• Zalo

'Người bệnh tâm thần sợ nhất bị người nhà bỏ rơi'

Sức khỏeThứ Năm, 22/02/2018 07:42:00 +07:00 Google News

Theo bác sĩ Nguyễn Chu Diên – Phó Trưởng khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần TW I, trong thời gian năm hết Tết đến, điều mà bệnh nhân tâm thần cần nhất, đó chính là thoát ra khỏi tâm lý bị người nhà bỏ rơi.

“Dịp Tết nào cũng vậy, chúng tôi luôn làm mọi cách để bệnh nhân không có cảm giác rằng mình bị bỏ rơi - điều mà bệnh nhân sợ hãi nhất, cũng là điều mà các y bác sĩ không mong muốn bệnh nhân biết, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình hồi phục của họ”, bác sĩ Nguyễn Chu Diên Phó Trưởng khoa Cấp tính nam, Bệnh viện tâm thần Trung ương I chia sẻ.

Được biết, năm nay, Khoa Cấp tính nam có khoảng hơn 20 bệnh nhân ở lại ăn Tết. Những bệnh nhân này một phần vì bệnh vẫn chưa khỏi, cần được theo dõi, điều trị thêm, phần còn lại vì gia đình không đến đón họ về nhà ăn Tết.

3f8fde5926aac9f490bb

Bác sĩ Nguyễn Chu Diên – Phó Trưởng khoa Cấp tính nam, Bệnh viện tâm thần TW I (Ảnh: Lệ Chi)

Theo chân bác sĩ Nguyễn Chu Diên đi thăm bệnh nhân còn ở lại, thấy ông cùng với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên trong khoa luôn ân cần, tìm cách trấn an bệnh nhân, giải thích lý do mà họ - những người bệnh phải ở lại bệnh viện.

Ông bảo, tâm lý chung của các bệnh nhân tâm thần là sợ bị bỏ mặc, không ai chăm sóc, không còn gia đình, bạn bè nữa.

Bởi một lẽ, từ sâu trong tiềm thức của họ và trong cả cộng đồng mà họ đang sinh sống, những định kiến nặng nề về bệnh lý tâm thần vẫn còn ngự trị.

“Bệnh nhân tâm thần, khi bị bệnh thì họ rất thiệt thòi, không chỉ mất đi quyền cơ bản của mình, họ còn phải chịu đựng sự ghẻ lạnh, bị gia đình bỏ rơi, bị xã hội kì thị, họ sẽ cảm thấy tuyệt vọng.

Những định kiến nặng nề ảnh hưởng tới tâm lý vốn chưa vững vàng của bệnh nhân, khiến bệnh nhân có nguy cơ tái phát bệnh trở lại”, ông Diên tâm sự.

Hỏi chuyện sâu hơn về rối loạn tâm thần tái phát do gặp cú shock, hoảng sợ vì bị bỏ rơi, bác sĩ Nguyễn Chu Diên nói: "Các biểu hiện của bệnh nhân rất đa dạng, đến từ những biểu hiện tưởng chừng như nhỏ nhất".

Ví dụ như, đối với bệnh nhân có chứng hoang tưởng tự cao, thông thường ở gia đình bệnh nhân ăn mặc gọn ghẽ sạch sẽ, trong tâm trí luôn cho rằng mình có thể làm được việc này việc khác.

Nhưng đến khi làm ăn càng thua lỗ, bệnh mới phát ra, xuất hiện các triệu chứng tâm thần. Nặng nhất người bệnh tự gây tổn hại đến bản thân như tự hủy hoại thân thể, để lại di chứng nặng nề”.

58e8623079cc9692cfdd 3

 Bệnh nhân điều trị tâm thần luôn mong mỏi được về nhà, được gia đình đón nhận (Ảnh: Lệ Chi)

Theo ông, để giảm bớt những áp lực của xã hội lên người nhà và chính các bệnh nhân tâm thần, trước hết, cần phải hiểu đúng về bệnh tâm thần.

“Hiện nay, bệnh lý tâm thần đang bị hiểu sai. Không phải tất cả bệnh tâm thần đều khiến bệnh nhân điên loạn, hò hét, hay có những hành vi khác thường, gây hại đến những người xung quanh.

Về bản chất, những rối loạn tâm thần biểu hiện ra bên ngoài phụ thuộc vào từng nhóm nhân cách mà con người ta đang mang.

Có 3 nhóm nhân cách cơ bản, đi cùng với 3 loại biểu hiện khác nhau: Người nhân cách mạnh thì phản ứng rối loạn bùng nổ giận giữ, quát mắng, nhân cách trung gian thì nín nhịn, không bộc lộ cảm xúc, còn nhân cách yếu thì bi quan và hay bị rối loạn trầm cảm.

Dựa vào sự phân loại này mà bác sĩ tâm thần theo dõi, đánh giá quá tình từ ủ bệnh, phát triển bệnh, dựa vào nhân cách, tính cách của người đó như thế nào, để đánh giá bệnh và giúp người nhà bệnh nhân, cộng đồng hiểu chuẩn xác căn bệnh nhiều người e ngại này”.

Video: Rối loạn tâm thần sau sinh và những vụ việc đau lòng khi mẹ hiền hóa 'ác quỷ'

Chia sẻ với phóng viên trong ngày Tết, ông tâm sự: “Chúng tôi đã, đang và sẽ luôn cố gắng để trả lại những gì tốt đẹp nhất cho họ,  những người bệnh và cho xã hội.

Vì vậy, tôi mong khi người từng điều trị tâm thần trở lại hòa nhập với xã hội, hãy ủng hộ, đón nhận họ, đừng để họ có tâm lý bị bỏ rơi, và rồi lại trở thành bệnh nhân tâm thần một lần nữa”.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn