• Zalo

Phải làm gì nếu đập thủy điện Sông Tranh 2 vỡ?

Thời sựThứ Tư, 16/01/2013 03:25:00 +07:00Google News

(VTC News)- Một trận động đất mạnh khiến đập thủy điện Sông Tranh 2 bị vỡ, hơn 62.660 người dân ngay lập tức phải sơ tán.

(VTC News) -  Một trận động đất mạnh khiến đập thủy điện Sông Tranh 2 bị vỡ, hơn 62.660 người dân lập tức phải di dời lên chỗ cao.

Sáng 16/1, UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với các ban ngành chức năng và các địa phương về kịch bản ứng phó đối với sự cố vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Theo kịch bản, tình huống đặt ra là khu vực huyện Bắc Trà My có động đất mạnh, đập thuỷ điện Sông Tranh 2 đang chứa khoảng 730 triệu m3 nước bị vỡ, dưới hạ du đang có ngập lụt.

Lúc này, phía hạ du, hơn 62.662 người dân cùng nhà cửa thuộc 145 thôn, khối phố trên địa bàn 51 xã, thị trấn của 8 huyện, thành phố trong khu vực có nguy cơ bị nhấn chìm phải sơ tán khẩn cấp.
Theo kịch bản, tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 có động đất mạnh, khiến đập bị vỡ, lúc này hồ chứa có khoảng 730 triệu m3 nước 

Ngay khi tình huống xảy ra, thuỷ điện Sông Tranh 2 có trách nhiệm thông báo, báo động tình hình diễn biến động đất đến các địa phương.

Chính quyền 8 huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn và Hội An thông báo bằng loa phóng thanh, còi hụ để báo động để chính quyền địa phương và người dân được biết.
Về phía địa phương, chính quyền ngay lập tức điều động mỗi thôn, khối phố 1 đội tìm kiếm cứu nạn từ 25-30 người; ở cấp xã phường, thị trấn điều động một trung đội dân quân cơ động; cấp huyện, thành phố điều động 1 đại đội dự bị động viên, 1 trung đội dân quân cơ động cùng lực lượng cơ động của tỉnh để kịp thời ứng cứu ngay.

Đồng thời, liên hệ với lực lượng hiệp đồng khác như công binh, phòng không không quân, tăng thiết giáp… kịp thời di dân cũng như ứng cứu trên diện rộng. Đoạn đường sơ tán dân khi sự cố xảy ra từ điểm phải sơ tán đến điểm tập kết có độ dài từ 0,5-4,5 km và người dân đựơc sơ tán bằng nhiều phương tiện như đi bộ, xe máy, ô tô, ghe máy, xuồng đến những vị trí, điểm cao an toàn đã được chọn trước.
Thảm họa sẽ khiến hơn 62.662 người dân thuộc 145 thôn, khối phố trên địa bàn 51 xã, thị trấn của tỉnh Quảng Nam phải sơ tán khẩn cấp. 

Cùng với đảm bảo an ninh cho nhân dân vùng sơ tán, công tác triển khai lực lượng y tế sơ cứu tại chỗ; kịp thời ứng cứu lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống cho những gia đình gặp khó khăn cũng được đưa ra.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh: “Để phương án đi vào ứng phó hiệu quả và thiết thực, các địa phương cần tiếp tục rà soát lại các điểm sơ tán dân cũng như cách đưa dân lên điểm cao khi có sự cố.

Cần triển khai đến tận thôn, xóm để người dân nắm sát tình hình. Cần thông báo cho người dân là nếu trường hợp xấu nhất là khi đập thuỷ điện Sông Tranh 2 bị vỡ, cộng với vùng hạ du đang có nước lũ cao, lấy theo đỉnh lũ năm 1964 thì cần chủ động di dời đến điểm đã được thông báo trước”.
“Tuy nhiên, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống dự báo, cảnh báo, báo động để thông tin đến với người dân và chính quyền sớm nhât. Sau khi hoàn thiện, UBND tỉnh sẽ báo cáo với Trung ương, Quân khu V, Bộ Quốc Phòng… để tổ chức diễn tập thực binh, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai có thể gây ra”.
Bửu Lân-VT

Bình luận
vtcnews.vn