• Zalo

'Ngành y tế Hà Nội đã quá tải, không thể quản lý thêm các bệnh viện trung ương'

Tin tức Thứ Bảy, 05/08/2023 15:58:48 +07:00Google News
(VTC News) -

Nghị quyết 19 của Trung ương định hướng đúng, đặc biệt về phát triển lĩnh vực y tế, nhưng việc triển khai nghị quyết vào thực tiễn lại là vấn đề cần quan tâm.

Việc tham khảo mô hình quản lý các đơn vị sự nghiệp y tế của các nước là cần thiết, nhưng phải áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam về địa lý, xã hội cũng như quy mô dân số, mô hình bệnh tật.

Di dời các bệnh viện lớn ra khỏi nội đô là hợp lý, còn việc chuyển các bệnh viện tuyến trung ương về Hà Nội quản lý theo địa bàn cần phải tham khảo Luật khám, chữa bệnh. Trong đó, luật và quy chế tổ chức hoạt động đã quy định chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện tuyến trung ương.

Vai trò của tuyến và hạng bệnh viện rất quan trọng, tất nhiên không ảnh hưởng đến tiếp cận dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh của nhân dân.

PGS.TS.BSCC Vũ Xuân Phú - Phó giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Phó trưởng ban điều hành chương trình chống lao quốc gia.

PGS.TS.BSCC Vũ Xuân Phú - Phó giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Phó trưởng ban điều hành chương trình chống lao quốc gia.

Về tổ chức mạng lưới, hầu hết chuyên khoa đều có bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh, như chuyên khoa phổi - hô hấp gồm 49 bệnh viện tuyến tỉnh, 3 bệnh viện tuyến trung ương.

Hà Nội cũng có các bệnh viện chuyên khoa: phổi, da liễu, tim mạch, sản phụ khoa như ở tuyến trung ương. Thế nhưng, bệnh viện đa khoa tuyến trung ương gồm các chuyên khoa mũi nhọn đẳng cấp vượt bậc, như Bệnh viện E có can thiệp tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai có hồi sức cấp cứu, chống độc.

Với hệ thống địa lý, quy mô dân số của Việt Nam, mô hình tổ chức hoạt động của các bệnh viện tuyến trung ương như hiện nay là phù hợp. Nên chăng, nghiên cứu thành lập các trung tâm y tế chuyên sâu, khu vực.

Bệnh viện tuyến trung ương ngoài khám, chữa bệnh còn chức năng tham mưu cho Bộ Y tế về xây dựng phát triển ngành, danh mục kỹ thuật theo chuyên khoa áp dụng cho cả hệ thống. Các bệnh viện này cũng tham mưu, xây dựng cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế; nghiên cứu khoa học, ứng dụng KH&CN, chỉ đạo tuyến, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, triển khai các kỹ thuật mới xuống đến bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố.

Các bệnh viện cũng có nhiệm vụ hợp tác quốc tế. Điều này chỉ bệnh viện chuyên khoa đầu ngành mới đủ vai trò, vị thế và thẩm quyền để kêu gọi nguồn lực, hợp tác quốc tế, trao đổi và tiếp nhận những thành tựu khoa học, nguồn lực cho chuyên khoa, chương trình quốc gia. Chỉ các bệnh viện trung ương mới đủ thẩm quyền, khả năng chuyên sâu để rà soát, tham mưu, trình hoặc phê duyệt các đề tài hợp tác theo chuyên ngành.

Ngoài ra, Bộ Y tế, bệnh viện trung ương còn có nhiệm vụ, khả năng huy động và hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới trong phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, nhóm A, như giai đoạn dịch COVID-19.

Thủ đô Hà Nội cũng nhận được sự hỗ trợ như vậy ngay trong cả phòng chống dịch và tổ chức tiêm chủng. Nếu bệnh viện trung ương thuộc Hà Nội thì khó có thể điều hành, huy động tổng lực để phòng, chống dịch nhóm A trên phạm vi rộng như khi đại dịch COVID-19 xảy ra được.

Nhiều bệnh viện chuyên khoa phục vụ cả khám chữa bệnh và điều hành các chương trình quốc gia như Bệnh viện Phổi Trung ương, phải đủ vị thế, vai trò để điều hành chương trình quốc gia, kêu gọi và thực hiện các chương trình quốc gia như chương trình quốc gia phòng chống lao.

Nếu chuyển các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý, thì Sở Y tế Hà Nội khó quản lý được về số lượng và quy mô các bệnh viện lớn. Trong khi Sở còn nhiều nhiệm vụ quản lý nhà nước khác về y tế công và y tế tư nhân trên địa bàn.

Sở Y tế Hà Nội đang quản lý các cơ sở y tế tuyến huyện, 42 bệnh viện công, vài chục bệnh viện tư, hàng ngàn phòng khám, nhà thuốc tư nhân đã là quá tải, nay còn quản lý thêm gần 40 bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn thì làm sao đảm nhiệm nổi?

Chưa kể, việc mua sắm đấu thầu tập trung, thì làm sao Sở Y tế Hà Nội có thể lo cho các các bệnh viện tuyến trung ương được nếu các bệnh viện tuyến trung ương thuộc Hà Nội quản lý.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội làm sao phê duyệt hết các đề tài, chương trình của các bệnh viện tuyến trung ương mà lãnh đạo các bệnh viện hầu hết là các chuyên gia đầu ngành, có uy tín không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế?

PGS.TS Vũ Xuân Phú (Phó giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương)
Bình luận
vtcnews.vn