• Zalo

Nghịch lý: Hàng trăm chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, nhưng thiếu người thi

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 29/10/2020 08:20:17 +07:00Google News
(VTC News) -

Lương thấp, công việc áp lực, thường xuyên phải làm thêm giờ khiến nhiều sinh viên sư phạm mầm non ra trường chấp nhận làm trái ngành thay vì gắn bó với nghề.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết, tình trạng thiếu giáo viên hiện nay vẫn chưa được khắc phục. Một số tỉnh khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung có tỷ lệ giáo viên/lớp rất thấp. 

“Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW của Trung ương về việc tinh giản biên chế trong các cơ sở công lập, các địa phương hiện nay rất lúng túng đối với việc sắp xếp, tuyển dụng đội ngũ giáo viên đảm bảo nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên hợp đồng lao động triển khai rất chậm”, ông Nguyễn Bá Minh cho biết.

Nghịch lý: Hàng trăm chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, nhưng thiếu người thi - 1

Nhiều địa phương thiếu giáo viên mầm non. (Ảnh minh họa)

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, năm học 2019-2020, cả nước thiếu 45.242 giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, đây là số lượng còn thiếu năm học 2019-2020 sau khi đã được bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non. Đội ngũ thiếu dẫn đến áp lực nặng nề hơn đối với giáo viên đứng lớp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hạn chế trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

Việc tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương còn chậm, toàn ngành còn thiếu nhiều giáo viên mầm non tại các trường công lập, từ đó ảnh hưởng tới việc bố trí giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi, một số nơi bố trí chưa đảm bảo định mức theo quy định.

Thừa chỉ tiêu, thiếu giáo viên

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết, những năm gần đây, dù nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm tới giáo dục, trong đó có bậc học mầm non. Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương còn thiếu số lượng lớn giáo viên mầm non, đặc biệt là vùng khó khăn, vùng núi.

Ông Quốc cho hay: “Hiện nay Quảng Nam đang chuẩn bị tổ chức thi viên chức vào cuối tháng 10 và tháng 11 năm nay. Số lượng chỉ tiêu rất lớn, nhưng số thí sinh đăng ký nộp hồ sơ thi lại không đủ. Những huyện không phải vùng núi, vùng khó khăn cũng vẫn thiếu rất nhiều. Có nơi chỉ tiêu là 174, nhưng số hồ sơ nộp vào thi viên chức chỉ có 74 người.

Thực tế số lượng biên chế được giao so với nhu cầu thực tế đã khó, nhưng số người ứng tuyển vào viên chức giáo viên mầm non còn ít hơn nữa dẫn đến nhiều khó khăn”, ông Quốc cho biết.

Nghịch lý: Hàng trăm chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, nhưng thiếu người thi - 2

Lương thấp, công việc vất vả, nhiều sinh viên sư phạm mầm non ra trường chấp nhận "giấu bằng" để làm công nhân trong các khu công nghiệp. (Ảnh minh họa)

Bà Lương Thị Biển, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT Bắc Ninh cũng cho biết, hiện Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh chế độ cho các cô nuôi trong cơ sở giáo dục mầm non để thu hút thêm người lao động.

“Lương cho các cô nuôi hiện hay khoảng 4.190.000 đồng, với giáo viên là 4.500.000 đồng, sau khi trừ đi tiền đóng bảo hiểm, thì thu nhập của họ không thể đảm bảo cuộc sống. Có nhiều sinh viên có bằng sư phạm mầm non nhưng lại giấu bằng vào các khu công nghiệp làm công nhân để hưởng mức lương cao hơn. Làm tại đó, thấp nhất họ cũng đạt từ 7-8 triệu, có nhiều công ty lương cao trên 10 triệu mỗi tháng. Do đó, nhiều người chưa mặn mà với ngành giáo dục mầm non”, bà Biển cho biết.

Cũng theo bà Lương Thị Biển, dù chỉ tiêu giáo viên mầm non hợp đồng được giao toàn tỉnh Bắc Ninh là 2.000 chỉ tiêu, số này chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, song cũng mới chỉ tuyển được 1.000 chỉ tiêu, số còn lại vẫn bỏ ngỏ.

Thiếu hụt lượng lớn giáo viên mầm non đang ảnh hưởng trực tiếp tới định biên giáo viên đứng lớp. Khi đang triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, Bắc Ninh buộc phải ưu tiên cho các lớp 5 tuổi, đảm bảo 2 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, những lớp dưới 5 tuổi sẽ gặp khó khăn hơn, thiếu giáo viên.

Bà Biển cho hay, theo quy định của Thông tư 06 của Bộ GD-ĐT, số lượng giáo viên đứng lớp bậc nhà trẻ phải đảm bảo từ 2,25, mẫu giáo là 2,2 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, những lớp nhà trẻ, mẫu giáo dưới 5 tuổi tại Bắc Ninh chỉ đạt 1,3-1,5 cô/lớp.

Cần thay đổi chính sách tiền lương

Lý giải về những khó khăn trong tuyển dụng giáo viên mầm non, bà Lương Thị Biển, Trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT Bắc Ninh cho biết, giáo viên mầm non hiện nay hầu hết phải làm 10 tiếng/ngày. Các cô phải đến sớm để đón trẻ, kịp giờ cho phụ huynh đi làm. Đến trưa, tiếp tục phải trông cho các cháu ăn, ngủ. Tỷ lệ trẻ mầm non ăn bán trú tại Bắc Ninh đạt trên 90%, do đó, hầu hết giáo viên các trường phải làm việc thông trưa. Buổi chiều lại tiếp tục dạy.

“Đây là áp lực về mặt thời gian, cường độ công việc. Ngoài ra, các cô còn chịu thêm những áp lực về xã hội, mỗi khi có bất kỳ sự việc gì xảy ra tại các nhà trường, ngay lập tức xuất hiện trên mạng xã hội, đủ các bình luận trái chiều. Hơn thế, chế độ với giáo viên mầm non thấp, nên nhiều người sẵn sàng bỏ nghề vào các khu công nghiệp làm công nhân để hưởng mức lương cao hơn”, bà Biển ái ngại.

Nghịch lý: Hàng trăm chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, nhưng thiếu người thi - 3

 

Ông Hà Thanh Quốc cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non hiện nay vẫn chưa tạo được động lực, thu hút sinh viên ra trường tâm huyết, theo nghề. Công việc tại các trường mầm non, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa rất vất vả.

“Giáo viên vừa phải nuôi, phải trông, phải dạy các cháu, áp lực không chỉ đến từ công việc, mà còn bởi chính xã hội. Điều kiện cơ sở vật chất, tinh thần cho giáo viên nhiều vùng còn rất khó khăn, có cải thiện nhưng vẫn chưa thu hút được những người trẻ theo nghề sư phạm”, ông Quốc nói.

Cũng theo ông Hà Thanh Quốc, Luật giáo dục mới cũng quy định chuẩn trình độ với giáo viên mầm non là cao đẳng. Trong khi đó, trước đây, có nhiều giáo viên đã công tác lâu năm trong nghề, nhưng lại chỉ có bằng trung cấp, dẫn đến khi có đợt thi tuyển viên chức, các cô không đủ điều kiện ứng tuyển.

Không chỉ khối mầm non công lập gặp khó khăn, ông Quốc cho biết, hiện một số nơi tại Quảng Nam đã có trường tư thục, tuy nhiên, điều kiện của đa phần phụ huynh lại chưa thể đáp ứng những chi phí cho con theo học tại nhóm trường này. Do đó, áp lực vẫn dồn lên các trường công lập, việc thực hiện xã hội hóa giáo dục mầm non còn gặp nhiều khó khăn tại các vùng nông thôn.

Để giải quyết những vướng mắc trên, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho rằng, cần những chính sách mang tính vĩ mô như tiền lương, biên chế, hỗ trợ giáo viên...

“Địa phương rất khó để giải quyết những việc này, cần cân đối tính toán giữa các vùng miền để có chính sách tiền lương cho phù hợp. Mức lương cho giáo viên cũng không nên cào bằng, đổ đồng, mà tùy vùng miền, thị trấn, trung du, miền núi có các mức khác nhau. Những người đã công tác tại các vùng núi, vùng khó khăn trên 5 năm, tiếp tục ở lại cống hiến cũng cần có hỗ trợ tiền lương để khuyến khích”, ông Quốc đề xuất.

Ông Hà Thanh Quốc cũng cho rằng, việc nâng cao điều kiện cơ sở vật chất các trường mầm non, các khu nhà nội trú cho giáo viên tại các khu vực miền núi cũng là giải pháp giúp thu hút thêm giáo viên mầm non gắn bó với nghề.

Ngoài ra, cũng cần dành thêm ngân sách đầu tư cho tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cập nhật những phương pháp giảng dạy mới để họ tự nâng cao khả năng, trình độ, tạo việc làm bền vững cho những giáo viên mầm non.

Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam nhấn mạnh rằng, bậc mầm non là gốc là các bậc học khác, do đó cần có sự đầu tư, quan tâm đúng mức, không nên chỉ tập trung vào các bậc học phổ thông, đại học.

Nguyễn Trang/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn