• Zalo

Nhạc sỹ đa tài gìn giữ bản sắc văn hóa người Thái ở miền Tây xứ Nghệ

Thời sựThứ Ba, 05/02/2019 16:55:00 +07:00Google News

Nhạc sỹ Lê Hoàng là một trong những người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái ở Nghệ An.

Nhạc sỹ Lê Hoàng (SN 1957), người dân tộc Thái, quê tại Bản Na Phá, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An). Ông được đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Nghệ yêu mến vì đã sáng tác nhiều bài hát rất hay mang chất liệu dân ca trữ tình theo làn điệu: Xuối, Lăm, Nhuôn, Khắp... của đồng bào Thái.

Những ca khúc của ông có nội dung ca ngợi công ơn của Đảng, của Bác Hồ; ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. 

Nhac-sy-le-hoang-huong-dan-dong-bao-su-dung-cac-nhac-cu-khi-cu

 Nhạc sỹ Lê Hoàng đang hướng dẫn bà con cách sử dụng nhạc cụ, khí cụ. (Ảnh: Thanh Chương)

Những bài hát trữ tình do nhạc sỹ Lê Hoàng sáng tác đã nhanh chóng đi vào lòng người và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Nghệ vào các dịp lễ, Tết, mừng nhà mới, mừng đám cưới… 

Những giai điệu mượt mà, sâu lắng gần gũi, thân thương của tiếng cồng chiêng, của âm nhạc truyền thống gắn với cuộc sống hàng ngày của người Thái nói riêng và của đồng bào các dân tộc miền núi Nghệ An nói chung đã được Nhạc sỹ Lê Hoàng gìn giữ, yêu quý đưa vào trong ca khúc của mình. 

Để gìn giữ bản sắc âm nhạc dân tộc, nhạc sỹ lê Hoàng đã mở nhiều lớp dạy nhạc cụ, khí cụ cho con em người dân tộc Thái đến từ các bản làng ở huyện Con Cuông (Nghệ An). Lớp học tập trung hướng dẫn chế tác và sử dụng một số nhạc cụ dân tộc Thái như: Sáo, Tiêu, Pí khui và Xi Xa Lo...

Trong số các nhạc cụ thì Xi Xa Lo là loại nhạc cụ khó chế tác nhất, đòi hỏi sự kỳ công và khả năng thẩm âm của người chế tác. Nguyên liệu chính để chế tác Xi Xa Lo là thân cây nứa làm hộp cộng hưởng, sợi dây thép nhỏ (trước đây làm bằng lông đuôi ngựa) để tạo âm thanh.

Để chế tác Xi Xa Lo, đòi hỏi phải có đôi bàn tay khéo léo, dụng cụ phải được mài sắc để vót mỏng thân cây nứa. So với Xi Xa Lo, việc chế tác Sáo, Tiêu và Pí khui có phần đơn giản hơn nhưng cũng đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo. 

Với người dân, trong các cuộc vui như cưới hỏi, lễ tết hay hội hè, ở đâu có sự tham gia của nhạc sỹ Lê Hoàng là ở đó mọi người cảm thấy hào hứng, niềm vui như tăng thêm sau những khúc hát say lòng. Mặc dù tuổi đã nhiều, nhưng ông vẫn bước đi khắp các làng bản, mở rộng giao lưu, gặp gỡ để cảm nhận những nét tinh túy của cuộc sống. 

Trong một lần chia sẻ với báo chí, nhạc sỹ Lê Hoàng nói: “Âm nhạc dân gian dân tộc thiểu số bao gồm các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ và những điệu múa… hiện đang có nguy cơ bị mai một do nhiều nguyên nhân như: Môi trường, điều kiện tự nhiên, xã hội đang thay đổi. Sự tiếp nối của giới trẻ với loại hình nghệ thuật này đang có xu hướng bị đứt gãy.

Bởi vậy, là người gắn bó và am hiểu văn hóa của người Thái, tôi thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ, phát huy vốn văn hóa độc đáo đó. Tôi mong muốn, trong thời gian tới trên địa bàn huyện sẽ mở các lớp dạy về đàn, hát dân ca Thái cho các thế hệ trẻ, để gìn giữ và chắp lửa cho các làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc mình”.

Nhac-sy-le-hoang

 Nhạc sỹ Lê Hoàng (người thứ 2 bên phải sang) trong một lần dự hội thảo Thái học. (Ảnh: LH)

Vốn có lòng đam mê và có năng khiếu về âm nhạc từ nhỏ, ông tự học hỏi chủ yếu qua truyền dạy chứ không qua một trường lớp nào. Năm 13 tuổi ông đã biết làm và chơi các nhạc cụ dân tộc như sáo trúc, khèn bè, tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

Đến nay ông đã có hàng chục ca khúc viết về  đề tài miền núi, trong đó có 4 ca khúc viết về Bác Hồ như "Bài ca ơn Bác, Bản Mường ơn Bác, Lời Bác còn ngân trong lòng Mường, Suối ngàn nhớ Bác".

Không chỉ sáng tác, ông còn trực tiếp hướng dẫn dàn dựng các tác phẩm của mình cho các diễn viên không chuyên ở cơ sở để tham gia biểu diễn trong huyện và trong tỉnh.

Những ca khúc của ông sáng tác về Bác Hồ theo làn điệu Lăm - Khắp - Xuôi - Nhuôn của người Thái, bởi vậy rất gần gũi với đồng bào dân tộc. Lời bài hát đã nói lên tình cảm của Bác Hồ đối với các dân tộc thiểu số. Ca từ, giai điệu rất mộc mạc, chân thành, như tình cảm của những người con núi rừng với Bác. 

Lê Hoàng còn biết chế tác, chơi được nhiều loại nhạc cụ, khí cụ của các dân tộc như: Khèn bè, khèn H'Mông, Sáo, Pí Nhuôn, Pí Khui, Pí Thỉu, Đàn bầu, Ghi ta, Xi Xa Lo ... Ông giỏi đánh cồng chiêng, nhảy sạp, thuộc nhiều bài mo, sử thi nặng lòng với văn hóa truyền thống. 

Ông còn thường xuyên sưu tầm, lưu giữ nghiên cứu những nhạc cụ dân tộc và biết sử dụng thành thạo 8 loại nhạc cụ dân tộc do chính ông làm ra. Điều mà ông trăn trở là những người biết chơi các nhạc cụ dân tộc không nhiều.

Với những ai thích chơi nhạc cụ dân tộc, ông không ngần ngại trực tiếp hướng dẫn nhiệt tình, với mong muốn truyền lửa cho thế hệ sau. Nhạc sỹ Lê Hoàng đã dùng âm nhạc để góp sức mình vào gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ. 

T.H
Bình luận
vtcnews.vn