• Zalo

Pháp, Anh, Đức gửi công hàm phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Thời sự quốc tếThứ Năm, 17/09/2020 18:25:37 +07:00 Google News
(VTC News) -

Pháp, Anh, Đức ngày 16/9 gửi công hàm lên Liên hợp quốc, “với tư cách thành viên của Công ước Luật Biển 1982”, phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo Công hàm số 324/2020 gửi ngày 16/9, Phái đoàn thường trực Cộng hòa Liên bang Đức tại Liên hợp quốc cho biết, sau khi “tham khảo quan điểm do Trung Quốc bày tỏ về các yêu sách hàng hải ở Biển Đông”, trong các công hàm liên quan của Trung Quốc từ năm 2019 đến nay, Pháp, Đức và Anh, "với tư cách thành viên (state parties) của Công ước Luật Biển 1982", tái khẳng định một số lập trường pháp lý.

Thứ nhất, Pháp, Đức và Anh nhắc lại rằng UNCLOS đã đặt ra khung pháp lý được công nhận rộng rãi và thống nhất mà tất cả các hoạt động trên đại dương và biển phải tuân theo, và nhấn mạnh cần duy trì tính toàn vẹn của Công ước, như đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc tái khẳng định trong nghị quyết hàng năm về đại dương và luật biển.

Pháp, Anh, Đức gửi công hàm phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông - 1

Pháp, Anh, Đức gửi công hàm phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. (Ảnh minh họa)

Thứ hai, Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi quyền tự do ở biển cả (high seas), đặc biệt là tự do hàng hải và hàng không, và quyền thực hiện hải trình vô hại trong UNCLOS, bao gồm ở Biển Đông.

Thứ ba, Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh lại các điều kiện cụ thể và đầy đủ đã được quy định trong Công ước về việc áp dụng đường cơ sở thẳng và quần đảo, được định nghĩa trong Phần II và Phần IV. Vì vậy không có căn cứ cho các quốc gia lục địa xem các quần đảo và cấu trúc trên biển là một thực thể hoàn chỉnh, không thỏa mãn các điều khoản trong Phần II của UNCLOS, hoặc chỉ sử dụng những điều khoản trong phần IV trong khi các điều khoản này chỉ áp dụng được với các quốc gia quần đảo.

Thứ tư, Pháp, Đức và Anh cũng nhấn mạnh rằng các điều kiện cụ thể và đầy đủ được đưa ra trong Công ước là để áp dụng cho các quy chế đảo hình thành cấu trúc đất một cách tự nhiên. Các hoạt động xây dựng trên mặt đất hoặc các dạng chuyển đổi nhân tạo khác không thể thay đổi phân loại cấu trúc theo UNCLOS.

Thứ năm, Pháp, Đức và Anh cũng nhấn mạnh các yêu sách liên quan đến việc thực thi “quyền lịch sử” trên các vùng biển ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế và các điều khoản UNCLOS và nhắc lại phán quyết trọng tài vụ việc giữa Philippines với Trung Quốc ngày 12/7/2016 đã xác nhận rõ ràng điểm này.

3 nước cho rằng tất cả các yêu sách trên biển ở Biển Đông cần được giải quyết hòa bình theo các quy tắc và quy chế của UNCLOS, với công cụ và quy trình hòa giải như được cung cấp trong Công ước. 3 nước cho biết không có lập trường riêng trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. 

Bên cạnh đó, công hàm cho biết đây là lập trường pháp lý lâu dài của 3 nước "phù hợp với tất cả các lập trường mà Pháp, Đức và Anh đã tuyên bố trong quá khứ, cả song phương và cùng nhau với các nước khác của UNCLOS".

Là các thành viên của UNCLOS, Pháp, Đức và Anh tuyên bố "tiếp tục ủng hộ và khẳng định các quyền và quyền tự do theo UNCLOS và đóng góp vào thúc đẩy sự hợp tác trong khu vực như đã được nêu dưới Công ước".

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn