• Zalo

Nguyễn Cao Kỳ thoát chết, đồng bọn bỏ mạng

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 30/01/2012 06:55:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Đáng lẽ hôm ấy Nguyễn Cao Kỳ phải lái máy bay ra Bắc thả dù, nhưng ông đã khéo léo đùn cho phi đội khác.

(VTC News) - Đáng lẽ hôm ấy Nguyễn Cao Kỳ phải lái chuyến bay ra Bắc thả dù, nhưng ông đã khéo léo đùn cho phi đội khác.


Hai tháng sau vụ thả toán Castor 3 xuống Phù Yên, dùng mọi biện pháp kiểm tra, thấy an toàn, trung tâm tình báo Sài Gòn đã cử 10 tên bay ra Bắc trên một chiếc máy bay 2 động cơ để tiếp tế hàng hóa, súng đạn, bom mìn cho nhóm Castor hoạt động lâu dài.

Lúc bấy giờ Nguyễn Cao Kỳ còn là một trung tá, Phó Tư lệnh không quân Ngụy, trực tiếp chỉ huy một phi đội. Đáng lẽ hôm ấy ông ta phải lái chuyến bay ra Bắc thả dù, nhưng ông đã khéo léo đùn cho phi đội khác.
 

Toán biệt kích Lôi Hổ tại căn cứ huấn luyện. Ảnh tư liệu. 

Chiếc máy bay tiếp tế gặp trục trặc kỹ thuật, bị rơi khi bay qua địa phận Ninh Bình. Chuyến bay có 10 tên thì 7 tên chết, còn 3 tên bị ta bắt sống. Nghe nói, lúc Nguyễn Cao Kỳ nhận được tin máy bay rơi đã hồn bay phách lạc, nhưng sau đó lại mở tiệc rượu mừng được thoát nạn.

Từ vụ máy bay rơi, địch nghi ngờ, tìm mọi cách kiểm tra lại toán Castor 3 ròng rã bao nhiêu tháng trời. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, mọi mưu mô thủ đoạn của trung tâm tình báo địch đều bị ta "gạt nhẹ". Cuối cùng địch phải tin là tay chân của chúng vẫn trung thành với chủ.

Một góc xã Tân Lập, Mộc Châu, nơi tóm sống toán biệt kích Castor. 

Đêm 16-5-1962, chúng tiếp tục tung toán gián điệp biệt kích mang tên Tonbillow xuống bãi thả mà ta đã chọn hộ ở Tân Lập, Mộc Châu. Ngay từ mấy ngày trước, các trinh sát đã vào cuộc "dọn bãi". Các phân đội chiến đấu sẵn sàng hành động sau nhiều ngày tập trận.

Trong trận này, để chắc ăn, lực lượng công an đã phối hợp với bộ đội, dân quân du kích tạo ra những vòng vây dày đặc, khép kín, ngoài ra còn sử dụng rất nhiều chó nghiệp vụ, sẵn sàng truy lùng đến cùng.

Sau khi xuất hiện tiếng động cơ máy bay, đống củi được chất lên thì một loạt dù hàng rơi trước, cả thảy có 7 kiện, nặng tổng cộng 1,8 tấn. Tuy nhiên, dù người đã rơi chệch mục tiêu 3 km. Tình huống thay đổi đột ngột, buộc phải chuyển sang phương án khác.

Đường vào xã Pha Kinh (Quỳnh Nhai), quê hương của biệt kích Lò Văn Món.  

Cuộc truy lùng khẩn trương diễn ra. Bọn gián điệp biệt kích chống cự, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Tên toán phó nổ súng bắn chết một con chó nghiệp vụ và bản thân hắn cũng bị ta bắn chết.

Ta bắt được 6 tên trốn rải rác trong rừng. Tên Nguyễn Văn Lức đã bị trói quặt tay rồi mà vẫn cứ tưởng đồng bọn thử hắn, hắn ca cẩm: "Chúng tao vừa nhảy dù xuống còn đau ê ẩm, chúng mày đùa làm gì?".

Từ vụ bắt toán Tonbillow, tháng 5-1962, ta lại mở đầu một chuyên án gián điệp biệt kích mới trên đất Sơn La lấy tên K26.

Cán bộ công an và các đơn vị thuộc lực lượng công an vũ trang lại cùng nhau lăn lộn trên khắp các địa bàn rừng núi, gắn bó mật thiết với nhau trong cuộc chiến đấu bí mật với trung tâm tình báo địch.

Bản Mường Chiên, quê hương của biệt kích Điêu Văn Pánh, giờ đã chìm nghỉm dưới lòng hồ thủy điện Sơn La. 

Quỳnh Nhai là huyện nổi tiếng nhiều phỉ và cũng là nơi có khá nhiều người Thái từng chạy theo Pháp rồi được Mỹ đào tạo thành gián điệp biệt kích, trong đó có 3 tên biệt kích khét tiếng một thời, gồm Hà Văn Chấp, ở xã Pắc Ma, Lò Văn Món ở xã Pha Khinh và Điêu Văn Pánh ở xã Mường Chiên.

Ngày ấy, Quỳnh Nhai cũng xuất hiện một "hùm xám" thoắt ẩn, thoắt hiện khắp các cánh rừng già Tây Bắc, nhưng không mấy ai biết đến, đó là thiếu tá Lò Văn Niện, từng có 10 năm làm Trưởng Công an huyện Quỳnh Nhai. Ông Niện sống giản dị trong ngôi nhà sàn dưới chân núi Huổi Luông, thuộc bản Hé, xã Mường Chiên. Ngày ấy, ông còn là một trinh sát...

Ông Lò Văn Niện từng là trinh sát chống biệt kích. Ông từng làm Trưởng Công an huyện Quỳnh Nhai 10 năm liền. 

Nắm được thông tin sẽ có một nhóm biệt kích nhảy xuống khu vực huyện Bắc Yên, do tên Lò Văn Món cầm đầu, phụ trách các tổ chống biệt kích cử trinh sát Lò Văn Niện thâm nhập địa bàn chúng nhảy dù và khống chế, khai thác thông tin khi tóm được Món, bởi vì hắn là người cùng quê, sẽ dễ khai thác thông tin.

Chiếc máy bay vận tải "Bà Già" C47 hạ độ cao và lập tức có 5 chiếc dù lấp loáng xuất hiện trên bầu trời trong màn đêm. Mặc dù chúng được trang bị bộ đàm, súng ngắn, súng thể thao, súng săn hai nòng, bộc phá, song cứ tên nào chạm đất là bị tóm.

Tên Món là kẻ ranh ma nên hắn điều khiển dù đi chệch hướng quỹ đạo vài cây số, rồi đáp xuống khu vực xã Tạ Khoa. Lúc chân chạm đất cũng là lúc hắn biết đồng đội rơi vào ổ phục kích, do vậy hắn nhanh chóng lẩn vào rừng như một con sóc.

Ông Niện, ngoài cùng bên phải, kể chuyện tóm gián điệp biệt kích cho con cháu nghe. 

Tuy nhiên, tất cả bộ đàm đều đã rơi vào tay lực lượng công an nên tạm thời hắn chưa thể liên lạc được với cơ quan đầu não. Tổ công tác xác định, nếu để lọt lưới tên Món thì mọi kế hoạch câu nhử sẽ bị bại lộ, do vậy, các trinh sát được tung hết vào rừng truy tìm dấu vết tên Món.

Sau một tuần lội rừng, xăm soi từng dấu vết, các trinh sát của ta đã tóm được Món khi hắn đang cải trang và nấp trong khoang một con thuyền nhỏ do một bà cụ lái đò chở trên sông Đà.

Với những lý lẽ thuyết phục, tên Món đã phải liên lạc, tạo tin giả cho lực lượng CIA ở Sài Gòn. Tin tưởng rằng tên Món đã "hạ cánh" an toàn và cùng với nhóm Castor đang hoạt động trong rừng, trung tâm thông tin CIA yêu cầu nhóm của Món đi tìm địa điểm để tiếp tục thả một nhóm biệt kích xuống khu vực Tuần Giáo (Điện Biên).

Dãy Pú Nhung. 

Lò Văn Niện cùng các trinh sát lão luyện đã vào cuộc thả tiếp mồi câu lớn. Để đảm bảo an toàn cho lực lượng và tránh bại lộ, tổ chống gián điệp biệt kích của ta phải quản chế chặt chẽ bọn Món từng giây, từng phút và di chuyển địa điểm liên tục. Chỉ cần sơ hở, lộ bí mật sẽ bị máy bay địch càn quét, rải bom tiêu diệt.

Sau hơn một tháng ròng rã cuốc bộ khắp các vùng rừng núi của huyện Tuần Giáo, tổ chống gián điệp biệt kích của ta đã tìm được địa điểm thả mồi câu là sườn núi Pú Nhung, phù hợp với yêu cầu của chúng: bằng phẳng, rộng, heo hút, không có dân cư.

Nhóm gián điệp biệt kích nhảy xuống Pú Nhung dự định gồm 7 tên do Hà Văn Chấp và tên Điêu Văn Pánh, đều là người Quỳnh Nhai, đồng bọn của Lò Văn Món cầm đầu.

Để chuẩn bị kỹ các phương án, trinh sát Lò Văn Niện phải đi như chạy nhiều lần từ Sơn La đến Pú Nhung, báo cáo tình hình cho lãnh đạo, tìm phương án tác chiến. Mỗi chuyến đi từ Sơn La đến Pú Nhung mất 3 ngày đường không ngơi nghỉ.

Đúng nửa đêm, đống lửa được đốt lên ở tọa độ như đã thông báo, tiếng máy bay ầm ì rõ dần. 7 tên lính biệt kích chưa kịp hạ chân xuống bãi đất đã thấy hơi lạnh từ nòng súng gí vào bụng mình. Tin tức tiếp tục được báo về cơ quan chỉ huy của CIA ở Sài Gòn là... hạ cánh an toàn!

Suốt mấy năm trời, các căn cứ "mật khu" hoạt động của bọn gián điệp biệt kích trên khắp vùng Tây Bắc vẫn được "an ninh tuyệt đối", giữ vững liên lạc với trung tâm chỉ huy một cách đều đặn.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn