• Zalo

Mỹ đẩy Nga vào thế buộc phải hành động để tự vệ

Thế giới Thứ Ba, 23/10/2018 11:27:00 +07:00Google News

Việc Mỹ phá vỡ Hiệp ước về loại bỏ vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung (INF) sẽ buộc Nga phải thực hiện các biện pháp đáp trả để đảm bảo an ninh, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Để đáp trả việc Mỹ rút khỏi INF, Nga buộc phải sử dụng các biện pháp nhằm khôi phục cân bằng quân sự, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời phóng viên ngày 22/10.

“Mỹ phá vỡ hiệp ước INF buộc Nga phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh của mình” – ông Peskov nói, đồng thời lưu ý rằng sẽ không có gì phải nghi ngờ nếu trong tương lai gần Washington bắt đầu phát triển những hệ thống vũ khí từng bị hiệp ước cấm.

''Nếu Mỹ phát triển các hệ thống vũ khí này, muốn tạo ra khoảng cách với các nước khác, thì việc Nga buộc phải tạo ra thế cân bằng trong lĩnh vực này là cần thiết. Tổng thống Putin cũng đang cân nhắc về điều này'', người phát ngôn Điện Kremlin cho biết. 

russia-1

 Nga buộc phải đáp trả nếu Mỹ rút khỏi INF nhằm tạo ra thế cân bằng quân sự. (Ảnh: Tass)

Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh Mỹ đang vi phạm hiệp ước, trong khi Nga vẫn tuân thủ thực hiện đầy đủ. “Tổng thống Putin trong nhiều lần đã phủ nhận tất cả cáo buộc của Mỹ chống lại Nga về việc vi phạm INF” – ông nói.

Ngày 20/10, Tổng thống Trump nói Washington sẽ rút khỏi INF vì Nga vi phạm thỏa thuận.

Ông Zhao Tong, chuyên gia an ninh hạt nhân thuộc Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie – Tsinghua cho rằng quyết định của Tổng thống Trump sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới với sự tham gia của các quốc gia khác ngoài Nga và Mỹ. 

"Quyết định này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng chế độ kiểm soát vũ khí hiện tại, vốn đã tồn tại một cách èo uột ngay từ những ngày đầu", ông này cho hay. 

Theo ông Zhao, việc Mỹ rút khỏi INF sẽ khiến các nước khác quan tâm hơn đến việc phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, cũng như tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng giữa các cường quốc.

Video: Ông Trump tuyên bố có thể thắng đấm bốc với ông Putin

Hiệp định vũ khí hạt nhân tầm trung INF được Liên Xô và Mỹ ký tháng 12/1987 tại Washington, DC và có hiệu lực ngày 1/6/1988. Hiệp định INF đã giúp loại bỏ các tên lửa tầm trung và tấm ngắn phóng từ mặt đất, theo Tass.

Năm 2014, Mỹ buộc tội Nga phát triển tên lửa có tầm hoạt động 500-5.500 km (nằm trong khoảng bị cấm). Truyền thông Mỹ đưa tin các tên lửa được gọi là 9M729 (NATO báo cáo là SSC-8). Từ đó Mỹ lặp lại cáo buộc hơn một lần, trong khi Nga liên tục phủ nhận và phản bác lại khi nói Mỹ đã vi phạm thỏa thuận.

Matxcơva buộc tội Washington phát triển tên lửa và thử nghiệm tại phạm vi bị cấm và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa – hệ thống có thể dùng để phóng tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn