• Zalo

Nhà văn Sơn Tùng rút khỏi giải thưởng Nhà nước

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 24/08/2011 03:30:00 +07:00Google News

Ngày 18/8, gia đình nhà văn Sơn Tùng đã gửi đơn xin rút khỏi đề cử giải thưởng Nhà nước về văn học tới Hội Nhà văn Việt Nam, Vụ Thi đua khen thưởng.

Ngày 18/8, gia đình nhà văn Sơn Tùng đã gửi đơn xin rút khỏi đề cử giải thưởng Nhà nước về văn học tới Hội Nhà văn Việt Nam, Vụ Thi đua khen thưởng – Bộ VH-TT-DL.

Nhà văn Sơn Tùng. 
Lý do gia đình nhà văn Sơn Tùng xin rút, vì ban đầu hồ sơ của nhà văn nộp vào giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng ngày 12/7, đại diện của Hội Nhà văn cho gia đình biết: năm nay không xét giải thưởng HCM, đề nghị làm lại hồ sơ ở hạng mục giải thưởng Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, năm nay có tới 11 nhà văn được đề cử ở hạng mục giải thưởng HCM, vì vậy, khi biết thông tin này, gia đình nhà văn Sơn Tùng cho rằng dù giải thưởng nào cũng là cao quý nhưng đây là việc làm không “quang minh chính đại” của Hội và quyết tâm xin rút, dù ngày Hội đồng nhà nước chính thức công bố giải đã cận kề (2/9).

Hiện, nhà văn Sơn Tùng vẫn đang bệnh nặng, mọi liên lạc đều thông qua bà Hồng Mai, vợ ông, và các con. Ông sinh năm 1928 tại Diễn Châu, Nghệ An, các tác phẩm tiêu biểu: Búp Sen xanh, Bông Sen vàng, Anh thương binh tạc tượng Bác Hồ, Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng năm... Riêng cuốn Búp sen xanh đã được tái bản 20 lần và NXB Kim Đồng vừa đề nghị kí tiếp một hợp đồng với gia đình để xuất bản cuốn sách này thêm 10 năm nữa. Nhiều nhà văn cho rằng ông xứng đáng với giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng không hiểu sao, lần này lại được đề cử ở hạng mục giải thưởng Nhà nước.

Ngày 14/7 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng, đó là sự ghi nhận những cống hiến của ông với các tác phẩm có giá trị cao.

Giáo sư Phan Ngọc từng đánh giá: "Sơn Tùng có phong cách của Tư Mã Thiên, gặp bất cứ sự kiện gì cũng tìm hiểu đến nơi đến chốn tại nơi xảy ra và hỏi những người chứng kiến. Nó khác xa với phương pháp viết sử theo trí tưởng tượng của các nhà tiểu thuyết thời Pháp thuộc. Và nhà văn Sơn Tùng viết theo những đòi hỏi của trái tim người nghệ sĩ. Tự trái tim ấy sẽ dẫn đến cách làm như vậy. Thời đại xem tiểu thuyết để tiêu khiển dần dần sẽ nhường cho thời đại xem tiểu thuyết thay đổi thế giới. Và chính lối đi riêng không lẫn vào ai đó đã làm nên một phong cách Sơn Tùng độc đáo trong văn học Việt Nam".

Theo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn