• Zalo

Nhân ngày khai trường nói chuyện học hành kiểu Mỹ

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Năm, 21/09/2017 07:21:00 +07:00Google News

Trong những năm gần đây, nhiều nhà giáo, nhà báo, nhà bình luận cho rằng những ngày đầu năm học cần là ngày lắng nghe và đối thoại với học sinh để biết được nguyện vọng của các em ra sao cho một niên khoá mới, vì thế tuần lễ sinh hoạt công dân đầu khóa hay tuần lễ sinh hoạt định hướng là thời gian rất quan trọng để tạo nên sợi dây kết nối giữa nhà trường với học sinh.

Nhân những ngày đầu thu của năm học mới 2017-2018, chúng tôi xin trích đăng bài phỏng vấn xúc động, chia sẻ những tâm tư của Giáo sư Thạch Nguyễn – thuộc Ban chấp hành Hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hội can thiệp Tim mạch học Hoa Kỳ, vị bác sĩ nổi tiếng tài đức tại Việt Nam và cả Hoa Kỳ, quyền Hiệu trưởng của Trường ĐH Tân Tạo (TTU), về những trăn trở của ông trong việc góp phần thay đổi môi trường giáo dục mang định hướng quốc tế.

1

 

- Xin thầy Thạch Nguyễn cho biết năm nay, TTU đang có những dự định mới nào cho các em sinh viên?

Tôi vẫn tâm đắc với bài phát biểu năm 2011 của Cựu tổng thống Barack Obama dành cho các em học sinh ở Philadelphia, có đoạn như sau: “… một nền giáo dục không chỉ dừng lại ở việc được vào học ở một trường đại học tốt hay nhận được một công việc tốt khi bạn tốt nghiệp. Nó còn là việc đem đến cho mỗi chúng ta và mọi người trong số chúng ta cơ hội để thực hiện lời hứa của chúng ta, trở thành kiểu mẫu tốt nhất mà chúng ta có thể đạt tới".

Nền giáo dục của Hoa Kỳ là một trong những chuẩn mực chính mà TTU đang mang vào công tác giáo dục hằng ngày. Năm học này, chúng tôi đã khái quát thành 3 mũi nhọn chính: Thứ nhất là áp dụng chương trình học của Mỹ, thứ hai là thực tập hè tại Mỹ và Á Châu và thứ 3 là đào tạo ra các nhà lãnh đạo.

- Cụ thể, các mũi nhọn này được thể hiện ra sao trong việc giảng dạy tại nhà trường?

Chiến lược thứ nhất là áp dụng chương trình giáo dục Mỹ tại Đại học Tân Tạo và nói rõ hơn, đó là chương trình giáo dục khai phóng, một cách học đã đem lại thành công cho biết bao nhiêu thế hệ nhân tài ở Mỹ.

Chiến lược thứ hai là gửi sinh viên Đại học Tân Tạo đi học, đi thực tập tại các công ty, hay các nhà thương ở Việt Nam, Singapore, Phillipines, Hàn Quốc hay Mỹ Quốc.

Những tháng ngày thực tập như vậy sẽ nung nấu lòng tự tin, học cách giáo tiếp một cách thành công để đem lại kết quả luyện tập tốt nhất và đem lại nhiều cơ hội thành công cho các em hơn trong tương lai.

- Vậy việc đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai thì sao? Trường đang triển khai những “chiến thuật nào”?

(Cười) “Chiến thuật” làm tôi liên tưởng đến TTU giống như một “trại quân đội”, nơi rèn luyện cho các “binh sĩ” trước khi họ bước vào trận chiến dài hơi của cuộc đời mình. Thật ra TTU đã áp dụng lộ trình này trong nhiều năm nay. Bằng chứng là quý vị phụ huynh có thể thấy, ngay trong chương trình “Tuần sinh hoạt công dân”, chúng tôi cũng đã tích hợp rất nhiều nội dung rèn luyện kỹ năng mềm cho các bạn như thuyết trình, làm việc nhóm, cách viết và làm bài báo cáo, kỹ năng lãnh đạo…v.v. Những nội dung này sẽ còn được mở rộng hơn nữa trong suốt quá trình học tại TTU bằng giáo trình khai phóng của Hoa Kỳ.

- Nói cách khác, những nhà lãnh đạo tương lai mà TTU đào tạo sẽ mang dáng dấp, phong thái của những yếu nhân trưởng thành dưới nền giáo dục Hoa Kỳ?

Có thể tạm kết luận như vậy. Mục tiêu của Đại học Tân Tạo, là đào tạo những người lãnh đạo trong cộng đồng họ đang sống và nơi họ phục vụ. Theo tôi, lãnh đạo không phải người chỉ tay năm ngón và lệnh cho các nhân viên thuộc cấp làm. Lãnh đạo mà chúng tôi đào tạo phải là người dẫn dắt, như cách mà tầng lớp tinh hoa (elite) đang làm. Họ phải góp phần tạo cảm hứng để thay đổi thế giới. Là phải đoàn kết tất cả lại, kéo mọi người theo, cùng nhau tiến tới để đem lại thành công. Đó là cách lãnh đạo của Facebook. Đó là cách lãnh đạo của Microsoft. Đó là cách lãnh đạo của Apple. Đó là cách lãnh đạo của người Mỹ.

- Với tư cách mới - Quyền Hiệu trưởng của ĐH Tân Tạo, thầy muốn gửi thông điệp gì đến các sinh viên của mình nói chung, và các bạn sinh viên nói riêng trong đầu năm học?

Tôi là người làm nghề Y, cũng là một người đứng trên bục giảng, tôi chỉ có một chữ cho các em: Đam mê. Xin các em hãy học một cách đam mê. Tôi không yêu cầu các em học khổ sở hay học vẹt, nhưng tôi yêu cầu các em cố gắng mỗi ngày hơn và học một cách thông minh hơn. Đối với các sinh viên đang học, các em là niềm kiêu hãnh của chúng tôi. Khi các em thành công khắp nơi, khi tôi nghe các Bác sĩ ở Mỹ, Việt Nam hay Thầy Cô của các Đại học khác khen các em, chúng tôi rất là hãnh diện.

Thành công của các em cũng là thành công của chúng tôi, thất bại của các em cũng là thất bại của những giáo viên như chúng tôi. Xin các em hãy nhớ như vậy.

- Xin cảm ơn thầy!

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn