• Zalo

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19?

Tư liệuChủ Nhật, 29/03/2020 08:42:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Đại dịch Covid-19 rồi sẽ qua đi, và lựa chọn chúng ta đưa ra ở thì hiện tại sẽ quyết định tương lai nhân loại trong vài năm tới đây.

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19? - 1

 

Loài người đang đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu. Những quyết định của người dân cùng chính phủ đưa ra trong ít tuần tới có thể sẽ định hình thế giới trong vài năm nữa. Ảnh hưởng của chúng không chỉ phủ bóng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, mà còn là nền kinh tế, chính trị và văn hóa.

Chúng ta cần hành động nhanh. Đúng, và cần quyết đoán nữa. Tất nhiên, loài người cũng cần tính đến hậu quả lâu dài với từng hành động, nước đi hiện tại. Đứng trước ngã ba đường, ta cần tự hỏi bản thân mình rằng không chỉ vượt qua thảm họa này thế nào, mà thế giới loài người đang sống sẽ ra sao khi bão tố qua đi.

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19? - 2

Covid-19 cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người trên thế giới.

Điều gì sẽ xảy ra khi tất cả mọi người đều ở nhà làm việc và chỉ giao tiếp từ xa? Điều gì sẽ xảy ra khi hầu hết trường học đều chuyển sang hình thức học trực tuyến? Thông thường, các chính phủ, doanh nghiệp hay cơ sở giáo dục không bao giờ đồng ý với trải nghiệm kiểu như vậy. Nhưng giờ không phải khoảng thời gian thông thường nữa.

Khi khủng hoảng ập đến, chúng ta phải đối diện nhiều lựa chọn quan trọng. Trước tiên là giữa giám sát toàn trị và trao quyền công dân, sau đó là cô lập quốc gia và đoàn kết toàn cầu.

Cây bút nổi tiếng Yuval Noah Harari sẽ mang đến cái nhìn toàn cảnh cho độc giả về ngã rẽ của nhân loại trước "bóng ma" Covid-19, với những thách thức và cả lựa chọn của con người để vượt qua hiện tại và khởi động cỗ máy tương lai. 

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19? - 3

 

Để chặn đứng dịch bệnh, toàn thể người dân phải thực thi những chỉ dẫn cụ thể (do chính phủ ban hành). Có hai cách để đạt được điều này. 

Thứ nhất, chính phủ giám sát người dân, trừng phạt bất cứ ai phạm luật. Ngày nay, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, công nghệ khiến việc giám sát toàn dân trở nên vô cùng khả thi.

50 năm trước, Uỷ ban an ninh quốc gia (KGB) không thể theo dõi 240 triệu công dân Liên Xô suốt 24 giờ/ngày, đồng thời không thể xử lý hiệu quả mọi thông tin thu thập được nếu chỉ dựa vào tác nhân con người.

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19? - 4

Người Paris ngồi cách xa nhau theo khuyến cáo "giãn cách xã hội" từ chính phủ.

Dẫu vậy, công nghệ đã khiến thế giới sang trang. Hiện nay, các chính phủ có thể dựa vào các cảm biến có mặt ở khắp nơi và những thuật toán mạnh mẽ để theo dõi nhất cử nhất động người dân. 

Trong cuộc chiến với virus corona, nhiều chính phủ đã đưa vào vận hành những công cụ giám sát hoàn toàn mới. Ví dụ điển hình là Trung Quốc.

Bằng cách giám sát chặt chẽ điện thoại của người dân, sử dụng hàng trăm triệu máy ảnh nhận diện khuôn mặt và bắt buộc người dân phải kiểm tra, báo cáo tình trạng cơ thể và tình trạng y tế của họ, chính quyền Trung Quốc không chỉ nhanh chóng xác định người nghi nhiễm Covid-19, mà còn theo dõi chuyển động của họ và xác định bất cứ ai tiếp xúc với họ.

Một loạt các ứng dụng di động cũng được phát triển để cảnh báo người dân rằng có thể họ đang tiếp xúc với người nhiễm bệnh. 

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19? - 5

Trung Quốc giám sát sức khỏe người dân bằng mã QR.

Những thiết bị công nghệ kiểu này không chỉ giới hạn ở Đông Á. Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel mới đây đã uỷ quyền cho Cơ quan An ninh Israel trong việc vận hành thiết bị giám sát theo dõi bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Đáng chú ý, thiết bị này trước đây được dùng để chống... khủng bố. 

Khi tiểu ban nghị viện Israel không đồng tình, Netanyahu lập tức kêu gọi tình trạng "khẩn cấp quốc gia", bắt buộc sử dụng thiết bị giám sát.

Nhiều tranh cãi cho rằng những biện pháp này không có gì mới. Nhiều năm gần đây, các chính phủ hay tập đoàn còn phát triển những công nghệ khó tin, với khả năng theo dõi, giám sát hay thậm chí mô phỏng con người. 

XEM THÊM:

>> Sức mạnh nào sẽ giúp nhân loại chiến thắng đại dịch Covid-19?

>> Covid-19 đưa nhân loại trở về 'thế giới hư không’

Tuy nhiên, nếu chúng ta không cẩn thận, dịch bệnh Covid-19 có thể đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giám sát nhân loại. Nhờ có Covid-19, việc giám sát công dân hàng loạt ở các quốc gia đã được bình thường hóa, ngay cả với những nước trước đây từ chối theo dõi công dân của mình. 

Cho đến nay, khi ngón tay bạn chạm vào màn hình cảm ứng điện thoại và nhấp vào một đường link, nhiều chính phủ sẽ muốn biết chính xác đường link bạn vừa nhấp vào là gì. Nhưng ở thời đại dịch bệnh leo thang, trọng tâm của giám sát đã thay đổi. Giờ đây, chính phủ không quan tâm ngón tay bạn chạm vào thứ gì, mà họ muốn biết nhiệt độ của ngón tay bạn và huyết áp dưới lớp da của bạn là bao nhiêu.

Sự giám sát đã chuyển từ bên ngoài bề mặt da xuống phía dưới lớp da, với các thông số sức khỏe liên quan đến con người. 

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19? - 6

 

Một trong những vấn đề chúng ta gặp phải là không ai trong biết chính xác mình đang bị giám sát thế nào, và điều gì sẽ đến trong những năm tới, khi công nghệ giám sát được phát triển với tốc độ khủng khiếp. Những điều được cho là viễn tưởng 10 năm trước giờ trở thành cũ kỹ trong hôm nay.

Hãy tưởng tượng một thử nghiệm: Giả định rằng chính phủ yêu cầu người dân phải mang vòng đeo tay sinh trắc học theo dõi nhiệt độ cơ thể và nhịp tim suốt 24 giờ/ngày. Dữ liệu được lưu trữ và phân tích bằng thuật toán của chính phủ. Các thuật toán sẽ biết rằng bạn bị bệnh ngay cả khi bạn chưa biết điều đó. Họ cũng sẽ biết bạn đã ở đâu, gặp ai.

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19? - 7

Khu vực cách ly của quân đội Nepal.

Chuỗi lây nhiễm virus, từ đó, có thể bị rút ngắn đáng kể, hoặc bẻ gãy hoàn toàn khi họ tìm được mắt xích nhiễm bệnh và tách chúng khỏi cộng đồng. Một hệ thống như vậy có thể ngăn chặn dịch bệnh và tàn dư của nó trong vài ngày. 

Nghe tuyệt quá phải không?

Thế nhưng, triết học luôn đúng. Mọi vấn đề đều có hai mặt, và mặt tối của vấn đề này là mang lại tính hợp pháp cho một hệ thống giám sát đáng sợ. Đơn cử, nếu tôi có xu hướng đọc các bài báo trên Fox News thay vì CNN, bạn có thể luận ra quan điểm chính trị và có thể cả nhân cách của tôi. 

Nhưng nếu bạn biết cả chỉ số nhiệt độ cơ thể, huyết áp, nhịp tim khi tôi xem các video clip, bạn có thể nắm được điều gì khiến tôi bật cười, khóc lóc, vui vẻ hay tức giận. Đó đều là những hiện tượng sinh học điển hình giống như sốt hoặc ho. 

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19? - 8

Người dân đối diện nỗi lo thông tin riêng tư bị xâm phạm. 

Nếu các tập đoàn và chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu sinh trắc học của tôi, họ có thể hiểu tôi hơn chính tôi, và sau đó họ không chỉ dự đoán, mà còn thao túng cảm xúc của tôi và đem đến cho tôi bất cứ thứ gì họ muốn, từ một sản phẩm bán lẻ đến một... chính trị gia.

Giám sát sinh trắc học khiến những thuật toán đánh cắp dữ liệu của Cambridge Analytica trở nên cổ lỗ sĩ, giống thứ gì đó tới từ thời kỳ… đồ đá vậy. Hãy tưởng tượng vào năm 2030, khi người dân của một quốc gia nào đó phải đeo vòng tay sinh trắc học 24/24 và lắng nghe một lãnh tụ vĩ đại phát biểu. Chiếc vòng tay ấy sẽ thu lượm mạch cảm xúc của người nghe và… xong.

Bạn đã bị chi phối. 

Tất nhiên, giám sát sinh học là giải pháp tạm thời được mang ra sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Dịch bệnh qua đi, giải pháp này cũng biến mất. Thế nhưng, những giải pháp tạm thời luôn có thói quen tồn tại lâu hơn chính trường hợp khẩn cấp đó, đặc biệt khi những trường hợp khẩn cấp mới trong tương lai luôn rình rập, chờ đợi thời cơ để xuất hiện.

Ai biết sau dịch bệnh Covid-19 này là điều gì nữa?

Video: Ấn Độ phong toả 1,3 tỷ dân

Lấy ví dụ về Israel, quê hương tôi. Israel tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong cuộc chiến giành độc lập năm 1948 để hợp thức hóa cho một loạt biện pháp tạm thời, từ kiểm duyệt báo chí đến tịch thu đất đai.

Khi chiến tranh kết thúc, Israel không tuyên bố tình trạng khẩn cấp đã khép lại (cho đến năm 2011), và thất bại trong việc bãi bỏ những "biện pháp tạm thời" họ từng ban hành. Như vậy, những thứ tạm thời giờ lại trở thành trường cửu.

Cuộc khủng hoảng toàn cầu mang tên SARS-CoV-2 có thể sẽ châm ngòi cho cuộc chiến liên quan đến quyền riêng tư. Tất nhiên, khi phải lựa chọn giữa quyền riêng tư và sức khỏe, người ta sẽ chọn sức khỏe rồi. Còn điều gì quý giá hơn chứ!? 

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19? - 9

 

Dẫu vậy, bản thân việc yêu cầu loài người chọn giữa quyền riêng tư và sức khỏe là điều sai trái. Tại sao phải lựa chọn, khi chúng ta có thể tận hưởng cả hai thứ đó. Chúng ta có thể lựa chọn bảo vệ sức khỏe của mình và ngăn chặn dịch Covid-19 không phải bằng cách trao mọi thông tin cho chính phủ, mà chính phủ phải trao quyền lực cho công dân.

Vài tuần gần đây, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đã ngăn chặn tương đối hiệu quả dịch bệnh. Dù các quốc gia này cũng sử dụng một số ứng dụng theo dõi, nhưng họ lại dựa nhiều hơn vào việc mở rộng phạm vi xét nghiệm Covid-19, cùng những báo cáo trung thực và sự hợp tác của cả cộng đồng. 

Giám sát toàn trị và đưa ra những chế tài hà khắc không phải cách duy nhất để khiến công dân tuân thủ các chỉ dẫn về sức khỏe. Khi người dân được giáo dục đầy đủ về kiến thức khoa học, họ sẽ làm những điều đúng đắn mà không cần bất cứ ai phải giám sát, thúc giục sau lưng.

Một cộng đồng chủ động và nhận thức tốt sẽ hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn nhiều so với một cộng đồng thiếu biểu biết và luôn bị khống chế, giám sát.

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19? - 10

Hàn Quốc kiểm soát dịch bệnh nhờ ý thức cộng đồng cao. 

Lấy ví dụ về biện pháp rửa tay bằng xà phòng. Đây là một trong những phát kiến lớn nhất trong vệ sinh cá nhân của loài người. Hành động đơn giản là thoa tay với xà phòng và rửa sạch bọt đã cứu tới hàng triệu triệu sinh mạng mỗi năm. 

Ngày nay, chúng ta coi đó là điều hiển nhiên, nhưng chỉ đến thế kỷ 19, các nhà khoa học mới khám phá ra sự cần thiết của biện pháp này. Trước đây, các bác sĩ và y tá thậm chí tiến hành nhiều cuộc phẫu thuật mà không rửa tay lấy một lần. 

Hôm nay, hàng tỷ người rửa tay mỗi ngày, không phải vì họ sợ xà phòng sẽ… trừng phạt họ (nếu họ không làm). Mà họ rửa tay vì hiểu rằng đây là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân. Tôi rửa tay với xà phòng vì tôi biết bàn tay mình có rất nhiều vi khuẩn, virus. Tôi biết những sinh vật nhỏ bé này có thể lây bệnh, và tôi biết xà phòng sẽ tiêu diệt chúng hoàn toàn. 

Để một cộng đồng ưng thuận và đoàn kết hướng tới giải pháp nào đó, thứ họ cần là niềm tin. Đó là niềm tin vào khoa học, vào những cơ quan có thẩm quyền, vào báo chí và truyền thông.

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19? - 11

Mỹ trở thành quốc gia có số người mắc Covid-19 cao nhất thế giới.

Những năm gần đây, nhiều chính trị gia vô trách nhiệm thường hạ thấp tầm quan trọng của sự thật khoa học. Họ nghĩ rằng chỉ cần áp dụng chủ nghĩa độc đoán là có thể kiểm soát mọi thứ, ép đám đông phải làm điều họ không tin.

Thành Rome không thể xây trong một ngày. Khi niềm tin bị xói mòn trong nhiều năm, nó không thể được xây lại chỉ trong một tối. Nhưng tôi nhấn mạnh, rằng đây không phải khoảng thời gian bình thường. 

Trong khủng hoảng, chúng ta không tuân theo lý lẽ thông thường, bởi mọi thứ sẽ thay đổi rất nhanh. Bạn có thể mâu thuẫn với người thân trong thời gian dài, nhưng khi thảm họa ập đến, bạn sẽ thấy sâu thẳm trong tim mình là lòng nhân ái và sự bao dung. Bạn sẽ không nề hà gì, xắn tay vào và giúp đỡ họ. 

Video: Cần ít nhất 12 tháng để sản xuất vaccine ngừa Covid-19

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc theo dõi nhiệt độ cơ thể và huyết áp, nhưng dữ liệu đó không nên được sử dụng để tạo ra chính phủ toàn năng. Thay vào đó, dữ liệu sức khỏe sẽ cho phép tôi đưa ra các lựa chọn cá nhân sáng suốt hơn và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Nếu mỗi công dân biết được tình trạng sức khỏe của mình 24/24, họ không chỉ biết liệu mình có trở thành mối nguy hại bệnh tật cho người khác không, mà còn xây dựng được thói quen để bản thân khỏe mạnh hơn.

Khi nói về sự giám sát, hãy nhớ rằng thiết bị giám sát không chỉ dùng để chính phủ giám sát công dân, mà còn để công dân giám sát ngược lại chính phủ nữa. 

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19? - 12

 

Lựa chọn thứ hai mà loài người phải đưa ra, đó là cách ly và cô lập cùng quốc gia hay cùng đoàn kết lại để chống dịch. Cả đại dịch Covid-19 hay khủng hoảng kinh tế kéo theo đều là vấn đề của cả thế giới, chỉ có thể được giải quyết với sự đoàn kết mang tính toàn cầu.

Trước tiên, để thắng dịch bệnh, chúng ta cần chia sẻ thông tin trên toàn thế giới. Đó là lợi thế của con người so với chủng loại virus kia. Một con virus corona ở Trung Quốc không thể chia sẻ bí quyết lây lan cho một con virus corona khác ở Mỹ, nhưng Trung Quốc có thể dạy cho Mỹ nhiều bài học quý giá về virus corona và cách thức đối phó. 

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19? - 13

Những hình người bằng giấy trong quán cafe tại Washington, Mỹ.

Khám phá của một bác sĩ tại Italy trong buổi sáng có thể cứu rỗi nhiều sinh mạng ở Iran trong buổi tối cùng ngày. Khi Chính phủ Anh ngập ngừng giữa các quyết sách, họ có thể tham khảo Hàn Quốc - đất nước đối diện với khó khăn tương tự một tháng trước. Để có điều này, nhân loại cần chiến đấu với tinh thần đoàn kết và niềm tin xuyên suốt.

Các quốc gia cần tự nguyện chia sẻ thông tin một cách cởi mở hay đi xin những lời khuyên một cách khiêm tốn. Họ cần tin tưởng vào những thông tin và hiểu biết họ có. 

Chúng ta cần nỗ lực mang tính toàn cầu để sản xuất, phân phối thiết bị y tế, các kit xét nghiệm hay máy thở. Thay vì sản xuất và tích trữ nội bộ, một nỗ lực toàn cầu có thể giúp các nước gia tăng sản xuất và phân phối thiết bị một cách công bằng.

Video: Thủ tướng Anh thừa nhận mắc Covid-19

Giống như các quốc gia quốc hữu hóa các ngành công nghiệp chủ chốt phục vụ chiến tranh, cuộc chiến chống virus corona có thể đòi hỏi các nước ưu tiên cho các dây chuyền sản xuất quan trọng.  

Những nước giàu có, ít ca nhiễm Covid-19 có thể gửi gắm thiết bị y tế cho những nước nghèo và nhiều ca nhiễu hơn. Họ cần tin rằng nếu họ gặp khó, những nước khác cũng sẽ dang tay giúp đỡ họ. 

Các nước cũng có thể xem xét nỗ lực toàn cầu trong việc tập hợp nhân lực y học. Các nước ít bị ảnh hưởng có thể đưa nhân viên y tế đến các khu vực bị thiệt hại nặng nhất để giúp đỡ và tích lũy kinh nghiệm. Hình ảnh đoàn bác sĩ Cuba đến Italy để cứu giúp bệnh nhân mang tính biểu tượng cao. 

Hợp tác toàn cầu cũng cần thiết trên mặt trận kinh tế. Với bản chất toàn cầu của nền kinh tế và chuỗi cung ứng, nếu mỗi chính phủ làm hành động bất chấp lợi ích của những nước khác, kinh tế sẽ rơi vào hỗn loạn.

Một giải pháp nữa là đạt thỏa thuận toàn cầu về du lịch. Cấm người dân đi từ quốc gia này sang quốc gia khác chỉ thêm cản trở cuộc chiến chống dịch. Các nước cần hợp tác để cho phép những cá nhân đóng vai trò quan trọng như nhà khoa học, bác sĩ, nhà báo, chính trị gia, doanh nhân được bước qua biên giới, tất nhiên với những tiêu chuẩn sàng lọc kỹ càng.

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19? - 14

Đoàn bác sỹ Cuba tới Italy hỗ trợ chống dịch Covid-19.

Thật không may, hầu hết các nước đều chưa thực hiện biện pháp nào trong số này. Lãnh đạo các nước G7 đã có cuộc hội thảo trực tuyến trong tuần này, nhưng không tuyên bố chung nào được đưa ra. Sự tê liệt đã khiến cộng đồng quốc tế không thể siết chặt vào nhau. 

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 hay dịch bệnh Ebola năm 2014, Mỹ đều thể hiện được vai trò dẫn đầu, nhưng hiện tại, đất nước của Tổng thống Donald Trump không còn hứng thú với vị trí này. Họ quan tâm đến sự vĩ đại của nước mình hơn tương lai nhân loại, phớt lờ cả lợi ích của những liên minh thân cận nhất.

Khi Mỹ tuyên bố cấm tất cả các chuyến bay từ Liên minh châu Âu (EU), họ cũng chẳng buồn thông báo trước cho các nước EU một tiếng, mà đơn phương thực hiện giải pháp cực đoan. Chính quyền Mỹ còn vướng bê bối đề nghị mua lại một công ty dược phẩm tại Đức để sản xuất vaccine chỉ cho nước Mỹ. 

Nhân loại sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19? - 15

Chính quyền Trump có ngăn chặn được Covid-19? 

Ngay cả khi chính quyền hiện tại thay đổi chiến lược và đưa ra kế hoạch hành động toàn cầu, liệu ai muốn đi theo một nhà lãnh đạo không bao giờ chịu trách nhiệm, không thừa nhận sai lầm, thường xuyên nhận hết công về mình và đổ lỗi cho người khác?

Nếu khoảng trống mà Mỹ để lại không được các nước khác lấp đầy, chúng ta không chỉ khó ngăn chặn dịch bệnh, mà còn đối diện với quan hệ căng thẳng leo thang giữa các quốc gia trong nhiều năm tới. 

Mỗi cuộc khủng hoảng là một cơ hội để loài người nhận ra mặt trái của sự chia rẽ giữa các quốc gia. Chúng ta sẽ buộc phải lựa chọn: Chia rẽ hay đoàn kết. Sự chia rẽ có thể không kéo dài khủng hoảng, nhưng hậu quả của nó có thể là những thảm họa trong tương lai xa. 

Nếu chúng ta đoàn kết, đó sẽ là chiến thắng không chỉ trước virus corona, mà còn trước mọi thảm họa đang nhăm nhe tấn công loài người ở thế kỷ 21.

Hồng Nam (Nguồn: Financial Times)
Bình luận
vtcnews.vn