Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển (FMCR) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, triển khai tại 8 tỉnh, thành phố ven biển gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Dự án gồm các phần chính là trồng, phục hồi rừng và quản lý bảo vệ rừng; xây dựng các công trình chống sạt lở, gây bồi, tạo bãi trồng rừng; nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và tiếp thị hàng hóa; đầu tư công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Đặc biệt, nhờ phương thức triển khai dự án với định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững dựa vào cộng đồng, vì vậy công tác trồng rừng của dự án chủ yếu sử dụng lao động trong cộng đồng địa phương để thực hiện. Cuộc sống của người dân tại các vùng dự án nhờ đó được cải thiện rõ rệt.

Rừng cây phủ xanh trên núi đồi ở Nghệ An nhờ có dự án FMCR
Dự án FMCR tại tỉnh Nghệ An thực hiện trên địa bàn 38 xã và 1 Ban Quản lý rừng phòng hộ thuộc 5 huyện/thị ven biển gồm TP Vinh, Thị xã Hoàng Mai và các huyện Nghi Lộc, Diễn châu và Quỳnh Lưu. Với diện tích thực hiện là 5.429,10 ha, trong đó giao khoán bảo vệ rừng: 5.388,39 ha; trồngrừng và chăm sóc 40,71 ha.
Tăng được diện tích bao phủ rừng phòng hộ ven biển trên những vùng đất trước khi có rừng là đất mặt nước hằng năm thường chịu tác động của mưa bão, lũ lụt, sóng biển gây xâm thực, sạt lở ven biển, ven phá. Đất trên cát ven biển thường xuyên xảy ra hiện tượng cát bay và đất rừng nghèo trên núi ven biển về mùa mưa thường gây ra hiện tượng sạt lở đất nghiêm trọng.
Sau 2 năm trồng rừng, bước đầu hạn chế được sóng, gió, sạt lỡ ven biển, hạn chế được hiện tượng cát bay. Góp phần khôi phục lại cảnh quan, sinh cảnh tạo chỗ trú ngụ cho các loài tôm, cá, chim, cò... các loài về ngày một nhiều hơn, bảo vệ các hồ nuôi trồng thủy sản và các vùng dân cư bên trong, tạo ra một vành đai phòng hộ ngoài phá. Tương lai sau khi thành rừng sẽ góp phần chống bão lũ, hạn hán, điều hòa khí hậu khu vực, giảm thiểu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả sử dụng đất và độ che phủ của rừng, hạn chế xói mòn, thiên tai. Đồng thời tạo một điểm nhấn tham quan du lịch tại địa phương.
Người dân địa phương được tham gia trồng rừng của dự án. Gần 300 người trực tiếp trồng rừng, được hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật trồng rừng, họ hiểu hơn về lợi ích, tầm quan trọng của những cánh rừng mang lại. Nhờ đó việc săn bắt trong khu vực trồng rừng cũng hạn chế, người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng và động thực vật sống trong rừng. Người dân vừa tích cực bảo vệ rừng trồng và tham gia phòng cháy chữa cháy rừng, đặc biệt là trong mùa nắng nóng.

Một dự án trồng rừng thuộc Dự án FMCR khi mới triển khai
Hiệu quả khi dự án trồng rừng của Dự án FMCR được triển khai
Cụ thể nhất là công tác trồng rừng trên núi tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) năm 2021. Trước khi trồng rừng, những nơi này là khoảng đồi trọc có nhiều khối đá lớn nhỏ gần khu vực dân sinh sống nên vào mùa mưa bão thường xuyên bị sạt lở dẫn đến đất đá từ trên đồi rơi xuống đường đi lại, rất nguy hiểm. Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc đã phối hợp với chính quyền địa phương và người dân tiến hành trồng rừng.
Tuy nhiên do hạn chế về mặt kỹ thuật cũng như thiếu sự đầu tư về cây giống và vật tư nên việc trồng rừng trước đây đều không đem lại hiệu quả cao.
Sau khi hồ sơ thiết kế dự toán được phê duyệt, Ban Quản lý dự án FMCR tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc, UBND xã Nghi Tiến kí hợp đồng thỏa thuận trồng rừng với nhóm cộng đồng trồng 3,87 ha rừng phi lao thuộc khu vực nói trên. Đồng thời tiến hành tập huấn kỹ thuật kỹ lưỡng, cung ứng vật tư, cây giống đảm bảo chất lượng và lựa chọn thời điểm trồng phù hợp. Song song đó, cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý dự án FMCR thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nhóm cộng đồng việc chăm sóc, bảo vệ.
Đến thời điểm này diện tích rừng trồng cây phi lao đã phát triển rất tốt, chiều cao trung bình trên 2m chỉ sau hơn 2 năm trồng, đã bắt đầu đem lại hiệu quả với việc bắt đầu khép tán và bộ rễ đã phát triển. Rừng trồng cây phi lao góp phần cải thiện môi trường sinh thái, hạn chế tình trạng sạt lở đất đá từ trên trên đồi rơi xuống khu vực dân cư.
Dự án FMCR được chính quyền và người dân địa phương đón nhận rất tích cực. Nhiều người dân chia sẻ niềm vui, sự phấn khởi khi có rừng phi lao.
Ngoài việc trồng thành công diện tích rừng nói trên thì cùng với việc tập huấn kỹ thuật và sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ kỹ thuật Ban QLDA trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng hiện người dân tiếp tục trồng ra các diện tích khác ngoài phạm vi của dự án.
Bình luận