• Zalo

Phải kìm được giá xăng để chặn đà suy giảm kinh tế

Thị trườngThứ Ba, 16/11/2021 14:51:20 +07:00 Google News
(VTC News) -

Chuyên gia, nhà quản lý cho rằng giá xăng dầu tăng mạnh đang gây áp lực quá lớn lên đà phục hồi kinh tế; vậy cách nào kìm hãm, chặn đà suy giảm kinh tế?

Doanh nghiệp, người tiêu dùng đang gồng mình chống chọi COVID-19, giá xăng dầu lại đánh thêm “cú bồi” khi tăng phi mã chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều chuyên gia cho rằng, nhà nước không thể mãi đứng ngoài cuộc, phải có những chính sách khẩn trương để “hạ nhiệt” giá xăng.

Nhà nước không thể đứng ngoài cuộc

Chia sẻ với VTC News ngày 16/11, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho hay theo quy định, điều hành giá xăng dầu là nhiệm vụ của Bộ Công Thương nhưng chính sách thuế thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Phải kìm được giá xăng để chặn đà suy giảm kinh tế - 1

Giá xăng dầu lên cao nhất 7 năm qua, nguy cơ chặn đà hồi phục kinh tế.  (Ảnh: MOIT)

Từ quý III, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát giảm các loại, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường, đối với mặt hàng này.

Theo đánh giá hiện chỉ còn giải pháp giảm thuế mới có thể giữ giá bán xăng dầu trong nước không tăng thêm. Nguyên nhân do quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn kiệt, không còn nguồn để xử lý nữa.

“Việc các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, than, giá vận chuyển tăng sẽ ảnh hưởng tới giá thành, chi phí sản xuất tăng theo. Từ đó, giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, đồng thời ảnh hưởng tới các doanh nghiệp với mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước”, nguồn tin từ Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt hiện nay có hai mối lo thường trực là dịch COVID-19 và giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là xăng dầu đã đạt mức giá cao nhất trong 7 năm qua. Trong khi dịch bệnh đã tạm thời được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang trở lại, nền kinh tế trên đà hồi phục. Thì, giá xăng dầu lại liên tục tăng, gây áp lực rất lớn lên đà phục hồi kinh tế và đời sống nhân dân.

Theo ông Long, giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới. Việt Nam không có cách nào làm giá xăng thế giới hạ nhiệt, chỉ có thể ổn định giá mặt bằng này bằng cách điều chỉnh hai van là thuế và quỹ bình ổn giá (BOG). Với việc quỹ bình ổn nay đã cạn, chỉ còn trông vào điều chỉnh thuế phí.

Theo tính toán, hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường từ 3.800 - 4.000 đồng/lít.

Đáng nói trong số này, chỉ có thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm. Hiện thuế nhập khẩu đã ở mức thấp trong khi nghị quyết mới đây của Quốc hội về giảm thuế VAT cho các hàng hóa, dịch vụ thì mặt hàng xăng dầu không được đề cập đến.

Thừa nhận việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu ngân sách đang bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng ông Long cho rằng đã đến lúc các bộ, ngành phải vào cuộc, nhanh chóng ổn định giá xăng dầu để tạo điều kiện “khoan thai sức dân”.

“Muốn ổn định giá xăng dầu, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phải nhanh chóng có giải pháp. Nếu ưu tiên thu ngân sách cho đạt kế hoạch, giá xăng dầu cao sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, đẩy doanh nghiệp vào kiệt quệ. Như vậy, đà hồi phục kinh tế và mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển khó đạt hiệu quả”, ông Long nhấn mạnh.

Không để đà hồi phục kinh tế bị chặn lại

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho thấy, nhờ kiểm soát dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái bình thường mới, kinh tế xã hội tháng 10 đã khởi sắc hơn so với tháng 9.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI 10 tháng tăng 1,81% so cùng kỳ 2020. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm. Thu ngân sách 10 tháng đạt 90,9% dự toán, đáp ứng 31,5 nghìn tỷ đồng nhu cầu phòng chống dịch và 19,2 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân.

Vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm tăng 15,8% so với cùng kỳ, nhu cầu mở rộng sản xuất cao, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Xuất khẩu trong tháng 10 tăng 6,4% so với tháng trước. Xuất siêu thực hiện trong tháng 10 là 2,85 tỷ USD. Tính chung 10 tháng xuất siêu đã trở lại đạt 160 triệu USD.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước, 10 tháng tăng 3,3%. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10 tăng 111,2% về số lượng và tăng 73,9% về vốn so với tháng 9; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8%.

Tuy vậy, theo đánh giá của các nhà quản lý và các chuyên gia, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm phát do nhiều mặt hàng tăng mạnh trên thị trường quốc tế. Trong đó, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, thiết yếu đối với đời sống xã hội, có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế lại liên tục tăng cao, kìm hãm đà phục hồi kinh tế.

Trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu đã lên tiếng đề nghị cần rà soát, xem xét việc giảm thuế, phí trong cơ cấu tính giá xăng dầu để kìm hãm đà tăng phi mã của giá xăng dầu trong nước. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tăng trưởng. Do đó, nên dùng công cụ mà nhà nước đang quản lý để duy trì giá xăng dầu cho hợp lý, đó là giảm thuế nhập khẩu hoặc thuế bảo vệ môi trường.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu. Vì giá xăng dầu tăng rất nhanh và chúng ta vẫn còn dư địa để bình ổn. Ông Trần Hoàng Ngân đề xuất Chính phủ sớm can thiệp, hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu.

“Giá xăng dầu đang tăng rất nhanh. Trong khi đó, hiện nay, chúng ta đang có dư địa, công cụ như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí bảo vệ môi trường… cần phải được sử dụng khi giá dầu thế giới có xu hướng vẫn còn tăng lên”, ông Ngân nói.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn