• Zalo

Nhạc sĩ Trần Tiến - người đàn ông xù xì tuổi 70 khóc vì nhớ mẹ

Sao ViệtThứ Năm, 18/02/2021 07:00:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Những lúc rượu ngà ngà say, nói về mẹ, Trần Tiến tuổi "thất thập cổ lai hi" vẫn khóc, bóng dáng mẹ vẫn hiện hữu tận sâu trái tim ông, không hề mờ đi.

1. Tôi nhớ lại một buổi sáng mùa đông năm ngoái, leo lên phòng khách sạn Trần Tiến thường ở trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), thấy ông đang nói chuyện công việc cùng với người bạn thân, ca sĩ Thái Thuỳ Linh. Ông  ở tầng 4, nhưng tôi mới leo lên tầng 2 đã nghe rộn rã tiếng hát, tiếng đàn của ông, sang sảng và phảng phất mùi năm tháng. Ngồi một chút thì ông hỏi "ăn sáng chưa, có uống rượu được không, bố có đồ ăn rất ngon".

Nhạc sĩ Trần Tiến - người đàn ông xù xì tuổi 70 khóc vì nhớ mẹ - 1

Nhạc sỹ Trần Tiến.

Tôi gật đầu vì muốn ông vui, trân quý tình cảm nên làm ly cuốc lủi cay cay cùng ông. Công nhận rượu của Trần Tiến nặng mà ngon, thơm mùi lúa nếp. Tôi cùng ông lỉnh kỉnh bê bàn đầu giường ở phòng ngủ. Ông giấu bánh cuốn Thanh Trì, quẩy, trứng vịt lộn trong hộc bàn cùng bát và đĩa, chắc để giữ cái vẻ thanh cảnh kiểu sỹ phu Bắc Hà, duyên dáng, ý nhị. Một kiểu giấu đồ ăn cực kỳ đáng yêu. Trần Tiến nói vui còn có hai cô gái đang giấu trong tủ, rằng "bố già không đồng đều, chỗ già chỗ không". 

Rồi khi uống rượu, ăn đồ ngon, Trần Tiến mới lộ vẻ của người đàn ông xù xì, chân thành và rất kiểu nghệ sĩ du ca. Ông ăn, nói chuyện âm nhạc, uống rượu và hát. Ông nói về dự án Mộc cầm với những chuyến lưu diễn kiểu du ca như Bob Dylan cùng với Thái Thuỳ Linh, An Nhiên và một hai bạn trẻ khác. Và ông là người nghệ sĩ du ca cuối cùng của thế kỷ. Ông hát Chị tôi có cái vị xót xa giữa mùa đông Hà Nội bàng bạc lá.

Rồi vì nhiều lý do, các ca sĩ trẻ đã có những chuyến du ca, thiếu Trần Tiến nhưng vẫn giữ trong lòng mình niềm kính yêu ông vô bờ bến.

2. Tôi mở đĩa nhạc Tự hoạ của Trần Tiến lên nghe. Lý do là vì mấy ngày nay, tôi đọc cuốn Ngẫu hứng của ông và cũng vì đọc báo thấy ông chuẩn bị làm show ở Hà Nội. Hẳn là đêm nhạc tình chung với Thanh Tùng. Những mẩu tản văn nhỏ, viết chân thực, không màu mè. Nhưng thế giới nó vẽ ra là một chân dung khác, không giống như âm nhạc. Trần Tiến mà tôi biết với dáng hình lênh khênh và bụi phủi  lại chôn mình ở đỉnh núi cô đơn. Ông có khán giả, âm nhạc và bạn bè yêu ông tuyệt đối. Nhiều lắm.

Nhưng, những trang viết tố cáo, có lúc Trần Tiến cô độc đến thảm thương. Cả những người phụ nữ đến rồi đi. Tôi lắng nghe cuộc trò chuyện của Trần Tiến với những chú gián nhỏ trong ngôi nhà của ông ở Vũng Tàu. Với ông, chúng là bạn, những người bạn đặc biệt, lầm lũi, cô độc và bất hạnh vì luôn giam mình trong bóng tối. Một cuộc sống tẻ nhạt và vô vị nhất quả đất. Chúng cũng chẳng bao giờ hiểu lời thủ thỉ của ông nhạc sĩ già. Bạn đã bao giờ nói chuyện với côn trùng, thương yêu cả những con gián hôi hám như Trần Tiến? Nhưng, chúng cũng bỏ ông mà đi mặc bạn già cưng nựng, chiều chuộng.

Nhạc sĩ Trần Tiến - người đàn ông xù xì tuổi 70 khóc vì nhớ mẹ - 2

Trần Tiến gắn bó với cây đàn ghitar, một hình ảnh quen thuộc, gần gũi.

3. Trần Tiến là một định danh đặc biệt của số phận. Gia đình và cuộc đời ông cũng như sông Hồng, lúc yên ả trong xanh, khi đỏ ngầu mùa lũ, do hoàn cảnh và những suy suyển của lịch sử. Ông có cái máu lãng mạn tiểu tư sản và ngang tàn của kẻ du ca thời đại. Cũng dễ hiểu tại sao ông nói chuyện hóm hỉnh, dễ thương như thế. Và những sáng tác dù bay bổng đến đâu cũng mang một ẩn số, một bóng dáng số phận, một nỗi niềm của kẻ sĩ.

Sẽ là bất ngờ cho nhiều người nếu lắng nghe Trần Tiến chia sẻ nguyên cớ ông sáng tác các bài hát nổi tiếng của mình. Đó là lời cầu mong cho cô gái điếm gặp trên sông Hương về yên bình nơi quê cũ. Là lời thủ thỉ cho những hồi ức quê hương xa vắng, và lời nhớ thương mẹ đã về chốn thiên thai, xứ Đoài mây trắng. Trần Tiến yêu mẹ. Tình yêu ấy không chỉ thể hiện qua những trang viết. Lúc rượu ngà ngà say, nói về mẹ, ông vẫn khóc.

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, với Trần Tiến, bóng dáng mẹ cha vẫn hiện hữu trong tận sâu trái tim ông, không một vết xước thời gian nào có thể bào mòn, không một áp lực nào có thể tẩy xoá. Qua ông, tôi bắt đầu thả mình trong dòng suối âm nhạc và những kỷ niệm. Một câu chuyện phố bên sông. Hà Nội thủa trường chinh, lãng mạn trong bom đạn và gian khó. Dáng mẹ gầy, mỏng manh bước trên bậc thang của căn nhà cổ xiên xẹo ánh sáng.

Nhạc sĩ Trần Tiến - người đàn ông xù xì tuổi 70 khóc vì nhớ mẹ - 3

Trần Tiến và Thái Thuỳ Linh biểu diễn trong "Mộc cầm show".

Tôi, trong giây phút bất thường ấy, tự cho mình "đánh đu" theo Trần Tiến, thấy mình có nhiều điểm chung với tiền bối. Cả sự cô đơn và tính khí ưa hoài niệm. Ở thế hệ của những người sinh ra sau cuộc chiến như chúng tôi, giống nhau vì đói nghèo, sự thèm khát những thứ tưởng như đơn giản. Nơi của những nỗi buồn kéo dài. Và sẽ có những niềm vui nhỏ nhỏ reo lên tinh nghịch.

Bên tai tôi lúc này, giọng hát Trần Thu Hà vang lên kể chuyện về một cô em nào đó mà kẻ du ca đã ngợi khen “Em vẫn như ngày xưa”, cùng tiếng huýt sáo, dáng vẻ thăng hoa trong vất vả - vừa gảy ghita vừa hát đến rụt cổ - của Trần Tiến.

Đào Gia Long   
Bình luận
vtcnews.vn