Để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng của người dân, Luật Nhà ở năm 2005 đã có quy định về nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Năm 2011, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia với mục tiêu chính là đến năm 2020 cần xây dựng thêm ít nhất 22,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho tầng lớp dân cư có mức thu nhập thấp tại các khu vực đô thị. Tuy nhiên, kết quả đạt được rất khiêm tốn.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 102 dự án, trong đó có 38 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 19.680 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.810 tỷ đồng; 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô xây dựng 20.270 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.440 tỷ đồng.
Theo quy định, chủ đầu tư sẽ phải trích 20% diện tích sàn trong dự án nhà ở xã hội để cho thuê, song trên thực tế, đa phần số dự án này mới chỉ để bán, chứ chưa hướng tới đối tượng là người thuê mua.
Trong vai một người có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, phóng viên Đầu tư Chứng khoán đã tìm đến một số dự án nhà ở xã hội có đăng tải thông tin về việc cho thuê tại huyện Gia Lâm và Hoài Đức. Tại các dự án này, theo lời giới thiệu, các căn hộ cho thuê có nhiều loại diện tích khác nhau, từ 45 - 69,5m2 và có đầy đủ các tiện ích như nhà hàng, nhà trẻ, siêu thị, bể bơi, khu vui chơi thể thao, công viên cây xanh, hệ thống trường cấp 1 và cấp 2… Mức giá thuê dự tính vào khoảng 1,5 - 2,2 triệu đồng/căn hộ/mỗi tháng và phí dịch vụ khoảng 2.000 đồng/m2/tháng.
Đối với gia đình 2 vợ chồng có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng, thì đây là mức giá có thể coi là tương đối hợp lý, nhất là so với mức giá thuê từ 2 - 3 triệu đồng/tháng cho một căn phòng có diện tích chỉ khoảng 15 m2 tại nội đô. Tuy nhiên, vấn đề là để được chấp nhận thuê tại những dự án nhà ở xã hội lại không hề dễ, vì số lượng căn hộ quá khiêm tốn. Dẫn chứng, khi người viết muốn làm hồ sơ để thuê, thì đại diện các dự án nhà ở xã hội trên xin cáo lỗi, vì khả năng được thuê gần như là rất “khó”!
Theo lý giải của vị đại diện tại dự án này ở xã hội ở Gia Lâm, cho tới thời điểm này, hầu hết số lượng hồ sơ đăng ký thuê đã vượt gấp nhiều lần so với số lượng căn hộ có thể cho thuê. Do đó, chủ đầu tư đã tạm dừng nhận thêm hồ sơ để xem xét.
Thực trạng này cũng diễn ra tương tự tại một số dự án nhà ở xã hội khác trong khu vực, khi chủ đầu tư dù không trực tiếp từ chối, nhưng lại đưa ra nhiều điều kiện, thủ tục với người có nhu cầu nếu muốn thuê, như phải có bảo hiểm xã hội trên 1 năm, phải có xác nhận về tạm trú, tạm vắng...
Thống kê từ Bộ xây dựng cho thấy, hiện nay, 1/3 cư dân đô thị gặp khó khăn về nhà ở, hơn 90% người trong lứa tuổi 18 - 35 không có nhà ở.Do đó, việc phát triển sản phẩm nhà ở cho thuê là phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường hiện nay. Bởi hiện tại, cho dù Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội, nhưng vẫn còn rất nhiều người có nhu cầu mà không thể tiếp cận được gói hỗ trợ. Ngay cả khi các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản ra đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, thì người dân cũng còn nhiều băn khoăn trong việc sở hữu nhà ở. Điều này càng cho thấy, việc xây dựng những căn hộ cho thuê là phương án tối ưu, vừa giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về tồn kho bất động sản, vừa có thể giúp người dân có nhà ở giá rẻ trong thời gian dài, từ đó giúp giảm gánh nặng cuộc sống…
Bình luận