Tối 15/11, tại Aeon Mall Hà Đông diễn ra buổi trải nghiệm ngắm siêu trăng cuối cùng của năm 2024 qua kính viễn vọng. Sự kiện thu hút đông đảo các bạn nhỏ và phụ huynh tham gia.
Theo anh Cao Quý, đại diện đơn vị tổ chức, siêu trăng tối 15/11 còn gọi là trăng hải ly, vì đây là thời điểm mà người dân Bắc Mỹ truyền thống cho rằng loài hải ly bắt đầu chuẩn bị cho mùa đông bằng cách xây dựng đập và kiếm ăn.
Anh Quý cho biết, siêu trăng lần này có độ sáng hơn trăng micro (khi trăng ở vị trí xa Trái đất) khoảng 30% và lớn hơn 12%. Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), khoảng cách giữa Mặt trăng và Trái đất trong lần siêu trăng này là 361.866 km, gần hơn khoảng 22.534 km so với khoảng cách trung bình.
Thời điểm siêu trăng đạt đỉnh lần này là khoảng 2-3h sáng 16/11 giờ Việt Nam. Kết hợp với thời tiết khá đẹp, quang mây tại Hà Nội và các tỉnh miền b/Bắc trong thời gian này, việc quan sát trở nên rất dễ dàng. Các bạn nhỏ thích thú quan sát Mặt trăng qua kính viễn vọng có tiêu cự 750 mm, cho độ phóng đại 35 lần so với nhìn bằng mắt thường.
Góc nhìn thực tế từ kính thiên văn. Do quang sai khi chụp qua camera điện thoại, hình ảnh sẽ có chất lượng kém hơn những gì nhìn bằng mắt thường. Theo anh Trương Ngọc Khánh, người sáng lập Hội thiên văn Hà Nội (HAS), sở dĩ người Trung Quốc có truyền thuyết thỏ ngọc trên cung trăng là bởi liên tưởng về những mảng sáng, tối trên Mặt trăng khi nhìn từ một góc nhất định.
Tuy nhiên, cha ông ta khi xưa có góc nhìn ngược lại 180 độ và liên tưởng đến hình ảnh chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa, với tán cây đa lớn phủ bên trên. Hình ảnh được chụp với tiêu cự tương đương 150 mm và phóng to, độ chi tiết không thể bằng các loại kính thiên văn chuyên dụng.
Còn đây là hình ảnh do anh Khánh cung cấp với độ chi tiết rất cao, được chụp bằng kính thiên văn chuyên dụng có tiêu cự khoảng 2.700 mm. Siêu trăng đạt đỉnh vào đêm 15/11 và rạng sáng 16/11, nhưng người quan sát vẫn có thể thấy trăng tròn vào tối các ngày 14 và 16/11.
Theo chuyên gia, sở dĩ có siêu trăng là vì quỹ đạo của Mặt trăng xung quanh Trái đất không hoàn toàn tròn mà có hình elip do đó, khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng thay đổi theo từng thời điểm khác nhau. Khi Mặt trăng đến điểm gần Trái đất nhất trong quỹ đạo của nó làm cho kích thước biểu kiến của nó to hơn bình thường, đồng thời vào ngày trăng tròn, ta có hiện tượng siêu trăng.
Ngoài ra, do sự kết hợp và tương tác phức tạp của chu kỳ quỹ đạo Mặt Trăng, chu kỳ Trăng tròn và các yếu tố thiên văn học khác ảnh hưởng đến các lần xuất hiện siêu trăng. Điều này có thể giải thích tại sao có những năm siêu trăng xuất hiện trong nhiều tháng liên tiếp như năm nay, hoặc đôi khi không xuất hiện trong thời gian dài.
Ngoài các bạn nhỏ, nhiều vị phụ huynh cũng tỏ ra thích thú khi lần đầu được nhìn Mặt trăng lớn như vậy. Một phụ huynh hào hứng cho biết chị không ngờ bề mặt Mặt trăng lại có nhiều chi tiết như thế.
Theo anh Quý, bề mặt Mặt trăng không có gió, nước hay các yếu tố khí quyển khác như trên Trái đất, vì vậy các vết tích như hố va chạm, miệng núi lửa và các đặc điểm địa hình khác sẽ không bị bào mòn hay thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, những vết tích này vẫn có thể bị thay đổi hoặc biến mất do các sự kiện như va chạm với thiên thạch lớn.
Bình luận