• Zalo

Những đại án nào bị xét xử trước Đại hội Đảng?

Thời sựThứ Năm, 01/10/2015 04:47:00 +07:00Google News

Trong 8 vụ án trọng điểm được yêu cầu xét xử có vụ tiêu cực tại Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, đại gia thuỷ sản Miền Tây vay ngân hàng trên 16.000 tỷ đồng

Trong 8 vụ án trọng điểm được yêu cầu xét xử có vụ tiêu cực tại Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, đại gia thuỷ sản Miền Tây vay ngân hàng trên 16.000 tỷ đồng, vụ sếp nhà băng duyệt cho vay hàng triệu USD trái quy định.

Phiên họp thứ 8 của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng diễn ra vào ngày 28/9 thống nhất sẽ đưa 8 vụ án trọng điểm với 63 bị cáo liên quan hành vi nhận hối lộ, cố ý làm trái, gây thiệt hại về tài sản... ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội XII của Đảng.

Vụ án Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm


Ông Lâm Ngọc Khuân là Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng). Theo cáo buộc, từ năm 2008 đến tháng 9/2012, Phương Nam vay nhiều ngân hàng với tổng tiền trên 16.000 tỷ đồng. Trong số này hơn 9.700 tỷ đồng được cho là sử dụng sai mục đích; còn lại ông Khuân chiếm hưởng trên 52 tỷ đồng.

Đại gia này cũng bị cáo buộc cùng người thân và một số thuộc cấp lừa đảo số tiền trên 1.100 tỷ đồng. Hiện, ông Khuân cùng con gái đang bị truy nã. Từ hai năm trước, ông này cùng một số thành viên trong gia đình đã ra nước ngoài.

Dưới thời điều hành của ông Khuân, Thủy sản Phương Nam bị xác định sử dụng sai mục đích vốn vay gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Quân
Dưới thời điều hành của ông Khuân, Thủy sản Phương Nam bị xác định sử dụng sai mục đích vốn vay gần 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Quân 

Vụ án Phạm Văn Cử và đồng phạm

 Cơ quan điều tra xác định, Phạm Văn Cử (53 tuổi, nguyên giám đốc chi nhánh Agribank 7) đã chỉ đạo cấp Kiều Đình Thọ (34 tuổi, nguyên trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh), Đỗ Thị Thu Hà (40 tuổi, nguyên phó phòng Kế hoạch kinh doanh) cho vay trái nguyên tắc, thẩm định không đúng thực tế; nhận tài sản thế chấp đất không đúng quy định... khi duyệt 5 hợp đồng tín dụng cho Công ty Mai Khôi vay hơn 1.800 tỷ đồng và hơn 23 triệu USD.

Công ty này sử dụng vốn vay sai mục đích dẫn đến mất khả năng thanh toán, hiện còn nợ Agribank tiền gốc và lãi khoảng 600 tỷ đồng. Ông Cử cùng Hà, Thọ bị truy tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo điều 179 Bộ luật hình sự.

Trong phiên tòa mở cuối tháng 9, TAND TP HCM sau một tuần nghị án đã hoãn phiên xử, tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số tình tiết phát sinh.

Vụ án Trần Quốc Đông và đồng phạm

Gần một năm điều tra vụ tiêu cực tại Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (RPMU), ngày 22/6, VKSND Tối cao ra cáo trạng xác định, khi triển khai dự án Xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi, Hà Nội), bị can Phạm Hải Bằng (Phó giám đốc RPMU kiêm chủ nhiệm dự án tuyến số 1) nêu khó khăn về chi phí và được đại diện nhà thầu JTC đồng ý hỗ trợ.

Từ tháng 9/2009 đến 2/2014, với mục đích đưa tiền nhằm được thuận lợi cho quá trình thực hiện hợp đồng tư vấn, người của JTC đã 15 lần trực tiếp đưa tiền (khoảng 11 tỷ đồng) tại RPMU.

Việc nhận tiền, sử dụng đều được Bằng báo cáo với giám đốc RPMU qua các thời kỳ gồm Trần Văn Lục (1999-2009), Trần Quốc Đông (2009-6/2011) và Nguyễn Văn Hiếu (từ 2011). Biết việc làm trên là trái pháp luật nhưng các ông này "không chỉ đạo chấm dứt việc tiếp nhận và sử dụng".

Theo lời khai của các nghi can, tiền nhận của JTC chủ yếu trang trải cho lễ ký hợp đồng, chi tiếp khách, in tài liệu, hội họp, làm ngoài giờ, hỗ trợ đi nghỉ mát, thưởng Tết, hỗ trợ hoạt động đoàn thể... nhằm "vụ lợi cho tập thể, trong đó có quyền lợi cá nhân"

Hiện 6 người gồm Trần Quốc Đông, Phạm Hải Bằng, Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU), Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên trưởng phòng dự án 3), Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên phó phòng dự án) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, với tình tiết "gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng".

Vụ án Dương Thanh Cường và đồng phạm

Dương Thanh Cường (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Bình Phát) bị xác định đã lợi dụng quan hệ quen biết Lý Văn Chức (nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Bình Chánh) lập ra nhiều công ty "ma" cho người thân đứng tên nhằm mục đích vay tiền ngân hàng để trả các nợ cũ và chi tiêu cá nhân.

Ông Cường còn bị cáo buộc làm giả hàng loạt giấy tờ, nâng khống giá trị thực của mảnh đất tại Đà Lạt từ 3 tỷ đồng lên 47 tỷ đồng, lập khống dự án xây dựng khách sạn 5 sao để vay hơn 19 tỷ đồng của Agribank Bình Chánh. Nghi can này từng có 5 tiền án về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, Đưa hối lộ…
 Ngày 17/6, sau ba ngày xét xử, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Cường tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Cường từng thực hiện nhiều vụ lừa đảo.
Bị cáo Cường từng thực hiện nhiều vụ lừa đảo. 

Liên quan vụ án, Nguyễn Văn Lợi (53 tuổi, nguyên phó giám đốc Agribank chi nhánh Bình Chánh), Trần Thị Hoàng Yến (37 tuổi, nguyên phó phòng kế hoạch kinh doanh) nhận 8 năm tù; Nguyễn Thị Thanh Nga (34 tuổi, nguyên cán bộ tín dụng), Hoàng Như Bích (64 tuổi, nguyên cán bộ phòng kế hoạch kinh doanh) chịu 7 năm tù về tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trước khi vụ án được khởi tố, nguyên giám đốc chi nhánh Agribank Bình Chánh đã chết do bệnh hiểm nghèo.

Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm

Nguyên tổng giám đốc Công ty cho thuê Tài chính - ALC II, thuộc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam bị xác định "tội chồng tội" trong 3 vụ án tham nhũng nghiêm trọng.

Trong thời gian điều hành Công ty ALC II, bị cáo Hảo cùng một số người thành lập công ty sân sau, giao cho Nguyễn Minh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT và Vũ Đức Hòa làm giám đốc.

Năm 2007, để có tiền đầu tư bất động sản và giải quyết nợ xấu, ông Hảo bàn với Tuấn, Hòa nâng khống giá thiết bị lặn Tinro 2 (do một doanh nhân người Nhật góp vào Công ty Cát Long Hải) từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ rồi bán lại cho ALC II. Phi vụ này nhằm hợp thức hóa việc giải ngân trái phép tiền thanh toán nợ xấu của Công ty ALC II với các đối tác.

Tại phiên phúc thẩm mở tháng 4, TAND Tối cao đã y án tử hình với bị cáo Hảo. 11 bị cáo khác có chống án xin giảm hình phạt nhưng phần lớn không được chấp nhận.

Liên quan những sai phạm trong thời gian điều hành Công ty ALC II, cuối năm 2013, ông Hảo bị TAND TP HCM tuyên phạt mức án tử hình về tội Tham ô và Cố ý làm trái gây thất thoát 530 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7/2014, TAND Tối cao tại TP HCM đã hủy một phần bản án.

Trong vụ án khác cũng xảy ra tại ALC II, năm 2014, ông Hảo còn bị tuyên phạt 12 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Video: Những điểm đặc biệt trong đại án bầu Kiên


Vụ án Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm

Nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương bị cáo buộc đã vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng khi duyệt cho Công ty liên doanh Lifepro Vietnam vay vốn.

Cụ thể, năm 2007 dự án xây dựng nhà máy may, do Lifepro Vietnam làm chủ đầu tư khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 197 triệu USD. Dự án này được Agribank Nam Hà Nội giải ngân phần vốn cố định bằng VND và ngoại tệ tương đương 3.000 tỷ đồng...

Dự án sau khi hoàn thành giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động nhưng chỉ sau vài tháng (8/2012) đã ngừng hoạt động. Giám đốc bỏ về nước và khoản nợ không thu hồi được cả vốn lẫn lãi.

Vụ án Nguyễn Thế Dũng và đồng phạm

Nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) bị cáo buộc từ cuối năm 2011 đến tháng 7/2012 với chiêu nhập dầu núp dưới hình thức tạm nhập tái xuất đã tổ chức buôn lậu gần 6.000 tấn dầu các loại, trị giá gần 170 tỷ đồng. Hành vi này bị xác định gây thiệt hại cho nhà nước hơn 22 tỷ đồng tiền thuế.

Nguồn: VNE
Bình luận