• Zalo

Ngược đãi du khách ở VN, Tổng cục Du lịch nói gì?

Thời sựThứ Năm, 23/05/2013 01:20:00 +07:00Google News

(VTC News) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam trần tình về những kiểu bắt nạt du khách chỉ có ở Việt Nam.

(VTC News) -  Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường trần tình về những kiểu bắt nạt du khách chỉ có ở Việt Nam.

Liên quan tới những vụ việc chèo kéo, chặt chém, lừa đảo du khách gây ảnh hưởng tới ngành du lịch, trả lời phỏng vấn phóng viên VTC News ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nói:

Bất cứ xã hội nào cũng có cả những mặt tiêu cực, kể cả ở các quốc gia đã phát triển. Nhưng ở nước ngoài họ công khai chuyện những kẻ xấu có thể móc túi bạn, bắt chẹt bạn. Còn tại Việt Nam, ngành du lịch phải đối mặt với những mặt trái đó một cách trực tiếp nhất.


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường (Ảnh: Minh Quân) 
Việc quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự, môi trường cho khách du lịch là một trong những nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã đề cập tới trong kế hoạch phát triển ngành du lịch Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2020.

Ở Hà Nội, có những điểm đầu tư rất nhiều, nhưng vẫn chưa tốt, thậm chí lụi dần.


Tài nguyên ở Hà Nội nhiều nhất, Hà Nội có nhiều làng nghề nhất, lại là thủ đô đông dân, thế nhưng Hà Nội đang chưa phát huy được thế mạnh đó.

Nếu so với các thành phố lớn khác, Hà Nội đang dần đánh mất tài nguyên, nguồn phát triển của nó trong khi đây là nơi giao lưu quốc tế, nơi đón đầu của quốc gia, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh được quốc tế công nhận, con người Hà Nội cũng tài hoa nhất. Ở Phố Cổ chúng ta có gì để vui chơi, giải trí?


Theo tôi, vấn đề là ở chỗ thể chế của chúng ta đang gò Hà Nội vào thế không phát triển được.

Việc sáp nhập 3 sở thành 1 sở, ở khu vực Hà Tây cũ còn 6 sở thành 1 sở, có thời ở một số cơ quan, số lượng giám đốc, phó giám đốc còn nhiều hơn số nhân viên làm công tác du lịch thì làm sao phát huy được?

Rõ ràng, Hà Nội đang chịu sức ép về thể chế.


- Phản ứng ngay lập tức để đạt được hiệu quả nhất trong việc chấn chỉnh tình trạng bắt chẹt, “chặt chém” du khách theo ông có nên là "lập đường dây nóng"?

Cần phải thiết lập một bộ phận để tiếp nhận phản ánh từ du khách. Thành lập đường dây nóng cũng là một sáng kiến hay giúp du khách có thể phản ánh thông tin kịp thời tới các cơ quan có thẩm quyền để tránh xảy ra các hậu quả đáng tiếc.

Tới đây, Tổng Cục du lịch sẽ đề xuất với Chính phủ ban hành một chỉ thị, trong đó có nội dung này.


- Không ít du khách đến Việt Nam nhưng một đi không trở lại, theo ông nguyên nhân là do đâu?

Nhiều người cứ nghĩ họ phải đến Việt Nam nhiều lần mới là đánh giá cao. Trên thực tế, theo các nguyên lý về
 

Thành lập đường dây nóng cũng là một sáng kiến hay giúp du khách có thể phản ánh thông tin kịp thời tới các cơ quan có thẩm quyền để tránh xảy ra các hậu quả đáng tiếc. Tới đây Tổng Cục du lịch sẽ đề xuất với Chính phủ ban hành một chỉ thị, trong đó có nội dung này.

Ông Nguyễn Mạnh Cường
 
du lịch, bất cứ quốc gia nào cũng đặt ra mục tiêu thu hút nhiều khách du lịch, mang lại lợi nhuận đóng góp cho đất nước và tạo dựng hình ảnh chỉ mình mới có.


Du khách tới thăm một hay vài lần chỉ là một trong những yếu tố được đưa ra xem xét khi so sánh mức độ cạnh tranh, chứ không nói lên nhiều điều.

Mỗi người dân có quyền tạo ra các cơ hội để đi du lịch và họ chẳng dại gì đến nhiều lần cùng một nơi. Họ phải đi những nơi khác nhau để khám phá các quốc gia khác nữa chứ.


Tiêu chí quay lại nhiều lần chỉ là một tiêu chí bổ sung thôi, không nên đặt mục tiêu là khách quốc tế phải quay lại nhiều lần.

- Mới đây, người dân ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) rất bức xúc vì quyền lợi của họ “xa lạ” với giá trị làng cổ. Theo ông, vì sao chúng ta chưa phát huy được giá trị vốn có của nó?

Phát triển du lịch cộng đồng là một trong những hướng giúp phát triển du lịch bền vững, giúp tôn tạo, phát huy giá trị bản sắc văn hóa ở địa phương, đặc biệt mô hình đó sẽ giúp đảm bảo được quyền và lợi ích của người dân trong quá trình tham gia vào ngành du lịch.

Hội An hay Đà Nẵng đang phát huy hiệu quả mô hình đó. Tổng cục du lịch cũng đang chỉ đạo nhân rộng mô hình trên ra khắp cả nước. Tại Hà Nội, việc này được thực hiện chưa đồng bộ.

Làng cổ đường Lâm chính là một minh chứng cho điều đó. Do triển khai không đồng bộ nên đã gây ra bức xúc trong lòng người dân nơi đây. Bên cạnh việc giữ cảnh quan, còn phải đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế…của người dân.


- Vài năm trở lại đây, Việt Nam đầu tư khá nhiều tiền vào việc quảng bá cho ngành du lịch nước nhà, đặc biệt trên những kênh truyền thông lớn của nước ngoài như BBC, CNN… Chúng ta đã sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách này chưa?

Đó là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Nhà nước dành cho ngành du lịch. Tuy vậy, bên cạnh những mặt được, chúng ta vẫn có những mặt chưa được tốt. Nguyên nhân là bởi chúng ta làm chưa đồng bộ. Chúng ta chưa biết phối hợp để tạo nên sức mạnh nên nhiều nguồn lực còn bị phân tán.

Đơn cử, chúng ta vẫn chưa có nổi một kế hoạch mang tính chiến lược tầm quốc gia. Vì vậy, nếu muốn phát triển ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, rõ ràng Việt Nam đang đứng rất xa so với các quốc gia đã hoạt động du lịch một cách hoàn chỉnh.
chèo kéo du khách
Người bán hàng rong chèo kéo du khách (Ảnh: Internet) 

Không thể nói khoản tiền đầu tư cho ngành du lịch như trên là đủ hay chưa đủ được. Việc đầu tư cho một ngành như thế phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Chúng ta không thể đòi hỏi vượt qua chiến lược, điều kiện kinh tế của đất nước. Không nên chạy theo các nước khác. Theo tôi, vấn đề là chúng ta phải sử dụng làm sao cho hiệu quả nguồn đầu tư đó.


Thực ra Nhà nước mới chỉ bỏ một phần tiền quảng bá cho ngành du lịch, còn doanh nghiệp, họ cũng chi rất lớn, nhưng rõ ràng, so với nhu cầu đặt ra, chúng ta mới đạt được rất thấp.

Ví dụ, Thái Lan, họ chi hẳn 100 triệu USD để thu hút 20 triệu khách quốc tế tới đó mỗi năm. Việt Nam chỉ bỏ 1 – 2 triệu USD – khoản tiền rất lớn so với ngân sách đặt ra, nhưng rất nhỏ so với bạn bè quốc tế thì lượng khách chỉ đến vậy.


- Chúng ta còn thua kém họ ở những mặt nào?

Rất nhiều. Về bộ máy, về cơ chế, về chính sách, về đầu tư, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Cụ thể, muốn du khách tới thăm Việt Nam, đầu tiên phải có phương tiện đưa họ đến. Mười mấy sân bay cả nội địa cả quốc tế của chúng ta hiện đang chưa bằng một sân bay của Thái Lan.

Bản thân ngành du lịch không thể tự phát triển mà phải có sự gắn kết với các ngành kinh tế khác và phụ thuộc cả vào thể chế làm ra nó nữa. Chúng ta có nhiều tiềm năng về mặt tài nguyên, nhưng chúng ta khai thác chưa hiệu quả, thậm chí đang hủy hoại nó.

Ví dụ, người ta đang bê tông hóa những cảnh quan, môi trường hết sức thân thiện, độc đáo. Tất cả đều do nhận thức của người dân và công tác quản lý chưa tốt. Không thể phát triển du lịch bền vững khi mà lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và người dân không được tính đến.

- Ông từng nghĩ tới việc đi “du hành” để xem du khách nước ngoài nói gì về du lịch Việt Nam chưa?

Không cần phải vi hành vì chuyện đó tôi thừa biết qua các báo cáo tổng hợp của các cơ quan, trung tâm rồi. Trong những báo cáo điều tra, người ta đều đánh giá rất khách quan.

Xin cảm ơn ông!

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn