• Zalo

Nhiễm khuẩn bệnh viện: Bác sĩ cũng bó tay!

Sức khỏeThứ Năm, 13/04/2017 10:47:00 +07:00 Google News

Theo các bác sĩ, nhiễm khuẩn bệnh viện do vi khuẩn đa kháng kháng sinh rất khó điều trị, khó kiểm soát lây truyền và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh, thậm chí là tử vong.

Với mục đích tạo diễn đàn thảo luận và đề xuất giải pháp làm giảm nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) tại các đơn vị chăm sóc tích cực - khu vực có nguy cơ NKBV cao nhất trong các cơ sở y tế, góp phẩn cải thiện chất lượng chăm sóc điều trị người bệnh, ngày 12/4, BV Bạch Mai phối hợp với Văn Phòng đại diện Baxalta, Singapore tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện tại các đơn vị chăm sóc tích cực”.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Bạch Mai, hầu hết NKBV tại các Đơn vị chăm sóc tích cực gây ra bởi các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. NKBV do vi khuẩn đa kháng kháng sinh khó điều trị, khó kiểm soát lây truyền và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh do làm tăng gấp 2 lần ngày nằm viện, chi phí điều trị và tăng tỷ lệ tử vong (30-40%).

Các bác sĩ cho biết, tỷ lệ NKBV tại các Đơn vị có xu hướng giảm trong những năm gần đây (tại BV Bạch Mai, NKBV tại Hồi sức tích cực giảm gần 50% so với 10 năm trước) nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực (15-20%), cao hơn 2-3 lần so với những nước phát triển.

Hinh anh

Tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện. 

Do đó, để hạn chế tình trạng NKBV, theo các chuyên gia, mọi nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vô khuẩn trong chăm sóc ở mọi bệnh nhân; phát hiện và tổ chức cách ly sớm bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện để phòng ngừa lan truyền các vi khuẩn đa kháng kháng sinh.

Đồng thời, phải có các chương trình đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản cho học viên tại các trường đạo tạo Y trước khi tới thực hành tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, cần cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng để kiểm soát nhiễm khuẩn: nơi xử lý đồ bẩn, phương tiện vệ sinh, hệ thống xử lý nước sinh hoạt, nước thải. Những khu vực cần tập trung nguồn lực là các đơn vị Hồi sức tích cực, cấp cứu, chống độc, nhi sơ sinh và ngoại khoa... Liên tục duy trì phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản phục vụ công tác vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn dụng cụ, đồ vải.

Việc tăng cường phòng ngừa chuẩn kết hợp dự phòng theo đường tiếp xúc là những thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản nhưng chưa được thực thi tốt.

Duy trì kiểm tra, giám sát chủ động NKBV và tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn để đề xuất kịp thời can thiệp, làm giảm NKBV và cải thiện tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn ở nhân viên y tế.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ với khoa Vi sinh để phát hiện, cách ly kịp thời vi khuẩn đa kháng kháng sinh, đồn thời có liệu pháp điều trị kháng sinh phù hợp...

>>> Đọc thêm: Mối liên hệ giữa bệnh vẩy nến với nhiễm trùng, nhiễm khuẩn và nấm

Video: Xót xa bé 4 tháng tuổi nhiễm trùng da do tắm lá

(Nguồn: Sức khỏe đời sống)
Bình luận
vtcnews.vn