Kể từ sau Thế chiến II, hải quân nhiều nước đều tích cực phát triển lực lượng tàu ngầm của mình, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm hạt nhân với khả năng răn đe mạnh mẽ.
Nhưng việc vận hành những hạm đội tàu ngầm hạt nhân cũng là con dao hai lưỡi khi những vụ tai nạn này không chỉ cướp đi sinh mạng của thủy thủ đoàn trên những còn tàu xấu số, mà lò phản ứng hạt nhân trong xác của con tàu đắm còn là một quả bom hẹn giờ đe dọa phá hủy môi trường.
Tầu ngầm K-141 Kursk, năm 2000
Có lẽ một trong những thảm họa tàu ngầm khủng khiếp nhất trong lịch sử là vụ tai nạn của tàu ngầm K-141 Kursk, thuộc lớp tàu ngầm Đề án 949A Antey, vào ngày 12/8/2000. Con tàu 16.000 tấn bị phá hủy trong vụ nổ và chìm xuống đáy biển, cướp đi sinh mạng của 118 thành viên thủy thủ đoàn.
Sau khi xác tàu Kursk được trục vớt, người ta kết luận rằng vụ tai nạn do ngư lôi Type-65-76A gây ra. Loại ngư lôi này đủ sức đánh chìm tàu sân bay chỉ với một lần phóng, song lại sử dụng loại nhiên liệu hydro peroxid, hay dung dịch ô-xi già nồng độ cao rất dễ cháy nổ.
Sau thảm họa Kursk, Hải quân Nga quyết định loại biên toàn bộ ngư lôi sử dụng nhiên liệu hydro peroxid.
Video: Trục vớt xác tàu ngầm K-141 Kursk
Tầu ngầm K-278 Komsomolets, năm 1989
Tàu ngầm K-278 Komsomolets là tàu duy nhất thuộc lớp tàu Đề án 685 Plavnik được hoàn thiện, với tải trọng 8.000 tấn và đóng vai trò là hệ thống thử nghiệm cho những công nghệ mới. Đây là chiếc tàu ngầm có khả năng lặn sâu nhất thế giới với thành tích 1.020m dưới mặt nước biển được lập vào ngày 4/8/1984.
Nhưng niềm tự hào của Hải quân Liên Xô và nền công nghiệp Xô-viết này chìm xuống đáy biển trong chuyến tuần tra đầu tiên của mình. Ngày 7/4/1989, một ngọn lửa bùng phát trên khoang động cơ của tàu. Vụ tai nạn cướp đi 42 trong tổng số 69 thành viên thủy thủ đoàn.
Xác tàu Komsomolets cùng lò phản ứng hạt nhân và hai đầu đạn hạt nhân vẫn nằm ở độ sâu gần 1.700m dưới đáy biển Barents. Một thảm họa hạt nhân vẫn đang chực chờ xảy ra một khi lớp vỏ bảo vệ bị phá hủy.
Tầu ngầm K-8, năm 1970
Tàu ngầm K-8 thuộc lớp tàu Đề án 627A Kit, tàu K-8 không có tên, Liên Xô rất hiếm khi đặt tên cho tàu ngầm của mình, chìm vào ngày 12/4/1970. Nguyên nhân là vào ngày 8/4/1970, một vụ cháy xảy ra trên tàu khi dầu bị rò rỉ và tiếp xúc với hệ thống tái tạo không khí. Sau đó đám cháy lan ra toàn bộ con tàu thông qua hệ thống ống điều hòa không khí.
Đám cháy làm lò phản ứng hạt nhân trên con tàu ngừng hoạt động, thuyền trưởng lệnh cho thủy thủ đoàn bỏ tàu. Sau đó 52 thành viên thủy thủ đoàn lại quay trở lại khi tàu cứu hộ đến lai dắt K-8 về cảng. Thảm kịch xảy ra khi con tàu bị kéo vào một vùng nước dữ và chìm xuống đáy biển cùng với những người ở trên tàu.
Tầu ngầm USS Scorpion (SSN-589), năm 1968
Tai nạn tàu ngầm không chừa bất cứ quốc gia nào và Hải quân Mỹ cũng phải chịu những tổn thất nặng nề. Ngày 22/5/1968, tàu ngầm tấn công USS Scorpion thuộc lớp tàu Skipjack mất liên lạc ở vị trí cách đảo Azores khoảng 445 km về phía tây nam, khi đó trên tàu có 99 thủy thủ.
Hải quân Mỹ tìm kiếm con tàu sau khi có điều bất thường xảy ra, song mãi tới ngày 5/6/1968, con tàu mới được tuyên bố là mất tích. Khoảng cuối năm 1968, một tàu nghiên cứu của hải quân Mỹ tìm thấy xác tàu USS Scorpion nằm ở độ sâu 3.000 m dưới mặt nước biển.
Nguyên nhân gây ra tai nạn của USS Scorpion đến nay vẫn chưa được công bố, song có 2 giả thiết cho rằng con tàu bị đắm do bị trúng ngư lôi hoặc do thủy thủ đoàn bất cẩn làm ngư lôi Mark 37 trên tàu phát nổ.
Tầu ngầm USS Thresher (SSN-593), năm 1963
Tàu ngầm hạt nhân USS Thresher chìm vào ngày 10/4/1963 với 129 thành viên thủy thủ đoàn. Đây là vụ chìm tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trên thế giới và ở thời điểm đó là vụ tai nạn tàu ngầm cướp đi nhiều sinh mạng nhất.
Không giống như trường hợp của tàu USS Scorpion, Hải quân Mỹ công bố nguyên nhân của tai nạn là do chất lượng đường ống dẫn nước kém. Trong quá trình thử nghiệm lặn sâu, ống dẫn của tàu bị vỡ và nước biển tràn vào vào buồng máy.
Lúc đó, thuyền trưởng lập tức ra lệnh tăng hết tốc độ và cho tàu nổi lên, không khí áp suất cao được bơm vào bể dằn khiến cho nhiệt độ ống dẫn giảm xuống và một lớp băng đá bịt ống dẫn lại. Nước biển làm lò phản ứng ngừng hoạt động, hệ thống bơm khí không thể cấp đủ áp lực nhằm phá vỡ lớp băng trong ống dẫn khí vào bể dằn.
Nước biển tiếp tục tràn vào bên trong tàu USS Scorpion và thủy thủ đoàn không thể ngăn được, con tàu tiếp tục chìm xuống sâu hơn. Hệ thống thủy âm của tàu cứu hộ Skylark được phái đến hiện trường ghi lại được âm thanh khủng khiếp khi con tàu bị xé toạc và bị bóp nát dưới áp lực nước.
Vụ tai nạn nghiêm trọng của tàu USS Thresher buộc Hải quân Mỹ phải xây dựng chương trình SUBSAFE bao gồm hệ thống các quy tắc kiểm định và tái kiểm tra tất cả các bộ phận trọng yếu của toàn bộ tàu ngầm hạt nhân trong lực lượng này.
Bình luận