• Zalo

NHNN: Sẽ sửa quy định mua bán, kinh doanh vàng để phù hợp với tình hình mới

Thị trườngThứ Tư, 03/01/2024 13:50:24 +07:00 Google News
(VTC News) -

"Mục tiêu Nghị định 24 cơ bản hoàn thành, đến nay cần xem xét tình hình mới để có những điều chỉnh phù hợp", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết.

Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, trả lời báo chí về những biến động mạnh của thị trường vàng những ngày gần đây cũng như sự chênh lệnh quá lớn giữa giá các loại vàng, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN Đào Xuân Tuấn khẳng định, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng.

Theo ông Tuấn, Nghị định 24/2012/NĐ-CP giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ. Thực tế cho thấy, hơn chục năm qua, dù giá vàng tăng giảm thất thường song tỷ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng.

“Đây là cơ sở chứng minh mục tiêu Nghị định 24 cơ bản hoàn thành. Đến nay, cần xem xét tình hình mới để có những điều chỉnh phù hợp”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết, NHNN đã tham khảo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, bộ ngành và được Chính phủ giao ngay trong tháng 1/2024 có báo cáo tổng kết đánh giá chính sách quản lý thị trường vàng và trình Chính phủ định hướng, phê duyệt chủ trương thay đổi chính sách phù hợp tình hình mới. 

Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa quy định mua bán, kinh doanh vàng để phù hợp với tình hình mới. (Ảnh minh họa: Công Hiếu)

Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa quy định mua bán, kinh doanh vàng để phù hợp với tình hình mới. (Ảnh minh họa: Công Hiếu)

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói thêm, mục tiêu của Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế để bảo vệ nền kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, việc sửa Nghị định 24 là cần thiết, vì Nghị định này đã ra đời cách đây 11 năm, có vai trò lịch sử nhất định song điều kiện kinh tế - xã hội đến nay cũng đã thay đổi.

Nói về đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC theo quy định của Nghị định 24, ông Tú cho hay, dù nhiều loại vàng hay không thì mục tiêu cuối cùng là phải ổn định thị trường vàng miếng, đảm bảo quyền lợi của người dân.

“Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá vàng miếng. Tuy nhiên, cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác. Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định 24 sắp tới. Hướng sửa đổi ra sao để vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo tính thị trường thì thời gian tới NHNN sẽ triển khai và sẽ xin ý kiến rộng rãi”, ông Tú nhấn mạnh.

Giá vàng trong nước diễn biến bất thường cuối năm 2023, có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới gần 20 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua vào - bán ra được kéo giãn tới 5 triệu đồng/lượng.

Trước tình hình này, ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng. 

Thủ tướng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng.

"Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia", chỉ đạo của Thủ tướng tới NHNN.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô. Việc này Ngân hàng Nhà nước phải  báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1/2024.

Công Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn