‘Tự học là tốt nhất’
Con đường tôi đi đến kinh tế thực ra không chính thống, không được đào tạo bài bản như các bạn trẻ bây giờ. Năm 1954, tôi cùng với một số anh em được Bác Hồ cử đi học ở trường thiếu sinh quân ở Trung Quốc.
Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Bác Hồ chọn ra 100 người cho đi học tiếng Nga. Học xong về nước, được cử đi làm phiên dịch cho các chuyên gia Liên Xô khi đó sang giúp miền Bắc khôi phục lại kinh tế sau chiến tranh.
Học tiếng Anh lúc đó rất khó vì khi đó chúng tôi không có từ điển hay sách giáo khoa gì cả. Học hơn một năm thì được lấy ra sứ quán để làm việc nên khi muốn học tiếp thì chỉ có cách tự học. Không có thầy, không có sách, tôi mới nghĩ ra cách là lấy một quyển kinh tế chính trị của một nhà kinh tế người Nga để đọc, vì trong cuốn này viết bằng tiếng Nga nhưng vẫn có một nửa là tiếng Anh.
Khi học, gặp các thuật ngữ kinh tế, có gì chưa hiểu thì lại giở sách ra tra từ. Kiến thức kinh tế đầu tiên mà tôi được tiếp cận là như thế. Khi đó tôi cũng không biết đây chính là con đường này sẽ gắn với tôi lâu dài về sau này.
Năm 1957, sau khi học xong, làm một thời gian ở sứ quán, tôi được cho về nước. Tôi được huy động để làm phiên dịch cho đoàn cố vấn Liên Xô và Trung Quốc khi đó sang nước ta để giúp khôi phục, xây dựng kinh tế miền Bắc sau chiến tranh, giai đoạn 1957 – 1960.
Khi đó, tôi lại được phân công làm phiên dịch cho hai chuyên gia, một về nội thương và một về ngoại thương.
Thời gian này tôi thường xuyên đi theo chuyên gia về nội thương xuống trực tiếp các tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình... để theo dõi và thu thập số liệu xây kế hoạch sản xuất, khi đó gọi là “làm kế hoạch”. “Làm kế hoạch” là thế nào?
Tôi lấy một ví dụ thế này: Cán bộ như chúng tôi phải xuống cơ sở hỏi ý kiến của chị em phụ nữ nông thôn và xem ở địa phương đấy phụ nữ mỗi năm họ mặc bao nhiêu cái quần, bao nhiêu cái váy.
Từ số quần và váy mỗi người trong năm đó, lại phải tính tiếp đến bước hai là để sản xuất một cái quần (hoặc váy) như thế thì cần bao nhiêu mét vải.
Sau đó, lấy số thống kê mỗi phụ nữ một năm mặc bao nhiêu cái quần, váy đó tính ra số mét vải, từ đó mà mình xây dựng thành một kế hoạch để điều chỉnh sản xuất sao cho phù hợp.
Phụ nữ ở miền Bắc khi đó mặc váy nhiều hơn mặc quần, nên tính một người phụ nữ một năm cần bao nhiêu mét vải rồi nhân với số nhân khẩu là phụ nữ thì sẽ ra được kết quả là phụ nữ miền Bắc mỗi năm cần bao nhiêu mét vải để may váy rồi đưa vào kế hoạch sản xuất.
Kiến thức kinh tế đầu tiên khi áp dụng làm trong thực tế với tôi là như thế. Nói thực, lúc đó thì tôi cũng chưa hiểu biết gì sâu về kinh tế đâu.
Ngay cả việc tính số mét vải để làm váy cho phụ nữ khi đó ngỡ là đơn giản nhưng cũng vấp phải một số khó khăn. Vì khi tính số mét vải lại nảy sinh ra có người thì thích váy màu đen, có người thì thích váy màu nâu...
Nên lúc đó thì phải tính như thế nào để cho nó đáp ứng được nhu cầu đó của phụ nữ.
Năm 1961, tôi được cử đi học ở trường ngoại giao quốc tế của Liên Xô. Trong trường này, dù là trường ngoại giao nhưng cũng dạy sinh viên những kiến thức về kinh tế học.
Khi đó phải học kinh tế học của Karl Marx. Lý thuyết của Karl Marx thì ai biết rồi, rất là cao siêu, xa vời. Thầy giáo giảng dạy, sau đó thì hỏi bài sinh viên. Sinh viên phải làm bài dạng như bài kiểm tra ra giấy.
Tôi mới nghĩ rằng nếu học theo thầy thì lâu quá, vậy là tôi mới tìm cuốn “Capital” của Karl Marx để đọc trực tiếp, tôi mới tìm hiểu xem thuyết giá trị mà Mác nói đến là như thế nào.
Khi thầy giáo hỏi bài, tôi đã trả lời một cách tóm tắt lại những gì tôi đọc được trong sách. Thầy giáo dạy tôi khi đó rất ngạc nhiên, vì có nhiều phần ông chưa dạy cho sinh viên. Ông hỏi tôi là đọc ở đâu? Tôi trả lời là tôi đọc trực tiếp từ trước.
Thế là từ đấy, thầy giáo không hỏi bài tôi nữa, mà giao cho tôi làm trợ giảng. Cuối kì, tôi cũng không phải làm bài kiểm tra mà được giao chấm các bài kiểm tra cho các bạn khác cùng lớp.
Tôi vui lắm, nhưng qua câu câu chuyện đó thì tôi mới nhận ra bài học: Tự học là cách tốt nhất và rất quan trọng với mỗi người.
Cần người ‘dám nói ngược’
Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, công cuộc đổi mới khi đó được Đảng và Nhà nước thực hiện. Nói là thực hiện nhưng mà mới chỉ là chủ trương thôi, chứ đường lối chưa rõ ràng, còn rất nhiều bỡ ngỡ.
Vấn đề lạm phát lúc bấy giờ đang là vấn đề nóng bỏng nhất. Gia đình tôi cũng như nhiều người khác, rất thấm thía điều này. Thời gian làm ở sứ quán Việt Nam ở Liên Xô, hai vợ chồng tiết kiệm được một ít tiền, bèn mua một chiếc đạp xe đạp Fornix của Tiệp Khắc đem về.
Về nước, vợ chồng bàn nhau bán chiếc xe đạp đó đi rồi lấy tiền gửi tiết kiệm. Khi đổi tiền, toàn bộ số tiền đó gần như mất. Tiền bán chiếc xe đạp khi đó giờ chỉ còn bằng số tiền để mua chục quả trứng gà thôi.
Năm 1986, chỉ số lạm phát kinh tế lên đến hơn 784% thì đủ hiểu kinh khủng như thế nào. Nên câu chuyện kiềm chế lạm phát như thế nào được tranh luận rất gay gắt khi đó.
Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch lúc ấy đang là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được giao thêm làm tổ trưởng Tổ tài chính. Ông được giao nhiệm vụ phải nghiên cứu bài học kiềm chế lạm phát của các nước khác để từ đó áp dụng vào Việt Nam.
Tôi được cử sang một số nước như là Liên Xô (lạm phát ghê gớm xảy ra những năm 20), sang Hungary (họ bị lạm phát năm 1946) để học hỏi kinh nghiệm. Những kinh nghiệm này đem về với áp dụng vào kinh tế Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch khi đó nhấn mạnh, rằng mình phải lấy ý kiến thức của thế giới để đem về vận dụng nhưng phải vận dụng sao cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Người làm ngoại giao không chỉ có nhiệm vụ là làm ngoại giao thuần túy mà phải xem giữa các nhiệm vụ ngoại giao, chính trị, kinh tế đều có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Ngoại giao phải phục vụ cho mục tiêu cuối cùng của đất nước đó là phải làm cho dân giàu nước mạnh, mà muốn dân giàu nước mạnh thì rõ ràng phải lấy kinh tế làm trọng.
Khi đó chúng ta cũng có nói đến kinh tế thị trường, nhưng kinh tế thị trường là gì, như thế nào thì ít người biết lắm. Nên Bộ Ngoại giao lúc ấy mới chuyển ra dịch sách của nhà kinh tế Paul Anthony Samuelson, người đã đoạt giải Nobel về kinh tế, và phát hành phổ biến toàn quốc.
Sách dịch và in ra khi đó phát miễn phí chứ không bán lấy tiền. Mục đích của chúng tôi khi đó là ít nhất cuốn sách là tư liệu, là cơ sở để khi tranh luận là phải có cơ sở, có hiểu biết ít nhiều về kinh tế thị trường chứ không phải cứ nói khơi khơi hay cực đoan hơn là xem kinh tế thị trường là xấu, là của “chủ nghĩa tư bản giãy chết” được.
Trở lại với vấn đề lạm phát. Có năm tôi phải xuống các nhà máy, phiên chợ, hợp tác xã... để tìm hiểu xem lạm phát khi đó ở Việt Nam như thế nào. Vì vấn đề lạm phát trên thế giới mỗi nước có tình hình khác nhau nên phương pháp kiềm chế lạm phát của họ cũng khác nhau.
Đây cũng chính là câu chuyện khi vận dụng kinh nghiệm của thế giới thì phải biết cụ thể tình hình Việt Nam để ứng dụng sao cho phù hợp.
Ở Bộ Ngoại giao, tôi làm vụ trưởng phụ trách về tổ chức. Một hôm, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch gọi tôi lên và bảo giao cho tôi nhiệm vụ đi học kinh tế. Tôi ngạc nhiên lắm.
Tôi bảo với Bộ trưởng là tôi không biết gì về kinh tế cả. Ở Bộ Ngoại giao vẫn hay mở các lớp học bồi dưỡng cán bộ, trong đó ngoài dạy các môn tư tưởng, triết học, ngoại giao thì còn dạy cả về kinh tế. Các môn khác thì cuối khóa học tôi luôn được điểm 9, 10 nhưng riêng môn kinh tế thì tôi chỉ được điểm 6 thôi.
Tôi mới nói với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chuyện này và bảo anh nên chọn người khác sẽ phù hợp hơn. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạnh bèn trả lời: “Vì cậu chỉ được có 6 điểm kinh tế nên tôi mới chọn cậu học kinh tế và làm kinh tế, chứ cậu mà được 9, 10 điểm về kinh tế như những người khác thì tôi chọn làm gì”.
Rồi Bộ trưởng tiếp: “Những người khác được 9, 10 điểm môn kinh tế là vì họ nói theo sách, không có phản biện. Còn cậu chỉ được 6 điểm là vì cậu không nói theo sách, mà cậu dám nói ngược với họ. Kinh tế của chúng ta hiện nay như thế nào thì cậu biết rồi đấy, rất cần những người nói ngược như cậu, tôi không cần nghe người nói xuôi đâu”.
Video: Thư chúc Tết Xuân Mậu Tuất của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang
Phải hiểu sâu sắc về văn hóa
Thế là khi tiến hành Đổi mới, từ ngoại giao, tôi được chuyển sang phụ trách về mảng kinh tế. Mà khi đó là học kinh tế để chống lạm phát.
Kỷ niệm mà tôi ấn tượng mãi đến giờ là năm 2000, khi tôi được giao làm Bộ trưởng Bộ Thương mại. Trước khi được giao làm Bộ trưởng Thương mại, tôi là Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao.
Tháng 1/2000, tôi tham gia cùng đoàn đi thăm CHDCND Triều Tiên. Khi từ Triều Tiên bay sang sân bay Bắc Kinh để trở về Việt Nam thì anh bạn tôi, khi đó là đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc ra sân bay đón tôi và nói: “Anh Khoan đã biết tin gì chưa, anh được thăng chức làm Bộ trưởng Bộ Thương mại rồi đấy”. Tôi ngạc nhiên lắm, hỏi lại: “Tin ở đâu đấy”.
Anh bạn tôi cười: “Thì báo chí, truyền hình trong nước đăng tin hết cả rồi. Xin chúc mừng anh”.
Quả thực, nghe tin này tôi ngạc nhiên lắm. Vì trước đó có thấy ai nói gì với tôi về chuyện sẽ giao tôi nhận công tác mới đâu.
Sau khi biết tin này là chính xác, tôi băn khoăn là khi về nước thì nên về trụ sở Bộ Ngoại giao hay là sang trụ sở Bộ Thương mại. Lúc trên máy bay là nghĩ thế đấy. Nhưng khi xuống đến sân bay Nội Bài thì tôi quyết định rất nhanh, đó là đi thẳng về nhà.
Từ cuộc đời mình, tôi chiêm nghiệm ra rằng tương lai phía trước là do mình tạo ra, nhưng tương lai là thứ rất khó đoán định. Bởi thế hãy sống thật tốt với hiện tại, đừng nên so đo, xét nét nhiều quá làm gì, mà hãy thích nghi với nó để mà sống cho thoải mái vì cuộc sống thì vốn dĩ muôn hình, muôn màu.
Chính trị không thể thoát khỏi kinh tế và kinh tế cũng không thoát khỏi chính trị, thoát khỏi văn hóa được. Những thứ này luôn quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau.
Văn hóa ở đây không phải là “cầm kỳ thi họa” mà là cách thức sử dụng con người, cách thức nhìn nhận con người, là thái độ đối văn hóa dân tộc, là khi vận dụng lý thuyết kinh tế hay ngoại giao vào thực tế mà muốn nó phù hợp thì mình phải hiểu biết văn hóa đặc trưng người Việt Nam là cái gì, hay khi tiếp xúc, gặp gỡ đối tác nước ngoài thì văn hóa của họ là gì...
Tôi lấy một ví dụ đơn giản khi so sánh về văn hóa giữa người Việt và người Nhật, cùng là châu Á. Hiện nay, chúng ta rất coi trọng quan hệ hợp tác với Nhật Bản và đây là một trong những đối tác hàng đầu Việt Nam về kinh tế.
Giả sử cùng đặt ra một giả thiết khi có sự cố, khủng hoảng xảy ra thì người Việt và người Nhật phản ứng như thế nào?
Đặc điểm nổi bật của văn hóa nước ta đó là người Việt rất cẩu thả trong khâu tổ chức, chuẩn bị. Trước khi làm một cái gì đó, người Việt chuẩn bị rất kém.
Nhưng ưu điểm của người Việt lại là thích ứng rất nhanh trước các thay đổi, dù có là bất ngờ. Nhiều khi những thay đổi rất nhanh, lúc đầu người Việt cũng bất ngờ, song ngay sau đó sẽ nhanh chóng thích ứng được ngay.
Còn văn hóa Nhật, người Nhật lại khác. Người Nhật rất chỉn chu, cẩn thận trong công việc chuẩn bị. Người Nhật trước khi làm gì cũng chuẩn bị rất kỹ càng, chuẩn bị mọi phương án.
Và người Nhật hoàn toàn yên tâm, tự tin với công tác chuẩn bị đó của mình. Nhưng khi xảy ra sự cố, họ lại thường bị bất ngờ và ứng phó rất chậm, vì họ luôn tin vào công tác chuẩn bị của mình.
Sau mấy chục năm làm ngoại giao, rồi làm kinh tế, tôi nhận ra văn hóa quy định, ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế, ngoại giao. Làm kinh tế, làm ngoại giao, làm chính trị mà không hiểu biết văn hóa thì không làm được đâu. Phải hiểu văn hóa, mà phải hiểu văn hóa thật sâu. Hiểu văn hóa của nước mình, hiểu văn hóa của nước khác nữa.
Bình luận