• Zalo

Nợ công như cỗ xe đã ‘chở nặng, xì khói lại còn tăng tốc’

Kinh tếThứ Tư, 22/10/2014 06:43:00 +07:00Google News

(VTC News) – Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đã ví von nợ công như một cỗ xe đã "chở nặng, xì khói lại tăng tốc độ" khiến nhiều đại biểu lo lắng.

(VTC News) – Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đã ví von nợ công như một cỗ xe đã "chở nặng, xì khói lại tăng tốc độ" khiến nhiều đại biểu lo lắng.

"Cỗ xe nợ công" đã chở nặng, xì khói

Chiều 21/10, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và mục tiêu năm 2015 và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, nợ công đến 31/12/2015 ước đạt 64% GDP, xấp xỉ mức trần nợ công Quốc hội cho phép là 65% GDP. Điều này đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo lắng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân
Đại biểu Trần Hoàng Ngân ví "cỗ xe nợ công" đã chở nặng, xì khói lại còn tăng tốc độ (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết trong khoản nợ công có tính luôn khoản Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp. Việc bảo lãnh cho doanh nghiệp trong nước vay trong nước là 35.000 tỷ đồng, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ở nước ngoài là 173.000 tỷ đồng. Tổng cộng 2 bảo lãnh đó đã được tính trong nợ công 2013.

“Nợ công đang ở mức rất là cao. Mặc dù nợ công nằm dưới mức pháp định là 65% GDP. Tôi gọi đó là mức pháp định và không cho rằng đó là mức an toàn, đó chỉ là mức pháp định. Giống như một chiếc xe chạy trên đường phố, tốc độ quy định không vượt quá 65 km/h. Có xe chạy vượt qua mức đó vẫn an toàn nhưng có xe chạy dưới tốc độ đó đã gây tai nạn”, đại biểu Ngân nói .

 

Cỗ xe đã nặng, xì khói lại còn chạy với tốc độ tăng 20% thì đó là những lo lắng thực sự

Đại biểu Trần Hoàng Ngân
 
Ông Ngân cũng thông tin, Nhật Bản nợ công là 227% GDP, Singapore là 105% GDP, Mỹ là 101% GDP, nhưng có những nước như Argentina nợ công chỉ có 45% GDP nhưng lại vỡ nợ.


Cũng theo đại biểu Ngân, cơ sở đánh giá an toàn hay không phụ thuộc vào 3 yếu tố căn bản.

Thứ nhất là nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách hàng năm. Năm 2013, nghĩa vụ trả nợ là 183.340 tỷ đồng, chiếm 22,3% tổng thu ngân sách. Năm 2014, nghĩa vụ trả nợ là 208.883 tỷ đồng, chiếm 26,69% tổng thu ngân sách. Đây là mức báo động.

Năm 2015, nghĩa vụ trả nợ lên đến trên 282.000 tỷ đồng, chiếm 31% tổng thu ngân sách. Đây là mức không an toàn.

Thứ hai là đảo nợ, hiện tượng này xuất hiện từ năm 2014, đảo nợ 70.000 tỷ đồng. Năm 2015, chúng ta đảo nợ lên tới 130.000 tỷ đồng.

“Lại một dấu hiệu thứ 2 không an toàn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định.

Thứ ba là một số khoản mà chúng ta chưa đưa vào nợ công. Số liệu này đã được Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội công bố.

“Đây là 3 dấu hiệu cho thấy, dù chúng ta đã chạy đúng theo tốc độ quy định của luật pháp, nhưng đã có dấu hiệu xe xì khói, chở nặng, phanh mòn", vị đại biểu này ví von.
Nợ công
Ảnh minh họa tình hình nợ công tại Việt Nam 
Những điều này đã được chính đại biểu Trần Hoàng Ngân cảnh báo trước Quốc hội từ năm 2011. Năm 2011, khi bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nợ công là 1,1 triệu tỷ đồng, nhưng đến 2014, nợ công là 2,395 triệu tỷ đồng. Dự kiến 2015 là 2,871 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng 20%/năm.

“Cỗ xe đã nặng, xì khói lại còn chạy với tốc độ tăng 20% thì đó là những lo lắng thực sự”, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ lo lắng.

Lý giải về nguyên nhân nợ công tăng nhanh, đại biểu Ngân cho rằng do 2 khoản là bội chi và trái phiếu. Hai khoản này đều do Quốc hội quyết nên Quốc hội cũng phải chịu trách nhiệm.

Bội chi đầu nhiệm kỳ đề ra mục tiêu bội chi về dưới 4,5% vào 2015. Năm 2011, bội chi 4,4%, nhưng đến 2012 bội chi là 5,4%, năm 2013 là 5,5%, năm 2014 là 5,3% và dự kiến 2015 là 5%. Như vậy, bội chi chúng ta đã không đảm bảo dưới mức đã đặt ra.

Về trái phiếu, hiện nay đang để ngoài ngân sách. Với Luật Ngân sách đang sửa đổi, khoản này sẽ được tính vào ngân sách, nhưng hàng năm, ta vẫn đang duyệt tăng thêm trái phiếu để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển xã hội.

Minh bạch nợ công

Để giảm dần bội chi ngân sách. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, nhìn vào cân đối nguồn thu và nguồn chi. Hiện nay, nguồn thu chỉ có 3 loại thu là thu nội địa, thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu.

"Về chi ngân sách, có 3 nguồn chi gồm chi thường xuyên, chi trả nợ, chi đầu tư phát triển. Chi thường xuyên, trước năm 2011, chỉ chiếm 50 - 55% tổng thu. Đến 2014 đã lên đến 65 - 75%, là gánh nặng rất lớn với ngân sách".

Đai biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, vẫn phải ưu tiên chi lương, nhưng phải giảm được chi hành chính khác để không làm tăng gánh nặng ngân sách. Tổng chi thường xuyên 1 triệu tỷ đồng phải được sắp xếp cho khoa học.

Trong khi chi thường xuyên tăng mạnh, thì chi cho đầu tư phát triển lại giảm dần và không hiệu quả. Để quản lý tốt cần phải cụ thể hóa Luật Đầu tư công.

Đại biểu Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng việc chi thường xuyên tăng cao. Nợ công chạm ngưỡng an toàn trong khi khả năng trả nợ không cao dẫn đến tình trạng đi vay để đảo nợ là một số những điểm rất cần sự quan tâm thích đáng của Quốc hội để xử lý căn cơ.

“Chúng ta luôn đặt ra yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí, giảm biên chế; nhưng chi thường xuyên lại tăng nhanh; chiếm đến 65 – 72% tổng chi. Nợ công cao - đáng lo rồi - nhưng còn đáng lo hơn là hiệu quả sử dụng vốn vay như thế nào? Các nước Mỹ hay Nhật tỷ lệ nợ công cũng cao, nhưng khoản chi trả nợ của họ chỉ chiếm 10-15% GDP thôi, còn chúng ta thì phải vay đảo nợ. Mà chi thường xuyên cao, trả nợ cao thì đâu còn để chi đầu tư?”, đại biểu Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đưa ra giải pháp muốn tạo điều kiện thu hút đầu tư, thì phải đơn giản hóa thủ tục hành chính; nhưng tiến trình này vẫn quá chậm; chưa tạo được lòng tin và khuyến khích được các nhà đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng nợ công vượt mức 63% GDP, tuy nằm trong giới hạn theo nghị quyết của Quốc hội con số nợ công đưa ra chưa tính hết khoản nợ.

“Cách nói đó là động viên nhau thôi, còn nợ công Việt Nam đáng được báo cáo minh bạch trước Quốc hội và toàn dân. Đề nghị Quốc hội nên yêu cầu Chính phủ báo cáo nợ công minh bạch và đưa ra giải pháp thắt chặt, tiết kiệm chi tiêu”, đại biểu Tâm đề xuất.

Việc báo cáo về khoản kinh phí khổng lồ này không phải để bi quan mà để minh bạch cho toàn dân biết tình hình ngân sách để thắt chặt chi tiêu, chống lãng phí.
Đại biểu Trần Du Lịch
Đại biểu Trần Du Lịch (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Nói về giải pháp giảm nợ công, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng nếu Quốc hội vẫn làm như hiện nay sẽ không kiểm soát được nợ công trong tương lai. Ông Lịch cho rằng chúng ta vay bao nhiêu, và mỗi  năm phần thu ngân sách trừ phần chi thường xuyên còn bao nhiêu % trong tổng thu.

Vị chuyên gia kinh tế này nêu thực tế đầu tư công phải làm tăng đầu tư xã hội chứ không phải chỉ có nhà nước đầu tư.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn