Những người chở hàng trên phố La Thành (Hà Nội) vốn được mệnh danh là những xe ôm VIP bởi hầu hết thu nhập của họ đều ổn định ở mức 10 triệu - 12 triệu đồng/tháng. Họ làm nghề chuyên chở đồ cho các cửa hàng gỗ tại đây.
Mức thu nhập cao ngất với một vị trí lao động chân tay được rất nhiều người mơ ước nhưng không phải ai cũng dễ dàng làm được nghề đó. Họ phải tạo được lòng tin thì mới được chủ tin tưởng giao cho chở hàng.
Gian nan thử thách lòng tin
Vào vai một đôi vợ chồng sắp cưới đi mua giường và tủ, chúng tôi vào cửa hàng V.D (số 1084, đường La Thành) để chọn đồ. Người chủ hàng niềm nở giới thiệu cho chúng tôi nghe về các mặt hàng. Khi đã ưng ý với chiếc tủ 5 ngăn, chúng tôi thắc mắc làm thế nào để chuyển được món đồ cồng kềnh này về căn phòng trên tầng 5, người phụ nữ bán hàng trấn an bằng cách chỉ về người đàn ông có nước da ngăm đen đang đứng gần chiếc xe dream.
Chị nói: "Đây là xe ôm riêng của cửa hàng, chú ấy sẽ chuyển đồ về, lắp ráp và thu số tiền còn lại. Em chỉ cần đặt cọc 500.000 đồng; 4,5 triệu đồng còn lại em giao cho chú ấy; đảm bảo tủ về đúng vị trí, lắp ráp đẹp đẽ".Chủ cửa hàng V.D đang xếp hàng để xe ôm chở đến cho khách
Khi chúng tôi thắc mắc, chỉ là xe ôm thì sao chủ có thể tin tưởng giao họ đi lấy tiền về, người phụ nữ này khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Có những đơn hàng 20-30 triệu đồng, tôi vẫn để xe ôm đi lấy, chứ vài ba triệu bạc là bình thường. Họ làm cho mình cả chục năm nay, cũng đã trải qua những thử thách rồi nên chắc chắn không có chuyện bùng tiền đâu".
Tò mò cái gọi là "thử thách" mà người phụ nữ này nói tới, chúng tôi lân la hỏi thêm thì được chị cho biết: "Việc làm ăn liên quan đến tiền nong nên phải rất cẩn trọng. Điều tiên quyết để được nhận làm xe ôm cho mỗi cửa hàng gỗ là phải có sự quen biết hoặc qua giới thiệu của những người thân tín. Tiếp đó, người đàn ông đi xe ôm đó phải có sức khỏe, biết nghề mộc và tính tình cẩn trọng, chịu khó. Nhiều chủ hàng cẩn thận, trước khi nhận người còn đi xem tuổi, tướng cho xe ôm để xem họ có đáng tin cậy và hợp duyên làm ăn với mình hay không".
Nói về các chiêu để thử lòng tin, chủ cửa hàng đồ gỗ H.K (địa chỉ 1128, đường La Thành) cho hay, nếu thấy người giới thiệu chưa đủ tin tưởng, nhiều cửa hàng còn yêu cầu xe ôm giao sổ hộ khẩu hoặc chứng minh thư để họ làm tin. Hoặc có thể họ thử nhân viên đúng theo kiểu buôn bán bằng cách cố tình để tiền hớ hênh xem độ trung thực của những người xe ôm đến đâu. Ngoài những cách đó, chiêu quan trọng nhất vẫn là trả công cho họ hậu hĩnh để họ không thấy rằng vì cái lợi trước mắt mà đánh đổi cả cơ hội việc làm rất tốt của mình.
Nói về công trả cho mỗi chuyến đi, anh Nguyễn Văn N. (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tiết lộ: “Thông thường, chở một cái tủ hoặc cái giường có giá khoảng 3 triệu đồng, xe ôm được trả công 100-200.000 đồng/chuyến. Tùy theo đoạn đường xa gần và mức độ lắp ráp đồ đạc mà số tiền có thể tăng hơn. Mỗi ngày, cửa hàng bán được nhiều thì xe ôm càng nhiều việc. Ít nhất một ngày một cửa hàng phải bán được 3-4 mặt hàng. Ngày tết hoặc vào mùa cao điểm cưới hỏi, hàng bán được tăng, thiếu người chở, thậm chí chúng tôi còn được trả gấp rưỡi công”.
Góp thêm vào thông tin thu nhập tốt của những người chở hàng ở đây, anh Nguyễn Văn Kiên (35 tuổi, quê ở Thanh Hóa, làm nghề thợ mộc trên phố La Thành) cho hay: "Ở đây xe ôm nào làm tốt thu nhập cũng phải 15 triệu đồng/tháng. Còn ai làm bình quân cũng được 8-10 triệu đồng/tháng. Tiền chạy xe ôm, tiền chở hàng, tiền bo của chủ hàng và khách… tổng lại cũng phải tới con số đó đấy. Tôi không có sức khỏe nên đành phải ngồi dưới hầm làm mộc, lương tháng cũng chỉ được 5 triệu đồng/tháng".
Chở hàng là cả một "nghệ thuật"
Với mức lương, tiền công tính cho từng chuyến chở, "tiền bo" của khách hàng, không quá để nói rằng thu nhập của họ lên tới cả chục triệu đồng một tháng. Chia sẻ với PV, ông Trần Văn Sơn (52 tuổi, quê ở Xuân Trường, Nam Định), một xe ôm chở hàng mới giải nghệ nhớ lại: "Khoảng hơn chục năm trước, khi Hà Nội cấm xích lô, người ta buộc phải xoay sang chở hàng hóa bằng xe máy. Lúc ấy, tôi chuyên chở xích lô ở cổng đài truyền hình, được vợ chồng một nhà buôn gỗ gần đó giới thiệu, tôi quay sang đi chở đồ gỗ”.
Ông Sơn cho biết: “Đầu những năm 2000, tính cả công và tiền bo, mỗi tháng ăn tiêu đi, tôi còn gửi về quê cho vợ 6 triệu đồng để nuôi con nhỏ. Tiền nhiều nhưng không phải dễ làm đâu cô ạ. Không khéo léo mà làm hỏng đồ của người ta là mình phải đền tiền như chơi. Việc chằng buộc giường tủ, bàn ghế… lên xe ra sao để vừa không sứt sẹo sản phẩm, vừa chở xe an toàn cũng là cả một "nghệ thuật" đấy”.Những người chở hàng cũng phải là những tay cua điêu luyện để tránh gây nguy hiểm cho người đi đường
“Có lần, tôi chở một cái tủ trang điểm đến cho cặp vợ chồng sắp cưới ở Long Biên. Tủ đó là tủ liền không thể tháo ra được mà lại phải chuyển lên tầng 4. Tôi bắt buộc phải dùng ròng rọc, gọi thêm vài anh em đến phối hợp thì mới chuyển được tủ lên. Mình làm cẩn thận, được ý người ta nên họ thưởng 300.000 đồng. Với những món hàng lớn hơn, làm vừa ý khách thì họ thưởng cũng rất hậu hĩnh", ông Sơn nói.
Tuy công việc làm ăn thuận lợi, thu nhập tốt nhưng ông Sơn cũng buộc phải giải nghệ khi bước sang tuổi 50 bởi sức khỏe giảm sút, không còn sức để bê lao vun vút trên đường hay bê phăng phăng giường, tủ lên tầng hai, tầng ba. Cách đây vài năm, ông chuyển sang chở khách đơn thuần, người chủ cũ vẫn thường xuyên gọi nhờ chuyển đồ nhưng ông không dám nhận.
Cũng theo ông Sơn, trước đây, muốn gia nhập vào đội ngũ làm ăn trên phố này, người mới vào khi nào cũng phải chịu đôi chút thiệt thòi. Không chỉ được nhận ít tiền công của chủ vì đi kèm học việc cùng người cũ, họ còn phải trích tiền "bồi dưỡng" cho đàn anh đã dẫn dắt mình vào làm ở đó. Có những trường hợp, thu nhập vài tháng đầu chỉ bằng 1/3 thu nhập của người đã làm lâu dài, nhưng nghĩ đến cơ hội lâu dài, nhiều người vẫn chịu thua thiệt để được lọt vào danh sách xe ôm thân tín, phục vụ lâu dài cho cửa hàng.
Theo Hồng Dương (Người đưa tin)
Bình luận