• Zalo

Những cú bắt tay trong dầu mỏ và quân sự giữa Nga với Venezuela

Thế giớiThứ Bảy, 26/01/2019 11:39:00 +07:00 Google News

Nga từng điều oanh tạc cơ đến Venezuela để thể hiện sự ủng hộ với Nicolas Maduro và động thái này khiến Mỹ giận dữ.

Mỹ và một loạt các quốc gia Mỹ Latinh tuần này công nhận lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido là tổng thống lâm thời thay vì Tổng thống Nicolas Maduro, người nhậm chức nhiệm kỳ hai vào hôm 10/1. Tuy nhiên, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn đứng về phía Maduro.

venezuela-nga-1

 Tổng thống Nga Putin (phải) và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Nga năm 2018. Ảnh: Reuters.

Điện Kremlin gọi Maduro là tổng thống hợp pháp và cáo buộc Mỹ cố gắng chiếm quyền lực ở Venezuela, cảnh báo Washington chớ can thiệp quân sự.

Nga là đồng minh lâu năm của Maduro và người tiền nhiệm Hugo Chavez, với liên kết trong ngành dầu mỏ và quân sự. Chính phủ Nga và công ty dầu khí Rosneft đã cho Venezuela vay ít nhất 17 tỷ USD kể từ năm 2006, theo tính toán của Reuters.

Hai quốc gia có ngân hàng liên doanh là Evrofinance Mosnarbank. Quỹ phát triển quốc gia Venezuela kiểm soát 49,99% cổ phần của ngân hàng này. Trong khi đó, hai ngân hàng nhà nước Nga là Gazprombank (thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Gazprom) và VTB sỡ hữu số cổ phần còn lại.

VTB là ngân hàng lớn thứ hai của Nga. Họ đang cân nhắc bán cổ phần trong Evrofinance nhưng chưa có thỏa thuận nào.

Rosneft, nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, hoạt động tại Venezuela và đã cấp các khoản vay cho công ty dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA. Rosneft cho biết PDVSA đã trả 500 triệu USD trong quý ba năm ngoái, số nợ còn lại là 3,1 tỷ USD. Rosneft cũng nắm giữ 49,9% cổ phần của Citgo, nhà máy lọc dầu PDVSA thiết lập ở Mỹ.

Giám đốc điều hành của Rosneft Igor Sechin thường xuyên đến Venezuela. Ông tham gia vào một số dự án dầu khí ở nước này có tổng sản lượng là 8 triệu tấn trong năm 2017, tương đương 161.000 thùng mỗi ngày.

Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, cũng cung cấp loại lương thực này cho Venezuela. Nga xuất khẩu cho Venezuela 226.000 tấn lúa mì năm 2018 và 223.500 tấn trong năm 2017.

Caracas lần đầu tiên ký thỏa thuận mua súng với Matxcơva vào năm 2006. Venezuela sau đó chi hàng tỷ USD để mua 24 tiêm kích Su-30MK2, 53 trực thăng vũ trang Mi-24 và 100.000 súng trường AK.

Tháng trước, nhật báo Nezavisimaya trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Nga muốn triển khai máy bay chiến lược tại một căn cứ không quân của Venezuela ở vùng biển Caribe phía đông nam Mỹ.

venezuela-nga-2

 Oanh tạc cơ Tu-160 Nga tại Caracas tháng 12/2018. Ảnh: Tass.

Hai oanh tạc cơ Tu-160 Nga có khả năng mang vũ khí hạt nhân tháng trước hạ cánh ở Venezuela để diễn tập cùng không quân nước này. "Cuộc diễn tập cho thấy chúng tôi sẵn sàng bảo vệ từng centimet lãnh thổ Venezuela nếu cần. Đây là điều chúng tôi thực hiện cùng những người bạn khắp thế giới", Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino tuyên bố. Động thái này được thực hiện ngay sau chuyến thăm Matxcơva của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. 

Sự xuất hiện của hai oanh tạc cơ Nga ở Nam Mỹ đã khiến Washington tức giận. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phê phán Nga "cử phi cơ bay nửa vòng thế giới để phung phí ngân sách công". Điện Kremlin sau đó phản bác chỉ trích của Mỹ, cho rằng bình luận của Pompeo không đúng phép tắc ngoại giao.

"Chúng tôi không đồng tình với cáo buộc phung phí tiền của. Thật khó chấp nhận khi một nước có thể nuôi sống toàn bộ châu Phi chỉ bằng một nửa ngân sách quốc phòng lại đưa ra tuyên bố như vậy", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu.

Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza cũng chỉ trích tuyên bố của Pompeo, đề cập tới hàng loạt căn cứ quân sự được Mỹ triển khai khắp thế giới. "Thật lạ khi chính phủ Mỹ nghi ngờ quyền hợp tác quốc phòng và an ninh của nước khác, trong khi Tổng thống Trump từng công khai đe dọa xâm lược chúng tôi", ông nói.

Sau khi thủ lĩnh đối lập Guaido tự nhận là tổng thống Venezuela, Putin đã điện đàm để thể hiện sự ủng hộ với Maduro. Quân đội và tòa án tối cao Venezuela cũng tuyên bố trung thành với ông này.

Vì vậy, mặc dù Mỹ và một số nước khác đứng về phe đối lập, khó có thể đoán được kết cục của khủng hoảng chính trị hiện nay. Khi Mỹ ngày 24/1 yêu cầu Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc họp khẩn về tình hình ở Venezuela, đại diện của Nga đã ngay lập lực phản đối.

"Tôi không nghĩ cần tổ chức cuộc họp, đó là vấn đề nội bộ của họ", đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nói.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn