• Zalo

Ngoài Kepler-452b, Trái đất còn bao nhiêu người 'anh em', 'họ hàng'?

Kinh tếChủ Nhật, 26/07/2015 10:29:00 +07:00Google News

Ngoài Kepler-452b, Trái đất còn bao nhiêu 'anh em', 'họ hàng'?

(VTC News) - Ngoài Kepler-452b, con người cũng đã phát hiện ra không ít những hành tinh khác ngoài vũ trụ có khả năng tồn tại sự sống được xem như những người anh em, họ hàng của Trái đất.

Hai "người em sinh đôi"


Đầu năm 2015, NASA đã công bố việc phát hiện ra 8 hành tinh mới nằm trong "vùng có khả năng duy trì sự sống" ở ngoài vũ trụ, trong đó có hai hành tinh giống với Trái đất nhất lúc bấy giờ là Kepler-438b và Kepler-442b, đều có kích thước gần bằng với Trái đất và nhiệt độ thấp hơn so với mặt trời.

Hành tinh Kepler-438b nhận được nhiều hơn khoảng 40% lượng ánh sáng mặt trời so với Trái Đất và có khoảng 70% khả năng tồn tại sự sống, tức gấp đôi khả năng so với Sao Kim.

Còn hành tinh Kepler-442b nhận được hai phần ba lượng ánh sáng mặt trời so với Trái Đất nên khả năng có sự sống lên tới 97%.
trái đất
Danh sách 8 hành tinh nằm trong vùng có sự sống được phát hiện vào đầu năm 2015 
Theo đó, 8 hành tinh này đều nằm trong "vùng có khả năng tồn tại sự sống" (Habitable Zone hay Goldilocks Zone) - được hiểu là khoảng không gian ngoài vũ trụ có điều kiện tốt nhất để tồn tại được sự sống giống như Trái Đất.

Chúng đều có nhiệt độ không quá nóng cũng không quá lạnh để có thể duy trì được nước ở trạng thái lỏng trên bề mặt, giúp cho sự sống có thể tồn tại.

Tất cả 8 hành tinh này đều ở rất xa chúng ta, như hành tinh Kepler-438b cách 470 năm ánh sáng và xa hơn là hành tinh Kepler-442b cách khoảng 1.100 năm ánh sáng.

 “Siêu Trái đất” Gliese 832c

Khoảng giữa tháng 6/2014, sau khi phân tích các dữ liệu được thu thập từ các đài quan sát thiên văn khác nhau trên thế giới, nhóm các nhà thiên văn học quốc tế của trường đại học New South Wales, Australia đã phát hiện ra một hành tinh anh em của Trái đất, được đặt tên là Gliese 832c.
trái đất
Hình ảnh mô phỏng hành tinh Gliese 832c (trái) so với Trái Đất (phải)
Các nhà khoa học cho biết hành tinh Gliese 832c này nằm trong vùng có thể tồn tại sự sống của ngôi sao mẹ Gliese 832.

Hành tinh này chỉ cách Trái đất 16 năm ánh sáng, được cho là hội tụ khá nhiều điều kiện giống với Trái đất như về nhiệt độ, sự thay đổi mùa hay khí quyền trên bề mặt.

Điều này khiến cho nó trở thành một trong 3 hành tinh giống và gần với Trái đất nhất trong danh mục những hành tinh có thể tồn tại sự sống ngoài vũ trụ lúc bấy giờ.

Kepler-186f - người họ hàng của Trái đất

Trước đó, ngày 17/4/2014, các nhà khoa học đã phát hiện ra hành tinh đầu tiên có bán kính tương tự bán kính Trái Đất và nằm trong khu vực có thể sống được của ngôi sao mẹ khác mặt trời.

Hành tinh này được đặt tên là Kepler-186f và cũng nằm trong vùng có thể tồn tại sự sống, duy trì được nước ở trạng thái lỏng, thích hợp cho sự sống phát triển.
trái đất
Hình ảnh mô phỏng hành tinh Kepler-186f 
Mặc dù vậy nhưng đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể chắc chắn được việc hành tinh này có sự sống bởi thành phần khí quyển trên bề mặt của nó vẫn đang là bí ẩn với chúng ta.

Khoảng cách của Kepler-186f đến Trái Đất quá xa (khoảng 500 năm ánh sáng và nằm trong chòm sao Cygnus), cho nên khí quyển của nó không thể được phân tích qua các kính thiên văn đương thời hoặc các thế hệ tiếp theo.

Vì vậy mà theo các nhà khoa học, Kepler-186f chỉ có thể coi là họ hàng của Trái Đất hơn là một Trái Đất thứ hai vì nó chỉ chứa đựng nhiều yếu tố giống với Trái Đất mà thôi.

Các "ứng cử viên" Gliese 581g, 581d và Gliese 667c

Một trong những ứng cử viên sáng giá có thể trở thành "anh em" với Trái đất được tìm thấy vào tháng 9/2010 là hành tinh Gliese 581g, được cho là nằm cách hệ Mặt trời khoảng 20 năm ánh sáng.
trái đất
Hình ảnh mô phỏng hành tinh Gliese 581g 
Hành tinh này lớn gấp 2-3 lần Trái Đất và quay xung quanh ngôi sao mẹ là sao lùn đỏ Gliese 581 với khoảng cách lý tưởng có thể giúp nước giữ được ở thể lỏng. Mỗi vòng quay quỹ đạo là khoảng 30 ngày hoặc lâu hơn.

Cho tới tháng 2/2012, nhóm chuyên gia tìm thấy Gliese 581g đã tìm thêm được hành tinh khác được đặt tên là Gliese 667Cc, nằm cách Trái đất 22 ánh sáng năm ánh sáng và xoay quanh hành tinh Gliese 667C, thuộc chòm sao Bọ cạp (Scorpius).

hành tinh mẹ Gliese 667C là một thành viên trong hệ hành tinh 3 ngôi sao, với sao mẹ là Gliese 667 nên sẽ có hai hành tinh khác cùng xoay quanh Gliese 667Cc.
Hình ảnh mô phỏng Gliese 667Cc (phải)
Viễn cảnh được nhìn từ bề mặt của hành tinh Gliese 667Cc 
Gliese 667Cc thì được mệnh danh là “siêu Trái đất” có lẽ là bởi kích thước của nó, bởi nó lớn hơn ít nhất 4,5 lần so với hành tinh của chúng ta và hoàn thành một vòng quay trong 28 ngày.


Các nhà khoa học cho rằng nước trên Gliese 667Cc khả năng cũng ở dạng lỏng như Gliese 581g và nhiệt độ bề mặt tương đương với nhiệt độ Trái đất.

Một ứng cử viên tiềm năng khác làm "anh họ" của Trái đất phải kể tới là hành tinh Gliese 581d, lớn hơn Trái đất khoảng 7 lần và có quỹ đạo xa hơn 1 chút so với hành tinh anh em của nó là Gliese 581g (cùng sao mẹ Gliese 581).
Hình ảnh mô phỏng hành tinh Gliese 581d 
Hành tinh này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2007, lúc đó nhiều nhà khoa học cho rằng nó quá lạnh để sự sống có khả năng tồn tại.

Tuy nhiên, trong những năm sau đó đã có nhiều nghiên cứu về mô hình khí quyển gợi ý rằng, hành tinh này hoàn toàn có thể ấm lên bởi quá trình tác động hiệu ứng nhà kính, từ đó mà sự sống ít nhiều vẫn có khả năng tồn tại được.

"Siêu Trái đất" Kepler-22b, Kepler-69c và hệ Kepler-62

Kính thiên văn Kepler của NASA đã phát hiện ra Kepler-22b từ lâu nhưng tới tháng 12/2011 mới chính thức công bố.
Hình ảnh mô phỏng hành tinh Kepler-22b 
Đây là một "siêu Trái đất" có bán kính gấp khoảng 2,4 lần bán kính Trái Đất và nếu Kepler-22b cũng bị tác động bởi hiệu ứng nhà kính giống Trái đất thì nhiệt độ bề mặt trung bình của nó sẽ là khoảng 22 độ C, các nhà nghiên cứu cho biết.

Kepler-22b cách hệ Mặt Trời khoảng 600 năm ánh sáng và quay quanh một ngôi sao rất giống Mặt trời của chúng ta. Hành tinh này đã mở đầu cho việc một loạt các hành tinh Kepler khác có khả năng tồn tại sự sống được công bố vào tháng 4/2013, gồm Kepler-69c, Kepler-62e và Kepler-62f.
Hình ảnh mô phỏng Kepler-62e 
Hình ảnh mô phỏng Kepler-62f 
Các hành tinh này đều có kích thước lớn hơn so với Trái đất và đến nay vẫn chưa thể xác định được cấu tạo và khí quyển trên bề mặt vì ở cách chúng ta những 200 năm ánh sáng).

Hình ảnh mô phỏng Kepler-69c 
Hành tinh Kepler-69c nằm trong hệ Kepler-69 và cũng nằm trong vùng có thể tồn tại sự sống, nhưng chưa ai khẳng định được sự sống có tồn tại được thật hay không bởi nó cũng cách Trái Đất những tận 2.700 năm ánh sáng, việc nghiên cứu được cấu tạo và khí quyển trên bề mặt của nó dường như là điều "không tưởng".

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn