• Zalo

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: Đề xuất xây đảo nhân tạo ở Cửa Đại là không khả thi

Thời sựThứ Sáu, 19/04/2019 09:31:00 +07:00 Google News

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, ý tưởng xây dựng đảo nhân tạo trước một cửa sông đang bị bồi lấp và xói lở là không khả thi.

Trong chuyến thực tế khu vực bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) vừa qua, trước tình trạng bồi lấp và xói lở của Cửa Đại, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan – bà Cornelia Van Nieuwenhuizen đã gợi ý xây dựng các đảo nhân tạo tại vùng biển này.

Các chuyên gia Hà Lan cũng khẳng định phía Hà Lan có kinh nghiệm thực tế nên sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề về kỹ thuật theo các phương án tối ưu, khoa học nhất.

Về vấn đề này, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, ý tưởng xây dựng đảo nhân tạo trước một cửa sông đang bị bồi lấp và xói lở với những điều kiện biển khá phức tạp (có dòng chảy ven bờ gây xói, có những mùa gió thổi đảo chiều, dòng hải lưu) là không khả thi.

Phân tích cụ thể, GS.TS Vũ Trọng Hồng chỉ ra những điều kiện tiên quyết để xây dựng đảo nhân tạo, mà trước hết là phải có nền của đảo. Cửa Đại không có bãi san hô mà là cửa biển với phù sa, cát lắng đọng là chủ yếu, rất dễ bị sóng đánh vỡ.

"Nếu chỉ đổ cát không thì những tàu lớn hàng vạn tấn hiện có có thể đổ được, nhưng sau những trận sóng to, gió lớn, liệu đảo có còn không? Vùng biển Cửa Đại không chỉ có bồi không mà vừa xói vừa bồi, di chuyển liên tục và các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu và khẳng định cồn cát trên biển Cửa Đại có nền tảng hình thành từ hơn 30 năm trước.

Chính vì thế, các nhà khoa học Việt Nam cũng chưa thể khẳng định rằng cồn cát đó có ổn định hay không, do đó không thể làm đảo nhân tạo mà phải xem hướng nó đi đâu trong hàng chục năm nữa.

de-xuat-xay-dao-nhantao-o-cua-dai-co-kha-thi_19722800

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng các chuyên gia Hà Lan thảo luận các biện pháp ứng phó với vấn đề sạt lở bờ biển Cửa Đại. (Ảnh: Báo TN-MT)

 Nếu chúng ta có khả năng kinh tế, khi tạo đảo rồi bị xói vào thì cũng không phải vấn đề gì to tát, nhưng kinh tế của chúng ta đang khó khăn mà nguyên tắc là muốn lấn biển thì phải xem khả năng kinh tế có phù hợp không, nếu kinh tế không phù hợp thì không nên làm. Huống chi ở đây là tạo ra hòn đảo nhân tạo lớn, dùng tàu đổ hàng vạn khối cát vào, biết bao tiền mà sau đó chỉ một vài cơn sóng là cuốn đi mất", GS.TS Vũ Trọng Hồng chỉ rõ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cũng chỉ ra những kinh nghiệm của Hà Lan trong việc bồi lấp, chống xói lở để từ đó càng khẳng định thêm rằng phương án xây dựng đảo nhân tạo tại Cửa Đại không khả thi. 

Thứ nhất, khi Hà Lan lấn biển, họ phải dựa vào những bồi tích lâu năm để có được nền vững chắc, sau đó mới lấn ra tiếp.

Thứ hai, muốn lấn biển, xây đảo nhân tạo thì đáp ứng điều kiện sóng không cao và dòng ven bờ không mạnh. Hai điều kiện này ở Cửa Đại không có.

Tại vùng biển này, ở ngoài sóng có thể cao tới 3m và khi tiến vào bờ thì xói rất mạnh. Dòng ven bờ ở Cửa Đại hiện thúc rất mạnh, gây xói nên tỉnh đã phải làm những tuyến kè, đê ngầm nhưng khả năng cũng không chống giữ được.

"Ở Việt Nam có nhiều điều kiện biến đổi liên tục nên việc đánh giá xây đảo có khả thi hay không phải nghiên cứu rất kỹ.

Nhưng tôi đọc tài liệu của Hà Lan khi lấn biển thì rõ ràng điều kiện Việt Nam không thích hợp. Hà Lan dù cả nước nằm dưới mực nước biển nhưng đê vẫn ổn định vì sóng không lớn, dòng ven bờ không mạnh. Còn ở Việt Nam, như vùng Cửa Đại xây kè đá còn bị xói thì không thể làm chuyện bồi lấn được. Xây đảo nhân tạo chính là bồi lấn biển, mà cái này kinh nghiệm Việt Nam có nhiều", vị chuyên gia cho biết.

Nói thêm về kinh nghiệm lấn biển, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho hay, miền Bắc từng tiến hành lấn biển nhưng chỉ đi được một đoạn, không lấn xa được bởi ra đến vùng đại dương sóng lớn.

Ở sông Hồng hiện nay, khoan xuống nhiều chỗ bùn cát sâu hàng trăm mét, do đó việc xây dựng đô thị vệ tinh vẫn còn đang xem xét bởi không cẩn thận sẽ bị sông Hồng ngoạm mất.

"Kinh nghiệm của chúng tôi ngày trước là phải yêu cầu khảo sát, nếu đất đó trước là  đất đồi núi thì có thể giữ được, còn nếu là đất bồi lắng, dưới toàn phù sa cát thì không thể nào giữ được", GS Hồng nhấn mạnh.

Trở lại với tình trạng bồi lấp và xói lở ở vùng biển Cửa Đại, theo vị chuyên gia, quy luật của biển là khi bồi thì ắt có xói, đất ở Cửa Đại là đất bồi từ xa xưa, đặc biệt trong điều kiện nước biển dâng thì dẫu có làm gì cũng chỉ là giải pháp tình huống.

(Nguồn: Báo Đất Việt)
Bình luận
vtcnews.vn