• Zalo

Nguyên Phó Chủ tịch nước: Thi cử làm lệch mục tiêu giáo dục

Giáo dụcThứ Sáu, 21/02/2014 11:18:00 +07:00 Google News

(VTC News)- Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng cách tổ chức thi cử ở Việt Nam hiện nay làm lệch mục tiêu giáo dục.

Chuyên đề đổi mới giáo dục tương lai hướng tới 1 kỳ thi quốc gia chung được VTC News khởi xướng đã nhận được được hàng trăm nghìn lượt bạn đọc quan tâm, hàng nghìn bình luận, góp ý của độc giả và các chuyên gia.
Báo điện tử VTC News đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để thấy cái nhìn tổng quát về việc cần thiết phải đổi mới thi cử ở Việt Nam hiện nay.
Bỏ “3 chung” chậm nhất 2015
- Việc thay đổi công tác thi cử phải thực hiện như thế nào thưa bà?
Vấn đề thi cử là một trong những nội dung quan trọng của ngành giáo dục. Thi cử để đánh giá khả năng của người học và cũng phản ánh chất lượng giáo dục của mỗi quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Bình nguyên PCT nước
Cách chúng ta làm trong các kỳ thi từ trước tới nay đã làm lệch hoàn toàn mục tiêu cần đạt được trong giáo dục dẫn đến việc nảy sinh tâm lý nặng nề và gây tốn kém cho xã hội.
Đáng lẽ, thi cử chỉ là một trong những biện pháp đánh giá chất lượng giáo dục thì hiện tại việc này lại trở thành mục tiêu chính của các em học sinh và các bậc phụ huynh.  
Các em học sinh chỉ coi việc đỗ đại học là mục tiêu của cuộc đời, chỉ chăm chăm vào việc học để đạt được điều đó, học cho có bằng cấp.
Vì vậy, trong nội dung rộng lớn là đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì việc đổi mới công tác thi cử phải là khâu đột phá. Nếu vấn đề thi cử được làm tốt, nền giáo dục mới phát triển.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý việc đổi mới thi cử phải làm khẩn trương nhưng phải chắc chắn vì đây và vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng tới hàng triệu học sinh và gia đình.
- Lãnh đạo nhiều trường cho rằng Bộ GD-ĐT đang hiểu sai quyền tự chủ được ghi trong Luật giáo dục đại học. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Trong Hội nghị TW8 đã có Nghị quyết 29/NQTW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đã xác định: “Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học”.
Tự chủ là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của các trường đại học đã được quy định trong Luật giáo dục đại học.
- Phải chăng là do Bộ GD-ĐT lo ngại các trường không thể thực hiện tự chủ được trong giai đoạn này nên vẫn thực hiện theo kiểu “cầm tay chỉ việc”?
Các trường đại học, cao đẳng khi được tự chủ, họ biết phải làm gì để tổ chức một kỳ tuyển sinh thật tốt. Tự chủ trong tuyển sinh thì trường đó phải có trách nhiệm tổ chức điều kiện học tập cho các sinh viên.
Vì vậy, các trường có nhiều cách để thực hiện quyền tự chủ. Các trường có thể tổ chức thi riêng hoặc có thể căn cứ vào kết quả thi chung để xét tuyển.
Các trường có thể căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, quá trình học THPT hoặc các trường có thể tổ chức thi riêng hay lấy kết quả của kỳ thi 2 chung để xét tuyển.
Bầu chọn
Bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng từ 2014 có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục?

- Việc dừng tuyển sinh theo “ba chung” phải được thực hiện từ khi nào, thưa bà?
Bộ GD-ĐT phải bỏ kỳ thi “ba chung” chậm nhất vào năm 2015 để tất cả các trường đại học, cao đẳng chủ động xây dựng phương án tự chủ tuyển sinh.
Không nên kéo dài thi “ba chung” đến tận năm 2017. Điều này vừa vi phạm Luật Giáo dục đại học, vừa thực hiện chậm trễ nghị quyết TW8 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo”.
Bỏ điểm sàn
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đã đến lúc việc tuyển sinh ĐH chỉ nên giữ lại “2 chung” - Tức là chỉ cần chung đề, chung đợt và không cần chung điểm sàn?
Đề thi đại học, cao đẳng hiện nay chưa giúp cho học sinh bộc lộ được hết khả năng. Trong khi đó, điểm sàn cho các ngành không phù hợp vì có thể gạt bỏ các thí sinh giỏi.
Bộ phải có trách nhiệm giúp trường tự chủ chứ không phải cản trở các trường thực hiện điều này. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang đặt điều kiện để ‘gây khó’ cho các trường.
thi đại học cao đẳng

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng cách thi cử hiện nay đang làm lệch mục tiêu giáo dục

Trong năm tới, không cần phải có điểm sàn đối với những trường tổ chức thi riêng. Nếu các trường muốn lấy kết quả của kỳ thi 2 chung thì phải cho các trường sử dụng.
Việc tuyển sinh như thế nào sẽ phải do trường lựa chọn. Trong tương lai, không cần có điểm sàn đối với tất cả các trường.
- Hiện nay, giáo dục đại học Việt Nam đang tồn tại nghịch lý nào, thưa bà?
Tôi cho rằng hiện nay giáo dục Việt Nam chỉ chú trọng khâu tuyển sinh đầu vào trong khi chất lượng của sinh viên ra trường lại không đảm bảo được yêu cầu cần thiết.
Bầu chọn
Có nên tổ chức một kỳ thi quốc gia chung?

- Nhiều chuyên gia đều cho rẳng chỉ nên tập trung tổ chức 1 kỳ thi Quốc gia để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Quan điểm điểm của bà về vấn đề này thế nào?
Trong tương lai, Bộ GD-ĐT cũng cần phải tổ chức một kỳ thi quốc gia chung để có cơ sở mặt bằng chất lượng để các trường xét tuyển hoặc tổ chức thi tuyển.
Việc sát nhập 2 kỳ thi này cần phải có thời gian nghiên cứu. Trước mắt, Bộ GD-ĐT cần phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc.
- Một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc liệu có thực hiện được không?
Để đạt được điều này thì phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó quan trọng là cách quản lý của Bộ GD-ĐT.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương không được đặt nặng thành tích, gây áp lực lên hệ thống giáo dục.
Tôi còn nhớ khi làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, lãnh đạo một Sở GD-ĐT từng lên gặp và bày tỏ muốn xin tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ở địa phương đó cao hơn do áp lực từ phía lãnh đạo tỉnh.
- Theo quan điểm của bà, việc cần làm ngay lúc này của Bộ GD-ĐT là gì?
Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT phải có đề án tổng thể về cách cải tiến thi cử. Cần phải ưu tiên rõ cái nào thực hiện trước, cái nào thực hiện sau.
Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh năm nay phải tổ chức tiến hành kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách nghiêm túc.
Xin cảm ơn bà!
 

Sau khi ý kiến của PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, về việc tiến tới gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng trở thành một kỳ thi quốc gia chung từ năm 2015 được đăng tải, tòa soạn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, cựu quan chức ngành giáo dục.

Nhà giáo Nhân dân, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng thí sinh muốn vào đại học, cao đẳng, bên cạnh bằng tốt nghiệp THPT, phải có thêm “chứng chỉ trình độ sẵn sàng”

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học cũng khẳng định việc tiến tới kỳ thi quốc gia chung và học sinh có thể tham gia dự thi từ 2 lần/ năm đến 4 lần/ năm.

Ngày 13/2, trong Hội nghị quán triệt Nghị Quyết Trung ương 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ năm học 2013 -2014 khối các Sở GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong tương lai ngành giáo dục phải tiến tới mô hình một kỳ thi, một bài thi nhưng vẫn đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Sau đó, các chuyên gia giáo dục tiếp tục khẳng định phải tiến hành bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng ngay trong năm 2014 không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học.

Tiếp tục khẳng định tính tất yếu cần phải tiến tới một kỳ thi quốc gia chung, nhiều chuyên gia còn đưa ra nhiều phải pháp đồng bộ cho giáo dục Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc phân luồng học sinh sau THCS cũng phải được thực hiện một cách nghiêm túc và quyết liệt đã được PGS-TS Trần Xuân Nhĩ đưa ra.
Bình luận
vtcnews.vn