Vay nặng lãi để đầu tư tiền ảo
Thời gian gần đây, người dân tại Bắc Giang liên tục phản ánh về hoạt động bất thường của Câu lạc bộ AOC Việt Nam hoạt động theo mô hình kinh doanh đa cấp trên địa bàn.
Theo đó, AOC là tên viết tắt của Aloscoin (tiền điện tử - PV), xuất hiện năm 2013, đến năm 2017 thì xuất hiện tại Việt Nam và được Câu lạc bộ AOC Việt Nam do ông Nguyễn Tuấn Giảng (Chủ tịch Câu lạc bộ) giới thiệu cho các nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư ở đây thực chất là những người dân tỉnh lẻ, trong đó có cả nông dân, người già, người về hưu…
Tại hội thảo do câu lạc bộ AOC Bắc Giang tổ chức, ông Giảng - Chủ tịch Câu lạc bộ AOC Việt Nam thuyết trình về công nghệ 4.0 và tương lai của AOC với các nhà đầu tư.
Trước viễn cảnh làm giàu dễ dàng, nhanh chóng mà ông Giảng vẽ ra, nhiều người đã đóng cả trăm triệu đồng, thậm chí là cả tỷ đồng để đầu tư vào tiền ảo AOC. Thậm chí, có người còn đi vay nặng lãi của xã hội đen để đầu tư với hy vọng đổi đời nhanh chóng.
Theo vị Chủ tịch Câu lạc bộ AOC, đầu tư tiền ảo rất dễ. Chỉ cần bỏ tiền thật mua các gói tiền ảo. Gói nhỏ chỉ khoảng chục triệu đồng, gói lớn khoảng 4 tỷ đồng. 24 tiếng sau sẽ có một tài khoản tiền ảo và hàng ngày ngồi nhận lãi bằng tiền ảo, cao gấp 20 lần gửi ngân hàng. Chưa hết, theo vị Chủ tịch, tiền ảo AOC hấp dẫn nhất ở cơ chế nhân đôi tài khoản mà không đồng tiền nào có được.
Chẳng hạn, nhà đầu tư bỏ 1 tỷ đồng. Sau 180 ngày, nếu không rút gốc, sẽ được nhân đôi tài khoản là 2 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư còn hưởng lãi suất 0,3%/ngày trong 180 ngày tiếp theo. Theo vị Chủ tịch, đây là cách để khuyến khích mọi người đổ nhiều tiền thêm.
Video: Người dân vay nặng lãi đầu tư tiền ảo
Bỏ vốn một lần, hưởng lãi cả đời. Thế nhưng, giàu đâu chưa thấy, chỉ thấy phải móc túi bỏ tiền thật, còn lãi tiền ảo vẫn là những con số.
Chủ tịch CLB từng bị tố kinh doanh đa cấp trá hình, lừa đảo
Năm 2016, ông Nguyễn Tuấn Giảng (Chủ tịch Câu lạc bộ AOC Việt Nam) từng bị một số người dân ở TP. Hải Dương (Hải Dương) tố cáo về việc lừa đảo họ với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Cụ thể, ông Giảng giới thiệu là Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ lữ hành Việt Thái và nói công ty này của Bộ Quốc phòng. Trong quá trình tiếp xúc với người dân, ông Giảng giới thiệu nhiều dự án du lịch của công ty này. Sau đó, ông mời chào người dân có thể tự nguyện đăng ký làm thành viên CLB du lịch Việt Thái với tổng số tiền là 6.100.000 đồng/sổ.
Mỗi người dân khi mua sổ và giới thiệu cho người khác sẽ được trả thưởng hoa hồng là 1.000.000 đồng. Việc trả thưởng này có dấu hiệu trá hình của kinh doanh đa cấp.
Bà Vũ Thị Nguyện (số 11, ngõ 60, đường Nguyễn Lương Bằng, TP. Hải Dương) tố cáo, sau 7 tháng hoạt động, khi tham gia vào công ty, nộp tiền và giới thiệu thêm người tham gia thì công ty chỉ thực hiện 2 lần đi tour du lịch. Sau đó, Công ty Việt Thái liên tục khất lần.
Tháng 12/2014, Giám đốc Giảng cáo ốm vào miền Nam chữa bệnh. Các thành viên của CLB du lịch Việt Thái tại Hải Dương không biết đi tìm ai để đòi lại tiền. Cũng theo bà Nguyện - người đứng đơn tố cáo thì có khoảng hơn 100 người dân đã mua 212 sổ tour trị giá 6.100.000 đồng/sổ, tương đương khoảng 1,3 tỷ đồng.
Sau khi nhận được phản ánh, PV đã tìm thông tin của Câu lạc bộ AOC Việt Nam trên internet, song không hề có một kết quả nào cho từ khóa “Câu lạc bộ AOC Việt Nam”.
Câu hỏi mà dư luận đặt ra rằng: Liệu Câu lạc bộ AOC Việt Nam có thực sự tồn tại? Tiền nhà đầu tư đóng cho CLB sẽ được ai quản lý, sử dụng như thế nào?
Liệu đây có phải chiêu “mỡ nó rán nó” của mô hình kinh doanh đa cấp đã từng “hút máu” người dân suốt nhiều năm qua?
Ngân hàng nhà nước cảnh báo về đầu tư tiền ảo
Ngân hàng Nhà nước cho biết, mới đây, Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Tuy nhiên, hiện nay căn cứ quy định pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Video: Tự tử vì vay nặng lãi đầu tư tiền ảo
Tiền ảo không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính nào mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng Internet ngang hàng. Vì vậy, việc người dân tự ý đầu tư tiền ảo gây ra nhiều tác hại, rủi ro do nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn.
Việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo.
Đa cấp tiền ảo sẽ hết đất sống
Dự thảo nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến theo hướng mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh nhằm có cơ sở xử lý hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng. Bộ Công Thương cho biết sẽ sửa đổi Nghị định số 42/2014/NĐ-CP.
Dự thảo nghị định nêu rõ sản phẩm nội dung số và tài sản được tạo ra trong các chương trình phần mềm máy tính không được kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo các chuyên gia, đây là bước tiến giúp cơ quan quản lý xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh tiền ảo theo hình thức đa cấp (những loại tiền ảo như bitcoin, onecoin, ilcoin, gemcoin... vốn được tạo ra từ các thuật toán máy tính).
Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.
Bình luận