• Zalo

Nguyên Bộ trưởng Công Thương bổ nhiệm con làm lãnh đạo: Phi lý, trái pháp luật?

Kinh tếThứ Tư, 15/06/2016 12:29:00 +07:00 Google News

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI cho rằng, việc nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai làm lãnh đạo Sabeco là trái pháp luật và có thể tạo thêm những Vinashin, Vinalines.

Trong mấy tháng trở lại đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) liên tục có những kiến nghị gửi Bộ Công Thương về các vấn đề liên quan tới Tổng công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Trong đó, VAFI đề nghị Bộ Công Thương phải bán dứt điểm Sabeco, Habeco để giúp hai doanh nghiệp này phát triển. Bên cạnh đó, VAFI cũng “chất vấn” Bộ Công Thương về việc nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai Vũ Quang Hải làm thành viên Hội đồng quản trị Sabeco khi còn trẻ.

Đặc biệt, ông Vũ Quang Hải bị VAFI đánh giá là “kém năng lực” vì trước đó, khi ông này điều hành tại một doanh nghiệp nhà nước thuộc họ dầu khí đã khiến PVFI lỗ hàng trăm tỷ đồng.

PV báo điện tử VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Hải (Phó Chủ tịch VAFI), người đã ký các văn bản này gửi Bộ Công Thương về các vấn đề liên quan Sabeco và việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị Sabeco.

sabeco1

 

Tại sao VAFI liên tục gửi kiến nghị về một số vấn đề liên quan Sabeco tới Bộ Công Thương, thưa ông?

Hiện tại, Sabeco có một số vấn đề. Đó là vấn đề cổ phần hóa và nhân sự.

Cùng với Habeco, Sabeco đã thực hiện cổ phần hóa được hơn 8 năm nhưng chưa được chuyển về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Một số doanh nghiệp được chuyển về SCIC như Vinamilk, Nhựa Bình Minh... đều phát triển tốt. Bên cạnh đó, Sabeco nhiều lần tìm cách lần lữa việc niêm yết, dù đủ điều kiện.

Sabeco gặp một vấn đề lớn nữa là sử dụng cán bộ không có năng lực. Năm 2015, Sabeco điều động ông Vũ Quang Hải (28 tuổi, con trai nguyên Bộ trưởng Hoàng) về làm thành viên Hội đồng quản trị, đại diện cho cổ phần nhà nước. Không chỉ vậy, ông Hải còn kiêm luôn chức Phó Tổng giám đốc Sabeco.

Như chúng tôi đã trình bày trong các văn bản, ông Hải  chưa làm được gì nhiều. Thậm chí, khi làm lãnh đạo PVFI ở tuổi 25, ông Hải còn khiến công ty này thua lỗ hàng trăm tỷ đồng. Điều đáng nói, trong các năm trước đó, PVFI đều có lãi.

-  Ông Hải được bổ nhiệm làm lãnh đạo ở Sabeco từ năm 2015, tại sao VAFI không đề cập vấn đề này sớm hơn?

Vấn đề này, VAFI đã sớm nhìn ra nhưng trong thời gian ông Hải mới được bổ nhiệm, nhưng lúc đó, chúng tôi đang vướng bận một số việc. Bản thân tôi cũng bận một số việc riêng nên đến bây giờ, chúng tôi mới đề cập đến vấn đề này được. Nếu đúng ra, văn bản này được gửi Bộ Công Thương  khi ông Vũ Huy Hoàng chưa nghỉ chế độ thì sẽ tốt hơn.

Tôi đánh giá việc ông Hải được bổ nhiệm làm lãnh đạo Sabeco không lâu sau khi làm thất thoát tài sản Nhà nước vừa phi lý, vừa sai pháp luật. Phi lý ở chỗ, ông Hải nắm giữ trọng trách khi còn trẻ và chưa có thành tích gì. Còn sai pháp luật ở chỗ, đưa một người từng làm thất thoát tài sản Nhà nước lại được tiếp tục bổ nhiệm lên làm lãnh đạo một doanh nghiệp lớn hơn.

quanghai

Ông Vũ Quang Hải 

Khi làm thất thoát tài sản Nhà nước, lẽ ra lãnh đạo phải bị kiểm điểm, kỷ luật, thậm chí chịu hình thức nặng hơn. Thế nhưng, ông Hải không những không bị kỷ luật mà còn có cơ hội làm việc cho một công ty lớn hơn.

Điều khôn ngoan của ông Hải ở đây là, sau khi khiến PVFI lỗ lớn, ông Hải không làm doanh nghiệp mà chuyển sang Bộ. Sau đó mới về Sabeco.

-  Một lãnh đạo mà ông cho là “kém năng lực” như ông Hải đã ảnh hưởng gì tới Sabeco chưa, thưa ông?

Ảnh hưởng nhiều chứ. Một người kém năng lực mà được đôn lên làm lãnh đạo, chỉ đạo người khác thì làm sao người ta phục được. Cách bổ nhiệm như vậy sẽ khiến nhân sự không có động lực phấn đấu. Ai còn muốn làm việc nữa khi biết rằng, mình có cố gắng đến đâu thì vị trí quan trọng đã có người khác ngồi.

Tóm lại, nó ảnh hưởng đến kỷ cương. Một người làm việc không ra gì lại được thăng chức vù vù, trong khi những người cật lực ra làm thì chẳng có gì. Chuyện bất công này rất nguy hiểm. Ai muốn phấn đấu làm gì. Người tài sẽ không làm việc cho doanh nghiệp Nhà nước nữa. Lúc đó, sẽ tạo ra những lãnh đạo cơ hội, tạo ra lợi ích nhóm, tạo ra tình trạng tham nhũng, thất thoát tài sản Nhà nước.

Thư ký cho Bộ trưởng hiện đang nắm giữ cả hai chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Sabeco mà không hề có thành tích gì đáng kể. Như vậy rất nguy hiểm cho vấn đề tài sản nhà nước. VAFI lên tiếng để tránh thất thoát tài sản Nhà nước.

- Theo đánh giá của ông, Sabeco hiện đang ở trong tình huống thế nào?

Sabeco tụt hậu nhiều. Trước hết, tôi nói về lợi ích nhà đầu tư. Sau khi cổ phần hóa, Sabeco bị ách tắc, không được chuyển về cho SCIC quản lý nên chất lượng cán bộ kém, khiến lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng thấp.

Ở các doanh nghiệp khác, lợi nhuận doanh nghiệp và lợi ích cổ đông tăng bao nhiêu lần, nhưng Sabeco không được như vậy. Hàng ngàn người đầu tư vào Sabeco đã lỗ. Lúc đấu giá, giá cổ phiếu Sabeco là 7 "chấm" nhưng đến nay vẫn ì ạch, trong khi vốn điều lệ không tăng.

Đã có nhiều "tấm gương" về sự tụt hậu của doanh nghiệp Nhà nước. 10 năm trước, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có hùng mạnh không? Quá hùng mạnh. Nhưng bây giờ rơi vào tình trạng ốm yếu, nợ nần chồng chất. Rồi những doanh nghiệp lớn như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc... cũng đều đang lỗ khủng.

 
Tôi thấy tham nhũng nhiều, thất thoát nhiều tập trung khá lớn ở các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương. Nguyên nhân là do doanh nghiệp lề mề, chậm cổ phần hóa và sử dụng cán bộ yếu kém.

Tôi thấy tham nhũng nhiều, thất thoát nhiều tập trung khá lớn ở các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương. Nguyên nhân là do doanh nghiệp lề mề, chậm cổ phần hóa và sử dụng cán bộ yếu kém.

Như tôi đã nói, có nhiều doanh nghiệp hùng mạnh nhưng đã trở nên ốm yếu, thậm chí không còn lại thứ gì. Có doanh nghiệp, Nhà nước đổ vào ngàn tỷ mà còn âm vốn. Như Vinalines bây giờ còn gì nữa đâu. Nếu không bán, có khi sau này không còn gì để bán.

Liệu Sabeco có ngày “không còn gì để bán” như Vinalines không, thưa ông?

Nếu không sớm lên tiếng, sớm ngăn chặn thì điều gì cũng có thể xảy ra. 

Nếu cứ sử dụng cán bộ yếu kém thì họ “phá” nhanh lắm. Mà “phá” xong, họ còn lên nhanh hơn. Họ khiến không ít doanh nghiệp thua lỗ. Mỗi doanh nghiệp lỗ vài trăm tỷ, ngàn tỷ, gộp tài sản Nhà nước mất mát hàng chục ngàn tỷ...

-  Xin cảm ơn ông!

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn