Zeinulla Kakimzhanov - chủ một nhà máy sản xuất rượu ở Kazakhstan hài lòng với những yêu cầu nhận được từ các nhà nhập khẩu rượu Trung Quốc vài tháng gần đây.
Các thương vụ này có được nhờ các mối làm ăn mà Kakimzhanov xây dựng ở Trung Quốc vài năm trước. Nhiều loại rượu xuất xưởng từ nhà máy của Kakimzhanov ở "kinh đô rượu vang" Almaty của Kazakhstan được nhiều khách hàng Trung Quốc đón nhận. Cũng chỉ mất năm ngày để chuyển các chuyến rượu từ Almaty tới Thượng Hải bằng đường bộ.
"Có lẽ sự quan tâm của các nhà nhập khẩu Trung Quốc xuất phát từ việc họ đang tìm kiếm các nguồn nhập khẩu mới thay thế cho rượu Australia", Kakimzhanov nói.
Trung Quốc từ lâu coi Kazakhstan là một đối tác lâu dài trong việc nhập khẩu nông sản. Quốc gia này cũng là mắt xích quan trọng trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Bắc Kinh.
"Các vấn đề thương mại đang nổi lên giữa Trung Quốc và Australia sẽ thúc đẩy quá trình này. Nó sẽ mất thời gian, nhưng ít nhất cũng đã có một sự khởi đầu", Kakimzhanov cho biết.
Dù nhận được nhiều lời đề nghị từ Trung Quốc, Kakimzhanov vẫn chưa ký thỏa thuận nào vì vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Theo các nhà phân tích, căng thẳng kéo dài suốt chín tháng qua giữa Caberra và Bắc Kinh gây thiệt hại đáng kể cho cả hai nước. Nhưng nó đồng thời mở ra cánh cửa cho các nhà xuất khẩu mới.
Cánh cửa này càng mở rộng hơn khi Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá từ 107,1% đến 212,1% đối với rượu vang nhập khẩu từ Australia từ 1/12/2020.
Mức thuế này sẽ được áp dụng cho tới khi cuộc điều tra của Trung Quốc kết thúc, có thể là vào tháng 8/2021. Khoảng thời gian này là một thách thức với các nhà xuất khẩu rượu vang của Australia.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Australia cho thấy trong tháng 11/2020, xuất khẩu rượu vang đỏ của Australia giảm 52% sau hai tháng xuất khẩu khá mạnh là tháng 9 và tháng 10.
Giới quan sát tin rằng cái khó của Australia vô tình ló "cái khôn" cho các nhà nhập khẩu tới từ Kazakhstan, Serbia, Chile và Pháp.
"Giả sử mức thuế này được duy trì trong một thời gian. Chile sẽ có lợi thế nhất vì họ có thể cung cấp giải pháp thay thế gần nhất về chủng loại, bao bì và giá trị đồng tiền", Tommy Keeling - Giám đốc nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương tại hãng phân tích Thị trường Đồ uống IWSR cho biết.
Theo Keeling, sự vắng bóng của rượu vang Australia sẽ để lại lỗ hổng lớn trên thị trường. Nhưng các nhà xuất khẩu rượu vang khác cũng nắm được thực tế họ có thể thua kém Australia nếu xét về mức độ am hiểu về thị trường Trung Quốc, khả năng cung cấp sẵn có và ngành công nghiệp bài bản được đầu tư và hỗ trợ mạnh mẽ.
Theo nghiên cứu của IWSR, Trung Quốc nhập khẩu 122 triệu lít rượu vang Australia vào năm 2019 với giá bán lẻ khoảng 2,45 tỷ USD, chỉ sau Pháp.
Rượu vang Australia chiếm 25,8% lượng rượu nhập khẩu của Trung Quốc.
Trong trường hợp của Kakimzhanov, việc đẩy lượng tiêu thụ lên mức lớn là trở ngại chính với nhà máy rượu của anh. Nhưng Kakimzhanov tin điều này có thể khắc phục nếu được đầu tư đúng mức.
Tương tự như với Kazakhstan. Với đủ vốn, nước này có thể thay thế 10-15% sản lượng xuất khẩu của Australia trong tương lai gần và lên đến 50% trong 10 năm, theo Kakimzhanov.
"Kazakhstan vẫn chưa trở thành đối tác lớn với Trung Quốc về xuất khẩu nông sản, nhưng có mọi lý do để Kazakhstan có thể cung cấp khối lượng lớn. Lợi thế chính của chúng tôi là tài nguyên đất đai dồi dào và vị trí gần Trung Quốc", Kakimzhanov chia sẻ.
Nhưng với nhiều nhà xuất khẩu khác, bao gồm những cái tên tiềm năng tới từ Serbia, họ ít quan tâm tới việc lấp đầy khoảng trống mà rượu vang Australia để lại. Một phần nguyên nhân là vì lo ngại chuỗi cung ứng phức tạp, không đủ tự tin có thể thay thế vị trí của Australia tại thị trường Trung Quốc hoặc đơn giản là không hứng thú.
Mileta Popovic - một chuyên gia về rượu của Serbia thừa nhận ngay cả khi Trung Quốc đưa ra yêu cầu, các nhà máy rượu của Serbia không có đủ trang bị để áp ứng nhu cầu nhập khẩu của Bắc Kinh.
“Lần cuối cùng tôi tham gia đàm phán, phía Trung Quốc muốn chúng tôi đảm bảo xuất 500.000 chai vang đỏ/ năm, tương đương khoảng 375.000 lít cùng một hợp đồng ký ba năm. Đây là điều mà không một ai ở Serbia có thể chấp nhận", anh nói.
Hầu hết các nhà máy của Serbia có quy mô nhỏ với công suất trung bình không quá 200.000 lít/năm.
Trong khi đó với Kakimzhanov, dù khối lượng sản xuất là quan trọng, thế hệ tiếp theo của các nhà xuất khẩu rượu sang Trung Quốc sẽ không chỉ cạnh tranh về số lượng.
Kakimzhanov cho biết loại rượu vang hữu cơ đặc trưng của Kazakhstan cung cấp một giải pháp thay thế cao cấp cho rượu vang sản xuất hàng loạt với giá rẻ hơn của Australia. Chúng đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao và khẩu vị thay đổi của tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
"Nhu cầu ở Trung Quốc đối với các sản phẩm nông nghiệp thân thiện với sinh học là đặc biệt lớn và đang tăng nhanh. Khi thu nhập của tầng lớp trung lưu Trung Quốc tăng đều đặn, nhu cầu về các nông sản thuần tự nhiên cũng sẽ tăng trưởng ổn định”, Kakimzhanov nói.
Bình luận