệp phổ thông đến người có trình độ trung cấp, cao đẳng đều có thể ghi danh theo học với hình thức tín chỉ hoặc mô đun tại trường cao đẳng cộng đồng. Học viên khi hoàn thành một phần chương trình có thể đi làm, đến khi có điều kiện thì có thể học tiếp cho đến khi hoàn thành bậc cao đẳng hay liên thông lên bậc đại học. Vì vậy, thời gian học có thể kéo dài dến 5-7 năm, đáp ứng được mục tiêu học tập suốt đời của người dân”, ông Phạm Tiết Khánh nói.

Do đó, cao đẳng cộng đồng đã đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân ngay tại địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

Tuy nhiên, qua 14 năm hoạt động, bản thân các trường cao đẳng cộng đồng cũng tự nhìn nhận những lợi thế của loại hình đào tạo này chưa được phát huy đầy đủ, dường như các trường cao đẳng cộng đồng chỉ khác các trường cao đẳng khác ở tên gọi; phần lớn các trường cao đẳng cộng đồng không rõ định hướng, chiến lược phát triển, trong khi nhiều địa phương lúng túng về quản lý, chỉ đạo phát triển mô hình này do thiếu các quy định pháp lý cụ thể.

Lắng nghe ý kiến từ hiệu trưởng một số trường cao đẳng cộng đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thế mạnh của cao đẳng cộng đồng là độ mở trong tuyển sinh đầu vào, không giới hạn thời gian đào tạo; chương trình đào tạo đa ngành, đa cấp...

Nhưng để tạo sự khác biệt, các trường cao đẳng cộng đồng cần mạnh dạn thay đổi tư duy để tiến tới tự chủ toàn bộ như doanh nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả đất đai, cơ sở vật chất đã được nhà nước đầu tư (chính là tài sản của cộng đồng) với sự hỗ trợ về cơ chế đặt hàng đào tạo, kết nối với các doanh nghiệp tại địa phương đào tạo nghề theo nhu cầu...

“Giáo dục sau phổ thông, không chỉ riêng cao đẳng cộng đồng, phải theo hướng tự chủ như doanh nghiệp, đảm bảo đào tạo nhân lực có chất lượng đồng thời tạo động lực để từng trường, từng cơ sở giáo dục xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng đào tạo.

Đồng thời, các trường cao đẳng cộng đồng phải bám sát nhu cầu nghề nghiệp đa dạng ở mỗi địa phương để phát huy lợi thế đào tạo đa ngành, đa nghề”, Phó Thủ tướng nói.

 Cao đẳng cộng đồng là loại hình đào tạo bậc cao đẳng được mở tại các địa phương (do UBND tỉnh quản lý); phương thức đào tạo từ những khóa bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn đến những khóa học hoàn chỉnh từ bậc trung cấp đến cao đẳng, liên thông lên đại học.

Đối tượng đào tạo là tất cả những người có nhu cầu học tập ở các trình độ khác nhau.


Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn