• Zalo

Nỗi ám ảnh sếp nhắn tin bất kể giờ giấc và 'sự hối hả độc hại'

Giới trẻ Thứ Ba, 17/05/2022 10:23:15 +07:00Google News

Tiếng chuông tin nhắn, cuộc gọi... từ sếp và đồng nghiệp phá hỏng bữa ăn trưa của Minh Phương, đánh thức cô dậy làm việc lúc nửa đêm, khiến cô lo lắng tột độ.

Minh Phương (28 tuổi) bị ám ảnh bởi tiếng chuông thông báo tin nhắn điện thoại. Cô có hàng chục nhóm chat với đối tác, đồng nghiệp, sếp - những người có thể gọi cô bất kể giờ ăn hay ngủ.

Trong suốt một năm làm việc tại bộ phận nhân sự của một công ty IT ở TP.HCM, Minh Phương lo lắng tột độ mỗi khi nghe tiếng chuông tin nhắn, cuộc gọi, thông báo từ các mạng xã hội.

Những âm thanh này phá hỏng bữa ăn trưa cũng như đánh thức cô dậy làm việc lúc nửa đêm.

Nỗi ám ảnh sếp nhắn tin bất kể giờ giấc và 'sự hối hả độc hại' - 1

Văn hóa khẩn cấp khiến nhân viên cảm thấy không thể từ chối khi được giao việc ngoài giờ. (Ảnh: Luis Villasmil/Unsplash)

"Nếu có việc cần, sếp tôi có thể nhắn tin rất trễ. Một vài lần tôi cố lờ đi ngủ tiếp nhưng cảm giác khó chịu, ức chế và cả lo sợ cuối cùng vẫn khiến tôi bật dậy, mở laptop làm việc", Phương nói với Zing.

Về phía sếp của Phương, anh luôn yêu cầu nhân viên "trả lời ngay" mỗi khi được nhắn tin, không quan tâm đó là giờ cơm tối, đêm muộn, hay cuối tuần. Bất cứ lúc nào, chỉ cần có câu hỏi, ý tưởng, hay thông tin gì cần kiểm tra, anh sẵn sàng nhắn hỏi, gọi điện, tìm cách liên lạc bằng được thì thôi.

"Tôi cũng đi làm, nhân viên cũng đi làm. Tôi cũng phải làm ngoài giờ thì nhân viên cũng vậy. Ngay từ khi tuyển dụng, tôi đã nói rõ chuyện này", anh giải thích đơn giản.

Cấp trên của Phương là người theo đuổi và trung thành với urgency culture (tạm dịch: văn hóa khẩn cấp), môi trường mong đợi nhân viên sẵn sàng làm thêm giờ, mang việc về nhà và trả lời tin nhắn của sếp, họp online bất chấp cuối tuần, ngày nghỉ.

Tính cấp bách là kết quả của một xã hội năng động khi mọi thứ đang không ngừng thay đổi và phát triển. Tuy nhiên, khi nó trở thành lối sống, mọi thứ đều trở nên khẩn trương, không có ranh giới giữa việc phải làm ngay lập tức và những thứ có thể chờ đợi, trì hoãn, điều này có thể gây hại hơn là tạo ra năng suất thực sự.

Sự hối hả độc hại

Dịch bệnh bùng phát khiến khái niệm work-life balance (cân bằng công việc, cuộc sống) được quan tâm hơn nhưng mặt khác, urgency culture vẫn tiếp diễn. Sự hối hả độc hại thường được biện minh bằng những trích dẫn hoa mỹ liên kết chăm chỉ, cần cù với khái niệm thành công.

Elon Musk nói với The New York Times ông làm việc 120 giờ/tuần để thay đổi thế giới.

"Nếu không 996 (làm việc từ 9h đến 21h mỗi ngày, 6 ngày/tuần) khi còn trẻ, đến khi nào bạn mới làm đây?", trang WeChat chính thức của Alibaba dẫn lời tỷ phú Jack Ma.

Một số nước châu Á nuôi dưỡng urgency culture bằng văn hóa làm thêm giờ, lao động kiệt sức khét tiếng. Các ông chủ kỳ vọng nhân viên toàn tâm toàn ý cho công ty, không có sự phân định giữa công việc với phần còn lại của cuộc sống cá nhân.

Nhật Bản, nơi có thể dễ dàng bắt gặp những nhân viên văn phòng mệt mỏi chợp mắt trên đường phố, sử dụng thuật ngữ "karoshi" để mô tả cái chết do làm việc quá sức.

Tương tự, Hàn Quốc cũng có khái niệm "gwarosa" khi nói về những lao động làm đến chết. Theo CNN, mỗi năm có hàng trăm trường hợp qua đời vì gwarosa ở xứ kim chi.

Nỗi ám ảnh sếp nhắn tin bất kể giờ giấc và 'sự hối hả độc hại' - 2
Nỗi ám ảnh sếp nhắn tin bất kể giờ giấc và 'sự hối hả độc hại' - 3
"Karoshi" - thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ những người chết vì làm việc quá sức do thiếu ngủ - trở thành vấn nạn tại đất nước mặt trời mọc. (Ảnh: AP, CNN)

Trong khi đó, văn hóa 996 và 715 (làm việc 15 giờ/ngày, 7 ngày/tuần) tại Trung Quốc đã vắt kiệt sức lực của nhân viên cổ cồn trắng.

Những quốc gia kể trên đều có số giờ làm việc trung bình theo tuần ở mức cao (hơn 48 giờ/tuần).

Dù không được khái quát thành những khái niệm, cái tên cụ thể như ở châu Á, văn hóa khẩn cấp gần như tồn tại ở khắp mọi nơi.

Trong cuốn sách A Theory of Workplace Anxiety, tác giả Bonnie Hayden Cheng và Julie McCarthy chỉ ra rằng 40% người Mỹ cảm thấy lo lắng trong thời gian làm việc. 72% những người này cho biết sự lo lắng ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống cá nhân của họ.

Theo cuộc khảo sát lực lượng lao động của chính phủ Anh, tổng số trường hợp căng thẳng, trầm cảm hoặc lo lắng liên quan đến công việc trong năm 2020-2021 là 822.000, với tỷ lệ phổ biến là 2.480 trên 100.000 công nhân.

Học cách nói "không"

Dermot Crowley, tác giả của cuốn sách Urgent!, Smart Work and Smart Teams, nói rằng văn hóa khẩn cấp là một phần của công sở hiện đại, vì vậy sẽ rất khó cũng như không nên loại bỏ nó hoàn toàn. "Nhưng chúng ta có thể học cách sử dụng văn hóa này có mục đích hơn và quan trọng là không biến mình trở thành nạn nhân của làm thêm giờ, môi trường công sở độc hại".

Còn theo nhà tâm lý học Jasdeep Mago, điều quan trọng là phải xác định lý do chúng ta không thể nói "không" với cấp trên khi được giao việc một cách vô lý.

"Việc không thể từ chối có thể xuất phát từ nỗi sợ bị sa thải, trừ lương, đánh giá không tốt. Nếu đúng như vậy, thì rõ ràng bạn đang làm việc vì sợ hãi và tổ chức của bạn đang tích cực tạo ra bầu không khí đó. Môi trường làm việc như vậy sẽ không bao giờ khuyến khích bạn phát triển", bà Mago nói.

Nỗi ám ảnh sếp nhắn tin bất kể giờ giấc và 'sự hối hả độc hại' - 4

Nhiều người muốn thoát khỏi văn hóa khẩn cấp để cân bằng công việc, cuộc sống. (Ảnh: 10'000 Hours)

Một nghiên cứu năm 2017 có tên Toxic bosses in the workplace (tạm dịch: Những ông chủ độc hại nơi làm việc) của Trường Kinh doanh Alliance Manchester cho thấy nhân viên thường làm việc cẩu thả, trả đũa khi thường xuyên bị sếp yêu cầu làm ngoài giờ.

Jasdeep Mago cho rằng văn hóa khẩn cấp chỉ có thể lành mạnh nếu công ty, tổ chức có những thay đổi mang tính hệ thống.

"Một số tổ chức đã bắt đầu nhận thấy mặt độc hại của văn hóa khẩn cấp. Vì vậy, họ thường thuê bên thứ ba giúp 'quản lý kỳ vọng' lành mạnh, một công cụ mà chúng tôi cũng áp dụng trong trị liệu, nơi người thứ ba có thể giúp các bên liên quan xem xét lại những kỳ vọng không thực tế của mình một cách khách quan".

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn