• Zalo

Những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của sốt xuất huyết

Tư vấnThứ Bảy, 18/11/2023 09:05:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết từ 4 đến 5 ngày, diễn biến lâm sàng trải qua 3 giai đoạn, dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của sốt xuất huyết.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus mang Dengue trong muỗi vằn lây truyền từ người này sang người khác qua vết cắn của muỗi.

Sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh là D1, 2, 3 và 4. 

Người bệnh có dấu hiệu da xung huyết. (Ảnh: Như Loan)

Người bệnh có dấu hiệu da xung huyết. (Ảnh: Như Loan)

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết từ 4 đến 5 ngày. Diễn biến lâm sàng trải qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn sốt

Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục kéo dài từ 2-7 ngày, xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Người bệnh nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, phát ban, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, có thể nổi hạch.

Giai đoạn cảnh báo

Người bệnh đau bụng hoặc tăng cảm giác đau, nôn liên tục, ứ dịch trên lâm sàng, xuất huyết niêm mạc, ý thức u ám, kích thích, gan to hơn 2cm.

Giai đoạn nguy hiểm

Giai đoạn nguy hiểm thường rơi vào ngày thứ 4-6. Nhiệt độ bắt đầu giảm xuống còn 37,5 – 38 độ C, có khi còn 36 độ C.

Giai đoạn này làm tăng tính thấm làm thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch, hậu quả cô đặc máu, khiến bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích tuần hoàn.

Theo bác sĩ, hạ tiểu cầu sau một thời gian thì tiểu cầu sẽ lên, nhưng điều trị sốc giảm thể tích do cô đặc máu rất khó chữa. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.

Các trường hợp nhẹ hoặc sốt xuất huyết trong những ngày đầu có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Người bệnh cần uống đủ nước, dùng thuốc hạ sốt - giảm đau paracetamol, nghỉ ngơi, xét nghiệm công thức máu hàng ngày.

Người bệnh không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid. 

Người bệnh cần đặc biệt lưu ý, từ ngày thứ 4 - 5 trở đi sẽ có hiện tượng máu cô đặc nếu không bù đủ dịch.

Xét nghiệm công thức máu nếu thấy chỉ số Hematocrite tăng trên 20% so với ban đầu tức là máu bị cô đặc. Người bệnh cần lưu ý trong vấn đề truyền dịch.

Trong trường hợp truyền dịch không hiệu quả thì phải dùng dung dịch cao phân tử để kéo nước vào trong lòng mạch.

PGS Cường nêu thực trạng nhiều người chủ quan cứ nghĩ sốt xuất huyết là bình thường, cứ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Thực tế nhiều trường hợp sốt nhưng chưa có biểu hiện xuất huyết, bị cô đặc máu dẫn đến sốc. Lúc này điều trị rất khó khăn, thậm chí có thể tử vong.

Người dân khi có biểu hiện sốt cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu, chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà.

NHƯ LOAN
Bình luận
vtcnews.vn