(VTC News) - Tôi có may mắn hơn nhiều bạn trẻ yêu bóng đá vì là người được xem Thể Công đá trên sân Hà Nội từ những năm đầu tiên sau khi Bác Hồ và Chính phủ về lại Hà Nội ngày 10-10-1955.
Có thể thấy, Thể Công đúng là một tượng đài của Bóng đá Việt Nam, có nhiều cầu thủ hay song nếu buộc phải đi tìm những gương mặt được xem như "quái kiệt" giữa một rừng tài năng thì thật khó và cũng không thể quá dễ dãi, trong đó Thể Công đã đóng góp thật nhiều những giá trị được xem là bền vững.
Vì thế tôi nêu một số trường hợp cụ thể, đã qua so sánh để bạn hữu tham khảo và tôi sẽ lần lượt đi từ vị trí thủ môn trở lên.
Thể Công - một thời đốt cháy những khán đài |
Kỳ I: Những ‘quái kiệt’ hàng thủ
Thủ môn: Người đời nhắc đến 2 cái tên là Đức "ba xương" và Trần Văn Khánh của Thể Công. Rất khó nói ai hơn, Đức "ba xương" dũng cảm và liều mạng lắm nên dù mới mất 3 xương sườn vẫn xông lên, những quả lao ra 50-50 hơn hẳn thủ môn lứa đàn em là Khánh.
Tuy nhiên Khánh toàn diện hơn và thập kỷ 70 đã có câu "Bay như Khánh, đánh như Kim". Kim là thủ môn Hải Phòng, bắt hay nhưng hay đánh tiền đạo đối phương khiến nhiều người sợ, kể cả Hiển "cooc''.
Tôi chọn Khánh, nếu so với cháu trai Tiến Anh, ông chú 10 cậu cháu chỉ 7! Nhìn tổng thể, tới nay cũng chưa ai vượt qua tầm của Khánh tuy nhiên tôi cần nói thêm ít điều. Khi đem Trần Văn Khánh 10 so với Tiến Anh (quáng gà để thua cái lưng của Kuzma Sasi của Sing ở Tiger Cup 98 trên sân Hà Nội), chợt nhớ ra về 3 anh em thủ môn họ Trần ngày ấy, riêng chú em út có bắt gôn nhưng chưa đáng nói.
Họ là những Việt kiều Thái Lan, về Việt Nam cùng đợt với Hiển "cooc" là Việt kiều Tân Tây Lan (tức New Zealand). Anh cả Trần Văn Vĩnh, anh hai là Trần Văn Khánh và chú em Trần Văn Thành. Vĩnh bắt cho Trường Huấn luyện (THL), sau tai nạn gãy xương vai vì cú bay tầm cao xem như nghỉ luôn, ít năm sau anh đã kết duyên cùng Nguyễn Thị Ngân bóng chuyền cùng Trường Huấn luyện và 2 anh chị sinh ra thủ môn Tiến Anh.
Thủ môn Trần Văn Khánh |
Khánh về Thể Công và sau khi thủ môn Bảo nghỉ bắt đã được đưa vào trấn giữ khung thành đỏ, lập nhiều công trạng. Thành sang Công an Hà Nội bắt hay lắm, nhưng hơi cứng so với 2 ông anh. Xem ra thì 2 người em trai bắt bóng nhỉnh hơn anh cả chút ít vì trước đó họ chỉ chơi tự do, sau này các thủ môn trẻ đều được HLV ngoại giúp đỡ nên tiến bộ hơn về kỹ thuật.
Thập kỷ 60 những năm cuối, thủ môn đội tuyển Quốc gia là Tuấn "gáo", anh cũng ở Trường Huấn luyện. Ông này thuộc thế hệ trước, ngang với Vĩnh và trên Khánh một "nhịp", chừng 5 -7 tuổi gì đó. Về kỹ thuật, Tuấn "gáo" có cái dữ dằn của một ông tướng nhưng rất chuẩn, ông có tuổi thọ thủ môn khá cao, sau là HLV đội nữ Việt Nam, phối hợp với Giả Quảng Thác người Trung Quốc...
Hậu vệ: Ngày Thể Công mới ra đời, ngoài trung vệ kiêm HLV Trương Tấn Bửu, có Trần Tương Lai khoẻ mạnh bao sân và Diệp Phú Nàm nhỏ nhắn rất khó để tiền đạo đối phương qua mặt. Vậy mà năm 1958, tại giải bóng đá quân đội các nước XHCN, Việt Nam xếp dưới Anbani vì anh đá hỏng quả 11m cuối trận.
Trong 4-5 năm liền, chỉ có anh mới được phép đá phạt ở cự ly gần cho Thể Công. Nhưng toàn diện hơn cả là Nguyễn Trọng Giáp. Theo tôi Giáp và Chính "cối" xếp ngang nhau, Giáp hơn ở không chiến nhưng kém Chính vì hay bị tiền đạo qua mặt, đặc biệt là Hùng "xồm" và Lê Quang Ninh, tức Ninh "đen".
Lịch sử hào hùng của Thể Công |
Từng có người nêu tấm gương Tam Lang, tôi biết rõ Tam Lang và khâm phục lối chơi điềm đạm ít va chạm của HV họ Phạm song Tam Lang chỉ có thể đặt vào một đội hình chuyên đá nhuyễn như Cảng Sài Gòn ngày nào còn nếu đá như lối Thể Công, na ná tư duy bóng đá hiện đại như bây giờ e không hợp.
Vì thế, vị trí trung vệ chọn Giáp hay Chính đều được. Còn hậu vệ cánh, cũng là một việc khó tìm song tả vệ hạng sang như Tòng “cháy” thì tôi cam đoan Bóng đá Việt Nam chỉ có một, ông đã được báo chí khu vực và Trung Hoa khen tặng hết lời vì những kỹ năng xử lý bóng.
Xin nêu một chi tiết để minh họa: ngày đội Algeri qua Hà Nội đá giao hữu, tiền đạo Petophi – từng sát cánh bên Just Fontaine ở CLB Rem của Pháp đã tới bắt tay tỏ ý khâm phục Tòng “cháy” sau trận đấu bởi cả 3 lần vua phá lưới World Cup 1958 định lừa qua hậu vệ nhỏ bé của Việt Nam đều bất thành. Bên cạnh 2 trung vệ Giáp-Chính, tôi xếp Phương “tròn” của Tổng cục Đường Sắt năm nào, rất xứng đáng.
* Còn nữa...
Bình luận