• Zalo

Nguyên Bộ trưởng GD-ĐT: Thi THPT Quốc gia cứ có sai sót đòi bỏ, khác nào đẽo cày giữa đường?

Giáo dụcThứ Hai, 30/07/2018 14:30:00 +07:00 Google News

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân khẳng định, việc duy trì kỳ thi THPT Quốc gia như hiện tại là cần thiết, việc cứ có sai sót lại đòi thay đổi cả kỳ thi không khác nào đẽo cày giữa đường.

Trước những lùm xùm về sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, trả lời VTC News, GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng dư luận cần có góc nhìn thấu đáo về sự việc này, không vì sai phạm mà tẩy chay cả kỳ thi.

son la 8

 Những gian lận thi cử ở Sơn La khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

- Sau những sai phạm ở Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang và Sơn La, dư luận tỏ ra nghi ngờ về cách tổ chức thi như hiện nay, thưa ông?

Trước hết, cần phải hiểu rõ, đây không phải là kỳ thi 2 trong 1 vì thi tuyển và thi tốt nghiệp rất khác nhau về nguyên tắc. Thi tuyển là dựa trên điểm thi, người ta xét tuyển từ trên xuống dưới và lấy đủ chỉ tiêu. Còn thi tốt nghiệp, học sinh chỉ cần vượt ngưỡng nào đó là tốt nghiệp. 

Hai cái đó nhập làm 1 không hợp lý bởi yêu cầu ra đề thi cho thi tuyển khác với yêu cầu ra đề cho thi tốt nghiệp. Trên thực tế hiện nay, cách làm này không phải 2 trong 1 mà chỉ có 1 thôi, đó là thi tốt nghiệp THPT.

Việc tuyển sinh vào các trường đại học lại là việc hoàn toàn khác. Các trường đại học tự chủ phương thức tuyển sinh, họ có thể tham khảo điểm thi tốt nghiệp, tham khảo điểm học của 3 năm cấp 3, có thể tổ chức phỏng vấn, có thể tổ chức thi năng khiếu…Không có chuyện thuần túy lấy điểm tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học. 

- Có nhiều quan điểm cho rằng việc duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều không cần thiết, thưa ông?

Tôi khẳng định duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết, bởi vì học suốt bao nhiêu năm đó, phải có đánh giá để xem đạt hay không đạt.

Thi tốt nghiệp chính là khâu cuối cùng để đánh giá học sinh nào đạt hay không đạt, không thể thiếu khâu đó được. Nếu thiếu khâu đó, việc học hành của học sinh sẽ loạng choạng, không nghiêm chỉnh. Chúng ta không chủ trương học để thi nhưng không thể phủ nhận thi để đánh giá học lực.

- Mỗi khi phát hiện sai phạm, dư luận lập tức muốn cải cách, muốn thay đổi kỳ thi? 

Thực ra mà nói, trong cuộc sống là thế, khi một cái gì đó thấy có nhược điểm thì họ muốn thay thế, nhưng họ chưa biết cái thay thế là cái gì? Họ có chắc cái thay thế nó tốt hơn cái này? Tôi cho là không.

IMG_3238 - Copy 6

 

Đừng nên vội vàng. Một số người nói muốn xét lại kỳ thi, nhưng họ chỉ nói đến chuyện xét lại thôi mà không nghĩ đến phương án thay thế.

GS Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng GD-ĐT

Đừng nên vội vàng. Một số người nói muốn xét lại kỳ thi, nhưng họ chỉ nói đến chuyện xét lại thôi mà không nghĩ đến phương án thay thế.

Cần phải suy nghĩ thấu đáo xem kỳ thi này ưu điểm là gì, nhược điểm là gì? Có cách nào khác ưu điểm hơn mà ít nhược điểm hơn hay không? Cho tới nay tôi chưa thấy có phương án nào tốt hơn phương án hiện tại.

- Nhưng vẫn có ý kiến muốn tẩy chay cả kỳ thi chỉ vì những sai phạm ở một số địa phương, thưa ông?

Mấy trường hợp này, chủ yếu sai sót là ở yếu tố con người. Con người can thiệp vào chứ không nằm ở vấn đề kỹ thuật. Do vậy, cần phải làm đến nơi đến chốn, làm rõ nếu không chẳng những ảnh hưởng đến lòng tin đến ngành giáo dục mà còn ảnh hướng rất nhiều đến các cán bộ địa phương.

Nhưng tổng thế mà nói, đừng vì những cái đó mà thay đổi cả chủ trương. Sai chỗ nào, tìm cho ra chỗ đó và khắc phục. Chủ chương là đúng, chúng ta phải khắc phục sai phạm chứ không phải thay đổi, tẩy chay cả kỳ thi. Chúng ta cần phải kiên trì với kỳ thi THPT hiện nay.

- Còn tồn tại những vụ việc tiêu cực như ở Hà Giang hay Sơn La thì hình thức thi như hiện tại dường như vẫn còn tồn tại nhiều khuyết điểm, thưa ông?

Chủ trương nào cũng vậy, khi làm là phải có quá trình. Dần dần quá trình này nhuần nhuyễn mới phát huy tác dụng. Không có chủ trương nào mà chỉ toàn ưu điểm ngay lập tức, không có khuyết điểm. Cách nào ít nhược điểm nhất thì ta dùng, những nhược điểm ấy sẽ tìm cách khắc phục dần dần. Các phương án thi THPT đều nêu ra rất nhiều lần rồi, nhưng phương án hiện nay tôi cho là hợp lý về mặt tổng quát.

XEM TOÀN BỘ THÔNG TIN VỤ VIỆC TẠI ĐÂY

- Nhưng dư luận lại nóng vội và muốn có một kỳ thi trong sạch ngay lập tức. Nhiều người cho rằng nếu không làm được thì nên trả lại kỳ thi như trước đây?

Nếu trở lại hình thức thi như ngày xưa chúng ta rất là vất vả. Bộ GD-ĐT sẽ phải chịu trách nhiệm toàn bộ từ việc ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi...

Đừng kéo Bộ GD-ĐT làm những việc như vậy nhiều quá mà đôi khi lại ảnh hướng đến chức năng chủ yếu của Bộ là quản lý. Vậy nên, theo tôi, phương hướng giao cho địa phương tổ chức thi và chấm thi là hợp lý. Đó là việc hoàn toàn nằm trong khả năng của địa phương. 

- Nhưng tiêu cực cũng sẽ nằm trong khả năng của địa phương. Địa phương có thể dễ dàng hơn trong việc can thiệp điểm số của thí sinh như các trường hợp ở Hà Giang và Sơn La. Như vậy, chẳng phải là một vòng tròn luẩn quẩn? 

Năm nay, khi Bộ GD-ĐT công khai công bố phổ điểm để chúng ta có đánh giá về con số chung. Đây chính là phương tiện để chúng ta phát hiện ra những tiêu cực này, tiêu cực khác. Từ đó, chúng ta sẽ thấy được những lỗ hổng cần phải xem xét, đánh giá lại.

Về tiêu cực, ở đây có 2 nhóm vấn đề đó về quy trình kỹ thuật và yếu tố con người.

Thứ nhất, quy trình kỹ thuật vẫn có gì đó chưa đủ chặt chẽ. Chúng ta phải làm thế nào đó để quy trình này phải chặt chẽ, chặt chẽ đến mức người ta muốn tiêu cực cũng khó.

Thứ hai, về con người, cần phải làm rõ từng khâu sau khi thi. Ai cầm chìa khóa, trách nhiệm thế nào, dán niêm phong ra làm sao. Tất cả các khâu đó đều phải có quy trình. Nếu con người can thiệp vượt qua mọi quy trình kỹ thuật thì lại là chuyện khác.

Do đó, phải tìm nguyên nhân đến nơi đến chốn, không thể lưng chừng, bỏ ngỏ được. Phải có kết luận rõ ràng, sai sót ở chỗ nào tìm cách khắc phục chỗ đó.

Địa phương cũng phải có trách nhiệm khi để xảy ra tiêu cực. Địa phương không được dung túng, càng không được chỉ đạo, can thiệp tạo tiêu cực. Dứt khoát cái đó phải nghiêm khắc, đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, đụng tới luật pháp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Video: Điểm thật của 42 thí sinh ở Sơn La sau khi chấm thẩm định

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn