• Zalo

Ông bầu và những 'con đường xưa em đi' của bóng đá

Thể thaoChủ Nhật, 16/04/2017 10:22:00 +07:00Google News

Tuần rồi, người ta bỗng cùng nhau nhắc nhớ đến bầu Trường, bầu Kiên, bầu Đức… cũng như câu chuyện về những chiếc thẻ đỏ trên sân bóng và cuộc đời.

Ông bầu và những “con đường xưa em đi” của bóng đá

Facebook có một chức năng rất hay, đó là nhắc lại kỷ niệm cũ. Dường như công nghệ càng cao thì con người ta càng dễ mắc chứng mau quên, và trí thông minh nhân tạo có thể là một giải pháp.

Và facebook nhắc nhớ, 3 năm trước có một sự kiện khiến người yêu bóng đá choáng váng: Scandal 9 cầu thủ Vissai Ninh Bình bán độ tại AFC Cup 2014. Lại một cơn bão mà người ta thấy ở đó những tài năng rơi rụng lả tả, những giọt nước mắt hối hận muộn mằn.

Hinh anh  5

 Lê Quang Hùng và những giọt nước mắt muộn mằn

Quang Hùng - một cầu thủ con nhà nghèo có cơ hội đổi đời bằng nghiệp bóng đá với cánh cửa đội tuyển Quốc gia rộng mở nhưng tất cả bỗng đóng sập rồi mất hết.

Thời điểm ấy, phóng viên VTV về tận nhà Quang Hùng để quay cảnh một tuyển thủ quốc gia bị kỷ luật vì tiêu cực, lóng ngóng ôm tăm hương ra phơi, phụ giúp việc gia đình kiếm mấy đồng bạc lẻ. Trớ trêu, người ta như thấy những thẻ hương ấy, Hùng dành cho sự nghiệp của mình.

Kể từ thời điểm 2005 với vụ tiêu cực U23 Việt Nam tại SEA Games ở Bacolod gây chấn động, có bao nhiêu cầu thủ như Quang Hùng dính chàm? Không ít và cũng rất ít người có thể trở lại. Khi hỏi những cầu thủ ấy là tại sao lại đánh đổi cả sự nghiệp để lấy những khoản tiền đen nhớp nhúa ấy, tất cả đều nói không phải vì lòng tham.

Vì cái gì, chưa ai có câu trả lời, nhưng người ta phải sốc khi có một cựu tuyển thủ, từng bị treo giò vì tiêu cực, thú nhận: “Có những đêm tôi đốt mất 1 tỉ đồng”.

Bóng đá có thời cho người ta nhiều quá, dễ quá. Một cầu thủ mới nổi, chơi được vài trận và được nhắc tên có thể được định giá tới vài tỉ đồng.

Trong cái vòng xoáy như bát quái của bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam thời kỳ đồng tiền nhảy múa, ranh giới đúng sai, bình thường hay tội lỗi rất mong manh. Và lỗi nằm ở những ông bầu, những người hành xử theo cách của những hạng người hoặc quá thông minh hoặc quá… dốt: Vứt hàng chục tỉ đồng vào những cuộc chơi mà người ta không quan tâm đến giá trị thực của nó.

Hinh anh

Chính bầu Trường đã làm hư cầu thủ của mình. (Ảnh: Quang Minh) 

Ông bầu Hoàng Mạnh Trường của Ninh Bình là một ví dụ điển hình. Một ngày bỗng dưng thích làm bóng đá, ông chủ của doanh nghiệp làm xi măng này bỏ tiền mua luôn Ngói Đồng Tâm rồi bốc ra Ninh Bình, thế là có đội chuyên nghiệp.

Đầu tư cho bóng đá thì tốt thôi, thế nhưng chính ông với cách làm chẳng giống ai đã làm hỏng cầu thủ, phá bóng đá để rồi khi thấy mệt mỏi, chán ngấy và bóng đá như là gánh nặng thì ông quyết định giải tán cả một đội bóng nhân lý do hơn nửa đội bán độ.

Đó cũng là cái thời mà những ông bầu đầu tư vào bóng đá không hẳn vì… bóng đá. Đôi khi chỉ là một cách đánh đổi với địa phương là một nghĩa vụ không rõ ràng nào đó.

Cái gì không thực chất thì rồi cũng nhanh tan biến. Bầu Lý của Xi măng Công Thanh Thanh Hóa, bầu Đệ và anh em nhà bầu Thụy của Sài Gòn FC, bầu Trường Ninh Bình…, những ông bầu một thời như “những con đường xưa em đi” của bóng đá.

Và cũng tuần này, trên facebook, nhiều người yêu bóng đá Việt viết một dòng ngắn ngủi: “Nhớ bầu Kiên…”. Ngày 13/4 là sinh nhật bầu Kiên - ông bầu đình đám từng dám đứng lên “khởi nghĩa” để thay đổi bóng đá Việt Nam, nhưng bao ước vọng của người đàn ông quyền lực, đam mê và khát vọng một đời với bóng đá này đều dang dở khi dính vòng lao lý.

Hinh anh  3

 Bầu Kiên từng nuôi tham vọng lớn với bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Quang Minh)

Khi còn làm bóng đá, một trong những tham vọng lớn nhất và sâu kín nhất của bầu Kiên chính là có thể tổ chức và kinh doanh cá cược bóng đá hợp pháp tại Việt Nam. Giấc mơ của bầu Kiên giờ đã là một thực tế khi nghị định về đặt cược thể thao ra đời, và có hiệu lực từ 31/3 vừa rồi.

Có một điều lạ là hễ một khi bóng đá có vấn đề, có lùm xùm và cách giải quyết của VFF đi vào ngõ cụt thì người ta hay nói “giá mà có bầu Kiên”. Bóng đá Việt bây giờ không ai có cái uy, cái quyết liệt như bầu Kiên. Một nền bóng đá mà VFF không làm nổi vai trò điều hành, quản lý, không có một ai đủ khả năng cầm chịch thì loạn là chuyện đương nhiên.

Bau Duc

Bau Duc

Hoàng Anh Gia Lai bị đánh hội đồng, cuộc chơi này quá bất công

Bầu Đức

Cái loạn ấy, đến một người như ông bầu Đoàn Nguyên Đức cũng phải chua chát thốt lên: “Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bị đánh hội đồng, cuộc chơi này quá bất công”.

Đó là chỉ trích của bầu Đức sau trận thua ngược đầy tranh cãi với FLC Thanh Hóa mà trọng tâm là trọng tài Trần Xuân Nguyện - người đã tặng HAGL một chiếc thẻ đỏ. “Theo trí nhớ của tôi, lịch sử bóng đá Việt Nam chưa từng có chiếc thẻ đỏ và bàn thắng không được công nhận hy hữu như thế, tôi nghĩ chưa hề có”, bầu Đức chua chát.

Đó là một thái độ bất lực của một trong những ông bầu gắn bó với bóng đá Việt lâu nhất, gần 20 năm. 20 năm của Đoàn Nguyên Đức là một hành trình rất dài, có những thành công và cả thất bại đắng cay.

Người ta phục bầu Đức vì chữ nhẫn với bóng đá, nhưng cũng ngán cái cách mà ông bầu này góp phần làm cho bóng đá ngày càng “loạn” thêm.

Ông tranh cãi, đả phá trọng tài, “chửi” cầu thủ “ngày càng… mất dạy”, chỉ trích cả VFF rồi Ban tổ chức giải, ông “chửi” cả ông bầu khác, đòi đuổi ông trưởng ban trọng tài… Và ông quên mất rằng mình là Phó Chủ tịch VFF, là nhân vật được thần tượng và mang trong mình trọng trách cùng kỳ vọng của bao người hâm mộ.

Hinh anh  4

 Bầu Đức từng sát cánh với bầu Kiên để thay đổi bóng đá nước nhà. (Ảnh: Quang Minh)

Chiếc thẻ đỏ và chuyện "chàng Nhô"

Ở sân bóng, trọng tài có thể dùng thẻ đỏ khi cần đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của cuộc chơi. Chiếc thẻ ấy đúng hay sai thì mọi việc sẽ được “hậu xét” sau trận đấu.

Và trong khi chúng ta còn tranh cãi, còn mải comment với các kiểu thẻ đỏ thì Ronaldinho đến Việt Nam. Anh chàng này từng tạo ra cơn sốt khủng khiếp khi cùng Olympic Brazil dự Olympic Bắc Kinh 2008 và ghé qua Việt Nam đá giao hữu.

Giá vé thì trên trời, người ta đánh nhau để có tấm vé vào sân còn Ronaldinho và đồng đội ra sân chơi, “được ăn, được nói và được gói mang về” khi nghe đâu thời điểm ấy, phí ra sân của tuyển Olympic Brazil không dưới 300.000USD.

Video: Than Quảng Ninh 2-2 HAGL

Bây giờ “Nhô” quay lại Việt Nam khi đã là một cầu thủ “quá lứa nhỡ thì” và cũng như nhiều sao già từng đến Việt Nam, thực chất là đi quảng bá cho một thương hiệu bia. Vậy có gì đâu mà ầm ĩ nhỉ (?!).

Thì dân mình sính ngoại, lại khát thần tượng nên thiên hạ cũng dễ dùng chiêu để móc túi lấy tiền. Giống như anh chàng điển trai Beckham cách đây 3 năm sang Việt Nam, tưởng thế nào hóa ra… bán rượu, thế mà vẫn được đón tiếp như vua.

Thôi thì “mua vui cũng được vài trống canh”. Song với những ông bầu thì khác, họ có thể đầu tư nhưng hãy để bóng đá là của bóng đá, là tài sản của người hâm mộ chứ không phải là tài sản của chính họ.

Ronaldinho sang Việt Nam là một minh chứng về tình yêu bóng đá của người Việt và lẽ ra nó phải là một “ngành kinh tế mũi nhọn” chứ không bèo bọt như bây giờ.

Hay là từ khóa BOT đang “nóng”, có khi nào ta yêu cầu các ông bầu tiến hành BOT trong bóng đá, nghĩa là xây dựng - vận hành - chuyển giao.

Hãy chuyển giao bóng đá cho người hâm mộ, được không?

(Nguồn: laodong.com.vn)
Bình luận
vtcnews.vn