• Zalo

Những phong tục của người Việt trong ngày Tết Thanh Minh

Chuyện bốn phươngThứ Ba, 04/04/2023 16:11:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Tết Thanh Minh mặc dù không phải là ngày lễ Tết lớn trong năm nhưng nó lại mang đậm nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.

Tết Thanh Minh là một ngày lễ Tết thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính đối với tổ tiên của người dân Việt Nam. Mang đậm nét thiêng liêng phong tục truyền thống in sâu trong mỗi người Việt, vào ngày này những người con xa quê đều sắp xếp về tảo mộ tổ tiên mình.

Năm 2023 Tết Thanh Minh rơi vào thứ tư ngày mùng 5/4/2023 (ngày 15/2/2023 nhằm Ngày Quý Tỵ, tháng Ất Mão, năm Quý Mão).

Đối với người Việt Nam ngày Tết Thanh Minh là ngày để con cháu tưởng nhớ hướng về tổ tiên nguồn cội mình. Chính vì vậy, ngày này con cháu nhất định phải thực hiện phong tục đi tảo mộ.

Theo đó, con cháu sẽ chuẩn bị lễ vật và thắp hương trước mộ của người đã khuất, sau đó sẽ tiến hành dọn dẹp mộ phần mong tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh bình an.

Những phong tục của người Việt trong ngày Tết Thanh Minh - 1

Tảo mộ, thắp hương lên phần mộ tổ tiên là một trong những phong tục người Việt không thể bỏ trong ngày Tết Thanh Minh.

Sau khi tảo mộ các thành viên cùng nhau về nhà lập mâm cơm dâng lên bàn thờ gia tiên và cùng nhau ăn uống sum vầy, trò chuyện bên nhau gắn kết tình nghĩa huyết thống trong gia đình mình.

Trong ngày này ngoài việc tảo mộ thì tục cúng hay chuẩn bị mâm cỗ cũng là một phần quan trọng được nhiều người coi trọng. 

Mọi người trong gia đình sẽ đi chợ mua đồ để chuẩn bị mâm cúng, tùy theo phong tục và địa phương mâm cúng chuẩn bị sẽ khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là một mâm cơm bình thường để mời cơm ông bà tổ tiên cùng nhau ăn uống sum vầy chứ không khoa trương hay mở yến tiệc linh đình.

Sắm lễ  cúng thường gồm: Thịt, gà, rượu, giò chả. Mâm cơm cúng đầy đủ gồm xôi, gà, canh măng, miến xào. Ngoài ra còn có hương, hoa, đèn, trầu cau, tiền vàng, hoa quả.

Khi làm mâm cúng ở mộ, gia chủ thực hiện sắp xếp đồ cúng, lưu ý hoa quả, tiền vàng được đặt chung, nhưng lễ mặn thì đặt riêng. Sau đó thắp nhang, đèn, chỉ nên cắm 1 hoặc 3 nén, kiêng kỵ cắm 2 nén và vái 3 lần để tỏ lòng thành với quan thổ công thổ địa rồi mới mời gia tiên trở về và bắt đầu đọc bài khấn vái cho tiết thanh minh.

Đợi hương tàn, mọi người tiến hành ra khu lăng mộ của gia đình thắp hương và xin phép ông bà cho mình được dọn dẹp. Lễ cúng hoàn tất, mọi người dọn dẹp, sửa sang. Khi tuần hương được 2/3 lúc này mọi người có thể tạ lễ, hóa vàng, xin lộc và ra về.

Ở tại gia, cúng lễ tiết thanh minh tại nhà cần lưu ý dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là bàn thờ gia tiên. Chuẩn bị mâm cỗ sẵn ở nhà để thực hiện cúng sau khi thanh minh tại mộ.Thắp hương khấn vái tương tự như các tục cúng khác. Cần thành tâm và giữ thái độ trang trọng khi làm lễ để thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên.

BẢO HƯNG
Bình luận
vtcnews.vn