• Zalo

Những công ty 'vua' ngang nhiên tàn phá rừng đầu nguồn Hoà Bình

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 08/09/2017 10:46:00 +07:00 Google News

Ngoài những doanh nghiệp tàn phá rừng đầu nguồn trồng cam ở Hòa Bình, chúng tôi tiếp tục điều tra những công ty “vua” ngang nhiên tàn sát rừng, không ai làm gì được.

Tiếp tục câu chuyện về hành trình giữ rừng của người dân xã Quy Hậu (Tân Lạc - Hòa Bình) mà báo điện tử VTC News đã đăng tải:

Bài 1Dân thảm thiết kêu cứu rừng đầu nguồn ở Hòa Bình: 'Thà bắn chết chúng tôi đi còn hơn'

Bài 2: Phá rừng đầu nguồn ở Hòa Bình: 'Con cháu chúng tôi sẽ gặp thảm họa lũ quét như Mù Cang Chải?'

Bài 3: Doanh nghiệp tư nhân tàn phá rừng đầu nguồn trồng cam: Cán bộ đổ cho dân, huyện nói không biết

Bài 4: Doanh nghiệp tư nhân tàn phá rừng đầu nguồn trồng cam: Tỉnh Hòa Bình đang làm rõ

"Tôi không sai nên không sợ"

Trước khi trao đổi với PV, ông Bùi Đức Lâm - Giám đốc công ty Cổ phần Lâm Quế, doanh nghiệp bị người dân xã Quy Hậu tố cáo là "thủ phạm" phá rừng đầu nguồn đã đến tòa soạn VTC News để cung cấp hồ sơ và tài liệu liên quan để đến vụ việc này.

Video: Người dân tố cáo doanh nghiệp phá rừng đầu nguồn (Kim Thược)

Trao đổi với PV, ông Lâm khẳng định: "Tôi không sai nên không sợ. Có lãnh đạo huyện, tỉnh nào dám cung cấp đầy đủ hồ sơ như vậy? Cơ quan Nhà nước bây giờ người ta phải bảo vệ người ta. Ai có thể cung cấp nhỏ giọt nhưng tôi phải bảo vệ mình nên có hồ sơ gì tôi sẽ phải cung cấp hết. Nói ý nghĩa là rừng phòng hộ nhưng tỉnh đã giao cho tôi và chuyển đổi mục đích thành rừng sản xuất rồi".

Sở dĩ, ông Lâm có thể tự tin đến như vậy là do doanh nghiệp này đã có tấm "giấy thông hành" là văn bản được UBND tỉnh Hòa Bình cho phép bổ sung cây có múi vào cơ cấu cây trồng của mô hình trồng rừng năm 2015.

Tuy nhiên, văn bản này ghi rõ nội dung cho phép công ty Cổ phần Lâm Quế là"bổ sung cơ cấu cây trồng ở rừng sản xuất và rừng phòng hộ ít xung yếu".

IMG20170908093954

Văn bản cấp phép cho công ty CP. Lâm Quế bổ sung cây có múi vào khu vực rừng phòng hộ ít xung yếu. (Ảnh: Kim Thược) 

Nên hiểu từ "bổ sung" ở đây là trồng thêm cây có múi vào phần đất trống đồi trọc hay doanh nghiệp được phép phá sạch rừng để trồng cam? Ghi nhận thực tế của PV, rõ ràng những cánh rừng đã phá sạch để trồng cam chứ không phải được trồng xen canh với những cây rừng khác.

Dù được UBND tỉnh cấp phép cho thực hiện dự án "phá rừng trồng cam" nhưng khi trao đổi với PV, chính ông Lâm cũng nhiều lần thừa nhận, trong quá trình thực hiện dự án trên diện tích 280 ha rừng, nhiều lần UBND tỉnh giục công ty này trồng thêm khoảng 100 ha cây keo nữa.

"Trồng keo thì phải phá rừng đi mới trồng được. Nếu trồng keo thì những cánh rừng đó không còn gì. Thực tế, những cánh rừng ấy đang tái sinh thì vẫn là rừng đầu nguồn. Rừng đang như thế phá đi trồng keo chắc gì đã hiệu quả. Nếu  tiếp tục phá rừng trồng keo, chỉ cần tôi bán củi thôi cũng rất nhiều tiền,"ông Lâm cho hay.

IMG20170803094016 9

đây là bổ sung cây có múi hay cạo trọc rừng đầu nguồn? (Ảnh: Kim Thược)

Thế nhưng, mục tiêu của của công ty Lâm Quế bây giờ không phải lấy củi, lấy gỗ. Mục tiêu của Lâm Quế bây giờ là biến cánh rừng này thành khu du lịch sinh thái công nghệ cao. Ông Lâm thừa nhận với PV về dự định của doanh nghiệp này với những cánh rừng mà người dân Quy Hậu đang "thảm thiết" kêu cứu.

Chưa dừng lại ở "tham vọng lớn lao" là cải tạo rừng đầu nguồn thành khu du lịch sinh thái công nghệ cao, phần chia sẻ thông tin của ông chủ doanh nghiệp Lâm Quế về hiện trạng rừng đầu nguồn ở Hòa Bìnhkhiến PV không khỏi giật mình: "Cách đây khoảng 7-8 năm, riêng huyện Cao Phong có khoảng 9000 ha rừng phòng hộ. Bây giờ, huyện chỉ còn khoảng hơn 2000 thôi. Không chỉ doanh nghiệp đâu, dân cũng tự ý phá rừng trồng cam đấy. Bao nhiêu diện tích trồng cam tăng lên thì bấy nhiêu diện tích đất rừng giảm xuống."

"Dân mình mải kiếm tiền nên đôi khi yếu tố sức khỏe không quan trọng bằng kinh tế. Phải kinh tế, sinh nhai trước. Cái này là lỗi của chung chứ không của riêng ai. Đành phải chấp nhận thôi," ông Lâm nói.

Doanh nghiệp “vua” ngang nhiên phá rừng

Không chỉ cho rằng việc mình phá rừng trồng cam được cấp phép theo đúng quy trình, những gì mà ông Lâm phản hồi còn có vẻ như doanh nghiệp này đang muốn chứng minh là "nạn nhân" của chính quyền địa phương trong bất cập về quản lý đất đai.

IMG20170804150646 12

Ông Bùi Hồng Như - Nguyên Chủ tịch xã Quy Hậu. (Ảnh: Kim Thược) 

Ngày xưa, phần đất cấp cho công ty Lâm Quế nằm hoàn toàn ở xã Quy Hậu. Người kí đất đai, giúp làm phương án đền bù cho Lâm Quế ngày ấy là ông Bùi Hồng Như, Chủ tịch UBND xã Quy Hậu.

Ông Lâm tỏ ra rất bức xúc: "Năm 2012, cũng chính ông Như bất cẩn trong việc kí giáp ranh khiến tôi mất 170 ha từ Quy Hậu sang Tây Phong. Tôi có muốn đất của mình nằm ở 3, 4 xã như vậy đâu. Sau vụ kí nhầm, vị lãnh đạo này cũng đã bị kỷ luật mất chức Chủ tịch xã. Ngoài ra, nếu chính quyền làm chặt chẽ trong việc thu hồi đất của người dân cấp lại cho doanh nghiệp thì tôi không bị ảnh hưởng đến thế này. Đã không có việc người dân Quy Hậu tố cáo tôi."

Về những thông tin người dân "tố" công ty Lâm Quế phá rừng trồng cam gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của họ, Giám đốc công ty Lâm Quế thừa nhận đúng là quá trình làm đường đơn vị này có làm hỏng đường ống nước sinh hoạt của người dân.

IMG20170803084705 13

ĐƯờng ống nước sinh hoạt của người dân xã Quy Hậu. (Ảnh: Kim Thược) 

Tuy nhiên, ông Lâm hoàn toàn phủ nhận việc công ty của mình dùng hóa chất diệt cỏ, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học trồng cây làm ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước. "Tôi áp dụng công nghệ của Nhật, trồng cây theo công nghệ sinh học nên không có chuyện dùng thuốc cỏ, thuốc trừ sâu," ông Lâm khẳng định như vậy.

Khi phóng viên đặt câu hỏi: "Việc người dân phản ánh có doanh nghiệp tư nhân phá rừng trồng cây ăn quả gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân?", vị đại diện công ty Lâm Quến hanh chóng  tố cáo một đơn vị khác. Theo ông Lâm, trên đó có một công ty tư nhân tên Quang Hà chưa được chính quyền cấp phép trồng cây ăn quả. Công ty này mới là "hung thủ" phá rừng đầu nguồn và phun thuốc diệt cỏ làm ảnh hưởng tới nguồn nước của nhân dân.

IMG20170803144137 7

Phần đất mà công ty Quang Hà đang phá rừng để trồng cam. (Ảnh: Kim Thược)

Nói về mánh khóe của công ty Quang Hà trong việc phá rừng đầu nguồn để trồng cây ăn quả, ông Lâm cho biết: "Đầu tiên họ bỏ tiền thuê người dân địa phương đi phun thuốc diệt cỏ, khi đất ô nhiễm họ trồng ngô xuống. Sau khi thu hoạch ngô họ bắt đầu mua đất của dân. Họ không làm việc với huyện với xã mà qua mặt chính quyền địa phương chuyển đổi thành công mấy trăm ha cam chỉ với cách thức đơn giản đó.

Ngoài lấn chiếm đất của người dân Quy Hậu, công ty này còn lấn chiếm cả đất của công ty chúng tôi hơn chục ha. Tôi còn đang có ý định khởi kiện công ty này ra tòa. Vị trí công ty này trồng cam mới là rừng đầu nguồn. Cái chỗ hàng rào bị người dân đạp đổ mà PV ghi lại được chính là phần đất công ty Quang Hà lấn chiếm của huyện Tân Lạc. Câu chuyện ở đây là quýt làm cam chịu."

Trước đó, ông Lê Xuân Hà - Trưởng phòng Tải nguyên & Môi trường huyện Cao Phong cũng xác nhận thông tin, công ty Quang Hà mà người dân tố cáo chưa được UBND tỉnh cấp phép. Họ tự động thỏa thuận với một số hộ dân lấy đất và thực hiện trồng cam. Họ trồng hàng nghìn ha trên diện tích các xã Quy Hậu (Tân Lạc), Bắc Phong, Tây Phong (Cao Phong).

IMG20170803142400 5

Rừng đầu nguồn đã trở thành đồi cam. (Ảnh: Kim Thược)

Công ty Quang Hà là đơn vị nào? Tại sao lại có thể "thần thông" trong việc phá rừng trồng cam như vậy mà các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình chưa vào cuộc ngăn chặn, xử lý? Ngoài ra, việc cấp phép cho công ty Lâm Quế trồng cam trên khu vực rừng đầu nguồn con nước có ảnh hưởng đến người dân xã Quy Hậu hay không? Tất cả những phản ánh của người dân xã Quy Hậu, PV đã gửi tới UBND tỉnh, sở Tài nguyên & Môi trường, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình yêu cầu được giải đáp.

Về những nội dung Báo điện tử VTC News đã đăng tải, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh, làm rõ, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trong tháng 8/2017. Thế nhưng, đến nay phía UBND và các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình vẫn im lặng và chưa có câu trả lời cho những bức xúc của người dân.

Còn nữa...

Video: Cận cảnh máy xúc đào xới, phá rừng đầu nguồn Hòa Bình (Kim Thược)

Kim Thược Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn