“Trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, giới lãnh đạo ở Kiev đã đề xuất đàm phán, chúng tôi đồng ý. Đàm phán đã bắt đầu nhưng có nhiều khó khăn. Phía Ukraine, dù họ tỏ ra thấu hiểu các vấn đề cần phải được nhất trí trong các cuộc đàm phán, nhưng họ lại liên tục thay đổi quan điểm và bác bỏ các đề xuất của chính họ”, Ngoại trưởng Lavrov nói.
Trước đó, ngày 22/3, Phó đại diện Thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Dmitri Polyansky cho rằng tuyên bố gần đây của Tổng thống Ukraine Zelensky về quy chế của Crimea và Donbass cũng như quy chế trung lập của Ukraine có sự mâu thuẫn, khiến các cuộc đàm phán trở nên khó khăn.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga muốn có các thỏa thuận cụ thể với Ukraine trong tương lai để không lực lượng nào có thể tìm cách vi phạm.
Ông Lavrov cũng nói rằng, các động thái của phương Tây hiện nay, như cung cấp vũ khí phòng không tiên tiến cho Ukraine, chắc chắn là một nỗ lực cản trở.
Ngoại trưởng Nga đồng thời cảnh báo việc triển khai “lực lượng gìn giữ hòa bình” của NATO tới Ukraine có thể dẫn tới các cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.
Trong một bài phát biểu vào sáng 23/3 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga là khó khăn nhưng sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh phương Tây có kế hoạch công bố thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ: “Các cuộc đàm phán rất khó khăn, đôi khi xảy ra nhiều bất đồng. Nhưng chúng tôi đang từng bước tiến về phía trước”.
Trong khi đó, các quốc gia phương Tây đang có kế hoạch gây thêm áp lực lên Điện Kremlin. Cùng với các nhà lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trong chuyến thăm châu Âu tuần này. Chuyến công du châu Âu của ông Biden cũng bao gồm việc thông báo về hành động chung nhằm tăng cường an ninh năng lượng tại khu vực vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga.
Bình luận