• Zalo

Nghiên cứu sinh tại Australia: ‘Đề xuất tốt nghiệp THCS học lên cao đẳng khó khả thi’

Giáo dục Chủ Nhật, 25/11/2018 16:39:00 +07:00Google News

Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền, đề xuất học sinh tốt nghiệp THCS học thẳng lên cao đẳng khó khả thi khi cấu trúc giáo dục của Việt Nam còn chồng chéo và nhiều bất cập trong quản lý.

Đề xuất khó khả thi

Thay vì học xong THCS phải qua trung cấp rồi lên cao đẳng, ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong buổi thảo luận dự án Luật Giáo dục sửa đổi ngày 15/11 đã đề xuất cho học sinh "nhảy cóc" lên thẳng cao đẳng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục, thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA, Đại học Newcastle, Australia cho rằng, với hệ thống giáo dục chồng chéo như hiện nay, sẽ rất khó khăn khi Bộ GD-ĐT không tìm được tiếng nói chung với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong việc thiết kế hệ thống các trường trung học đa lĩnh vực.

Đề xuất của Thứ trưởng Lê Quân không mới, vì các Quốc gia phát triển khác đã áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, trong bối cảnh cấu trúc giáo dục Việt Nam còn chồng chéo, nhiều bất cập trong quản lý cũng như định hình các loại hình trường THPT sẽ khó khả thi.

14237658_235310176871106_3249111966790173350_n-2349275

  Nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền không ủng hộ đề xuất của Thứ trưởng Lê Quân.

Hiện nay, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp hay làm không đúng nghề được đào tạo, phải đào tạo lại cao. Nhiều thạc sỹ còn phải quay lại học nghề để có thể kiếm được việc làm, đó là bất cập của nền giáo dục hiện nay.

Không chỉ vậy, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên ở những vùng sâu vùng xa còn thiếu nhiều, có nơi lại dôi dư hoặc được tuyển dụng tràn lan... điều đó dẫn đến chất lượng giáo viên, đời sống giáo viên chưa được đảm bảo, chương trình giáo dục ở các cấp chậm đổi mới...

“Tôi không ủng hộ vì không có Quốc gia nào trên thế giới có cấu trúc hệ thống giáo dục cho học sinh tốt nghiệp THCS lên thẳng cao đẳng. Khi tốt nghiệp THCS là đang ở độ tuổi 15, giai đoạn này các em chưa hoàn thiện về mặt nhận thức cũng như sự phát triển về mặt tâm sinh lý. Vì vậy, ép các em vào một chương trình giáo dục nặng về nghề nghiệp chắc chắn hiệu quả giáo dục sẽ không cao”, ông Hiền nói.

Thực tế, khi tốt nghiệp THCS, các em chỉ mới có học vấn phổ thông ở trình độ cơ sở và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học THPT, trung cấp học nghề như mục tiêu của giáo dục THCS do Bộ giáo dục đề ra.

Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền, nếu đề xuất này được chấp thuận thì đồng nghĩa mục tiêu cũng như chương trình của giáo dục THCS phải xây dựng lại để tạo tính liên tục liên thông phù hợp với giai đoạn chuyển tiếp từ THCS lên cao đẳng. Đồng nghĩa với đó, chúng ta sẻ phải xoá bỏ hệ đào tạo trung cấp.

Đề xuất này không xuất phát từ cơ sở khoa học. Nghe qua có vẻ hợp lý khi tiết kiệm thời gian cho các em lại có thể nhận bằng cao đẳng, tuy nhiên, nếu được thực thi sẻ tạo ra sự mất cân đối về nguồn nhân lực.

le-quan-1-1931006-2350015

  Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) - Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội góp ý về phân luồng trong giáo dục.

Thống nhất giữa hai Bộ chủ quản

Ở Việt Nam, hiện nay đang có sự chồng chéo trong việc quản lý giữa hai hệ thống giáo dục nghề và giáo dục chung. Việc tách riêng hai hệ thống này khỏi một dòng chảy thống nhất khiến cho quá trình đào tạo giữa các cấp bậc và trình độ có nhiều bất cập, thiếu nhất quán trong quản lý và phân bổ nhân lực.

Cụ thể, hiện nay giáo dục chung hay giáo dục văn hoá, dòng chảy học thuật do Bộ GD&ĐT quản lý. Trong khi đó, giáo dục nghề do Tổng cục dạy nghề - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý. Vì vậy, khi học sinh tốt nghiệp THCS, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội muốn lôi kéo, thu hút học sinh về học nghề nên mới có kiến nghị cho học thẳng lên cao đẳng nghề.

“Thực tế, mô hình này nhiều nước đã thực hiện, nhằm đảm bảo tính liên thông và tránh lãng phí thời gian đào tạo của các em”, nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền khẳng định.

Hiện nay, sự phân luồng THCS thất bại không phải lỗi do các em hay phụ huynh mà chính là xã hội đang tồn tại một định kiến suốt hàng ngàn năm khi vẫn xem lao động tay chân là lao động thấp kém.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền đưa ra kiến nghị, cần thống nhất lại về mặt quản lý giữa giáo dục chung và giáo dục nghề giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT.

Ngoài ra, cần thiết kế lại hệ THPT. Cụ thể, xây dựng trung học phổ thông thành: trung học phổ (chuyên về văn hoá dành cho học sinh theo con đường học thuật nghiên cứu) và trung học nghề (bao gồm các lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp, kinh tế, kỹ thuật .. ).

Đối với trường nghề, không nên tồn tại hệ thống trường trung cấp nghề. Thay vào đó, có thể chuyển thành trung học nghề (như bậc THPT) hoặc sát nhập vào cao đẳng nghề.

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn