• Zalo

Những vụ phi công, tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt giữ ở nước ngoài

Kinh tếThứ Năm, 08/10/2015 12:50:00 +07:00Google News

Những vụ phi công, tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt giữ : Đếm không xuể các vụ phi công, tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt giữ ở nước ngoài

(VTC News) - Với mức thu nhập khá cao, nhưng một số phi công, tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines vẫn ăn trộm, buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền, vàng, đồ công nghệ, thậm chí là hàng cấm để rồi bị bắt giữ ở nước bạn.

Vận chuyển tiền, hàng hóa, đồ công nghệ trái phép

Từ những năm 2008, một phi công của Vietnam Airlines (VNA) đã từng gây chấn động dư luận khi bị bắt giữ tại Úc do nghi ngờ là có liên quan tới đường dây rửa tiền và ma túy lớn tại quốc gia này. Danh tính của phi công này được xác định là Lại Quốc Việt, cùng với đó là một phi công khác là Trần Đình Quang cũng là phi công của VNA và cũng tham gia vào đường dây phạm tội này.

Trần Đình Đang bị cơ quan an ninh Australia bắt tại sân bay do mang ngoại tệ vượt quá quy định (quá 10.000 USD). Sau đó, phi công này đã bị kết án tù 4 năm rưỡi do vận chuyển trái phép tổng cộng 6,5 triệu đô la Australia về Việt Nam.
Liên tiếp các vụ phi hành đoàn Vietnam Airlines bị bắt giữ ở nước ngoài xảy ra từ 2008 tới nay
Liên tiếp các vụ phi hành đoàn Vietnam Airlines bị bắt giữ ở nước ngoài xảy ra từ 2008 tới nay 
Vào cuối năm 2008, một cơ phó của VNA có tên là Đặng Xuân Hợp đã bị hải quan Nhật Bản tạm giữ điều tra do liên quan đến đường dây tiêu thụ hàng phi pháp tại nước này như quần áo, giày dép…

Khi bị cảnh sát Nhật bắt giữ, phi công Đặng Xuân Hợp thừa nhận được trả 100 USD cho mỗi lần chuyển hàng về Việt Nam nhưng không hề biết đó là đồ phi pháp.

Vào đầu năm 2008, hai tiếp viên khác là Nguyễn Quý Hiển và Nguyễn Hoàng Hương Xuân bị Hải quan Hàn Quốc bắt giữ tại sân bay Incheon khi mang 300.000 USD Mỹ vào nước này.

Liên tiếp sau đó, các vụ vận chuyển hàng hóa, tiền, vàng, đồ công nghệ... trái phép của các phi công, tiếp viên của Vietnam Airlines bị bắt giữ tại các nước như Nhật, Hàn, Úc.

Cụ thể tháng 6/2010, cơ quan chức năng của Úc bắt giữ tới 7 tiếp viên, trong đó có cả nam và nữ của VNA để điều tra nghi vấn liên quan việc vận chuyển một số điện thoại iPhone và iPad từ nước này về Việt Nam.

Năm 2011, Vietnam Airlines cũng xảy ra vụ lùm xùm khi khi tiếp viên Thái Anh Tiến bị khởi tố cùng người mẫu Vĩnh Thụy do liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử, ngoại tệ từ nước ngoài về TP HCM.

Siêu mẫu Vĩnh Thụy vào cuối năm 2011 đã bị khởi tố vì liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử, ngoại tệ về TP.HCM thông qua một số tiếp viên của VNA.
Quang cảnh xét xử vụ vận chuyển hàng công nghệ trái phép qua đường hàng không năm 2012, trong đó có siêu mẫu Vĩnh Thụy
Quang cảnh xét xử vụ vận chuyển hàng công nghệ trái phép qua đường hàng không năm 2012, trong đó có siêu mẫu Vĩnh Thụy (phải ngoài cùng)
Bị khởi tố cùng Vĩnh Thụy có tiếp viên Thái Anh Tiến, đoàn tiếp viên VNA. Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã xác định hơn 30 tiếp viên hàng không đã tham gia các phi vụ vận chuyển trên do Đỗ Thanh Lâm cầm đầu


Tháng 9/2013, tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn của VNA bị nhân viên an ninh sân bay Nội Bài phát hiện mang 50 điện thoại iPhone 5S từ Paris (Pháp) nhưng không khai báo. Toàn bộ số điện thoại nói trên đều còn mới, nguyên tem mác trong hộp và chưa qua sử dụng.

Ngay sau khi phát hiện và lập biên bản vụ việc, tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn cùng 50 chiếc điện thoại nói trên đã được bàn giao đưa về Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) công an Hà Nội để điều tra, làm rõ.

"Xách tay" hàng hóa có nguồn gốc... trộm cắp

Tháng 3/2014, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của Vietnam Airlines bị cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) tạm giữ để phục vụ điều tra do nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo trị giá 125.000 yen (tương đương 25,7 triệu đồng).
Hình ảnh nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc trên truyền hình Nhật Bản
Hình ảnh nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc trên phương tiện thông tin đại chúng của Nhật Bản 
Điều đáng nói là nữ tiếp viên này bị nghi ngờ là đã ăn cắp toàn bộ số quần áo trên tại Nhật Bản và có ý định mang về Việt Nam.

Cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) đã bắt tạm giam nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc, sau đó thông tin về vụ việc đã được đăng tải trên phương tiện truyền thông của Nhật.

Ngay sau đó, phía lãnh đạo VNA chỉ đạo Chi nhánh VNA tại Nhật Bản để cung cấp thông tin, sau đó tổ chức buổi làm việc với A85 Bộ Công An Việt Nam để tiếp tục phối hợp trong công tác điều tra và làm rõ vụ việc.

Mang 6 kg vàng qua sân bay nhưng không "lọt"

Ngày 10/3, sau khi hoàn thành chuyến bay từ Hà Nội đến sân bay quốc tế Gimhae (Pusan, Hàn Quốc), 2 phi công và tiếp viên của Vietnam Airlines bị bắt giữ do giấu 6 kg vàng được chia làm 6 miếng, mỗi miếng năng 1 kg dưới đế giày khi đi qua hệ thống máy dò kim loại của sân bay.
Hình ảnh tang vật 6kg vàng thu giữ được từ hai nhân viên phi hành đoàn VNA
Hình ảnh tang vật 6kg vàng thu giữ được từ hai nhân viên phi hành đoàn VNA 
Trong báo cáo gửi lên Cục Hàng không, Vietnam Airlines cho biết hai nhân viên của hãng là cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng 6 (35 tuổi) và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong đã mang theo vàng  trên chuyến bay VN 426 khởi hành từ Hà Nội đi Busan ngày 10/3, nhưng không khai báo và bị bắt.

Báo chí Hàn Quốc dẫn lời khai của phi công và tiếp viên cho biết, xách mỗi kg vàng, họ được trả công 250 USD. Như vậy, tính riêng tiền công, nếu giấu trót lọt 6 kg vàng, hai người có thể nhận trên 32 triệu đồng.

Mua hàng nhưng... quên không trả tiền

Đến ngày hôm qua, 7/10/2015, có thông tin về một phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) bị Nhật Bản tạm giữ vì hành vi mang hàng hóa... chưa trả tiền ra khỏi cửa hàng.

Được biết, nam phi công sinh năm 1959, hiện là thành viên của tổ bay Airbus A330 đã bị nước sở tại bắt giữ vào ngày 6/10, sau khi bị phát hiện trong túi quần vẫn còn hàng hóa chưa trả tiền tại một cửa hàng gần khách sạn.

Lấy lý do là quên không mang theo hộ chiếu, phi công này đã đề nghị với cửa hàng gửi hàng hóa và cả túi xách của mình lại để về khách sạn lấy hộ chiếu.

Tuy nhiên khi ông rời khỏi cửa hàng thì bị máy báo động. Các nhân viên cửa hàng giữ lại kiểm tra thấy trong người ông có hàng hóa chưa thanh toán tiền.

Ông này sau đó bị lập biên bản và cửa hàng bàn giao cho cảnh sát Nhật để điều tra hành vi này. Được biết đại diện VNA tại Nhật đã đề nghị được đóng tiền phạt hành chính vì cho rằng phi công này không cố ý lấy món đồ này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 7/10 về thông tin này, một lãnh đạo của Vietnam Airlines thừa nhận đã được báo cáo về sự việc.

Theo vị lãnh đạo này, đại diện hãng tại Nhật đang tích cực làm việc với nhà chức trách Nhật Bản để bảo lãnh phi công này vì tin rằng hành vi này không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên đến tối 7-10, phía Nhật vẫn chưa cho phi công này tại ngoại.

Huyền Trân (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn