Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 31/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Ngoại trưởng các nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines được mời tới thăm Trung Quốc từ ngày 31/3 tới 2/4.
Bà Hoa mô tả các cuộc gặp là dấu hiệu của “tình hữu nghị sâu sắc và sự gắn bó ngày càng tăng” giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Đông Nam Á.
Trong khi Ngoại trưởng Singapore vừa kết thúc chuyến công du tới Phúc Kiến, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein sẽ có các cuộc thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc trong hai ngày 1-2/4.
Trước cuộc gặp, ông Hishammuddin có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken để thảo luận một số vấn đề, trong đó có Myanmar và Biển Đông.
Hiện chưa rõ lịch trình chuyến thăm của Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin.
Chuyến công du tới Trung Quốc của bốn ngoại trưởng Đông Nam Á diễn ra khi căng thẳng gia tăng những tuần gần đây trên Biển Đông.
Hồi đầu tháng ba, Trung Quốc điều hơn 200 tàu tới neo đậu tại đá Ba Đầu ở Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Philippines, một trong bốn nước Trung Quốc mời tới Bắc Kinh, lên tiếng chỉ trích gay gắt động thái này.
Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Trung Quốc điều động một lực lượng lớn "tàu dân quân" tới để đe dọa, khiêu khích các quốc gia khác, nhấn mạnh hành động này làm suy yếu hòa bình và an ninh trong khu vực.
Trong các cuộc hội đàm an ninh tại Tokyo hôm 30/3, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Indonesia và Nhật Bản bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng Trung Quốc tiếp tục ý đồ đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực" ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Sau cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết hai bên nhất trí gửi thông điệp "phản đối mạnh mẽ" các động thái của Trung Quốc có thể làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông. Các động thái này bao gồm một cuộc diễn tập chung giữa hai nước. Tuy nhiên, thời gian diễn ra cuộc tập trận không được hé lộ.
Jakarta và Tokyo cũng ký kết một thỏa thuận cho phép xuất khẩu quân sự của Nhật Bản sang Indonesia.
Các diễn biến mới này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường hợp tác với đồng minh và các đối tác ở châu Á nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Hồi giữa tháng 3, Tổng thống Biden tổ chức họp thượng đỉnh với các lãnh đạo nhóm Bộ tứ, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Cuộc gặp mà một quan chức Trung Quốc từng khẳng định sẽ tan biến như bọt biển là dấu hiệu cho thấy nhóm Bộ tứ đã đạt được những động lực đáng kể dưới thời Biden.
Kết thúc cuộc họp, bốn quốc gia đưa ra tuyên bố cam kết tăng cường hợp tác để đối phó với các thách thức với trật tự hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Theo cây viết Sebastian Strangio của tờ Diplomat, các cuộc gặp tại Phúc Kiến được xem là "lượt về" của hai chuyến công du tới các nước Đông Nam Á của ông Vương Nghị tháng 10/2020 và tháng 1/2021.
Cũng như các diễn đoàn ngoại giao trước đó, giới chuyên gia cho rằng một trong các mục đích của Trung Quốc là kêu gọi các nước phối hợp đối phó với COVID-19 và thúc đẩy các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai, Con đường.
Không rõ có các cuộc đàm phán nào liên quan tới vaccine hay không khi cả bốn nước này đều đã tiếp nhận vaccine do các hãng dược Trung Quốc sản xuất.
Cũng có khả năng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar, tương tự những gì được trao đổi giữa Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan và ông Vương Nghị hôm 31/3.
Singapore, Malaysia và Indonesia tuần trước kêu gọi một hội nghị cấp cao ASEAN nhằm thảo luận giải quyết tình hình bất ổn ở Myanmar.
Với vị trí gần Myanmar và các lợi ích kinh tế sâu rộng của ở quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc được đánh giá là trung tâm của bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar.
Strangio nhận định, mục tiêu rộng hơn của các cuộc gặp sẽ là đưa Trung Quốc trở thành một đối tác lâu dài và đáng tin cậy của các nước Đông Nam Á vào thời điểm đại dịch dần suy yếu. Bắc Kinh dường như cũng muốn các nước này có nhiều ràng buộc hơn với Trung Quốc về mặt kinh tế.
Cũng theo cây viết của Diplomat, các cuộc trao đổi giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và bộ trưởng ngoại giao các nước Đông Nam Á có thể được xem là phản ứng của Bắc Kinh trước nỗ lực ngoại giao gần đây của Mỹ. Washington đang tìm cách xích lại gần ASEAN và kêu gọi hiệp hội đồng lòng ngăn các hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, chính quyền của ông sớm thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước Đông Nam Á.
Sau cuộc gặp hồi giữa tháng Hai, Ngoại trưởng các nước thuộc nhóm Bộ tứ cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với ASEAN trước áp lực ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh.
Bình luận