Một số người dân ở thôn Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đang tỏ ra bức xúc trong việc giải quyết gian lận của ban tổ chức lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy).
Theo đó, ngày 2/9/2016 UBND huyện Lệ Thủy tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Đây là một lễ hội cấp tỉnh và là lễ hội đua ghe lâu đời nhất ở Quảng Bình.
Thời xưa lễ hội được tổ chức vào tháng 5 hàng năm để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Từ những năm 1946 lễ hội được chuyển sang tháng 9 để chào mừng ngày Quốc khánh 2/9.
Năm 2016 lễ hội được tổ chức với quy mô rộng với số thuyền đua là 25 chiếc – nhiều hơn nhiều so với các năm trước. Theo quy chế, những người tham gia đua thuyền đều phải là người trong huyện, nếu đội đua nào thuê người ngoài huyện vào sẽ bị loại nếu bị ban tổ chức (BTC) phát hiện.
Vào thời điểm chuẩn bị diễn ra cuộc đua thì BTC phát hiện đội Đại Phong thuê 4 người ở ngoài huyện đưa vào đội đua. Sau đó, BTC đã quyết định loại đội này khỏi cuộc thi. Tuy nhiên, cách giải quyết của BTC lễ hội không nhận được sự đồng tình của đội đua thôn Đại Phong.
Họ cho rằng, BTC đã thiếu công bằng khi một đội đua khác là đội Thượng Giang cũng vi phạm nội quy khi thuê 2 người ngoài huyện vào đội đua nhưng vẫn được đua. Một người dân làng Đại Phong cho biết: “Dù biết vi phạm quy chế là sai nhưng để giữ danh dự của làng, đội đua của thôn Đại Phong đã xin BTC được tham gia cuộc thi và không cân tính giải nhưng bị từ chối. Khi đội vẫn kiên quyết đưa thuyền xuống đua thì bị hai chiếc ca nô của CSGT và BTC áp sát, chèn ép suýt nữa thì bị chìm”.
Theo dân làng Đại Phong để chuẩn bị cho cuộc đua ghe, họ đã tốn rất nhiều công sức tập luyện và phải chi đến trên 500 triệu đồng để chuẩn bị cho cuộc thi. Nguồn kinh phí này lấy từ nguồn do người dân đóng góp 10kg thóc/người/năm (áp dụng với những người từ 1 – 59 tuổi) và do những con em trong làng làm ăn xa ủng hộ.
Để làm sáng rõ vấn đề và giải quyết bức xúc của người dân, PV VTC News đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Dương – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lệ Thủy kiêm Phó ban thường trực tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.
Theo ông Dương, việc BTC lễ hội tước quyền thi đấu của đội Đại Phong là hoàn toàn đúng luật và đúng với thể lệ của cuộc thi. Thể lệ này đã được BTC quán triệt trong lãnh đạo thôn, xã và các đội nhiều ngày trước khi diễn ra cuộc thi.
Ông Dương cũng lý giải trường hợp của đội Thượng Giang cũng vi phạm luật nhưng vẫn được tham gia đua thuyền: “Đội Đại Phong bị phát hiện có gian lận ngay từ đầu nên theo quy định đội này bị loại và không được tham gia đua.
Trường hợp của đội Thượng Giang, trong lúc kiểm tra ban đầu, do đội này đổi vị trí của các tay đua nên BTC không phát hiện gian lận. Tuy nhiên, sau khi kết thúc cuộc đua BTC phát hiện đội này có thuê 2 người ngoài huyện vào đua nên đã hủy thành tích của đội này (đội Thương Giang về thứ 2 chung cuộc – PV”.
Ông Dương cũng cho rằng, việc ngăn chặn không cho các đội vi quy chế tham dự cuộc thi là điều cần thiết. Bởi lẽ, nếu để các đội này tham dự sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến các đội đua khác và thậm chí là phá hỏng cả lễ hội. “Chúng tôi chỉ đưa ca nô ra để kêu gọi đội Đại Phong vào bờ tránh ảnh hưởng đến các đội đua khác và lễ hội”, ông Dương giải thích.
Ông Dương còn thông tin thêm, hiện trong lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang có nhiều đối tượng xấu lợi dụng để chơi cá độ với mức cược lên đến cả tỷ đồng. Việc BTC nghiêm cấm các đội thuê tay đua ở ngoại huyện cũng là để đảm bảo tính công bằng của cuộc thi.
Video: Thuyền buồn lớn nhất thế giới hoàn thành chuyến viễn du đầu tiên
Bình luận