• Zalo

Nền kinh tế u ám ở khu vực 'người con cả của Trung Quốc'

Tư liệuChủ Nhật, 22/09/2024 07:31:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Vùng Đông Bắc Trung Quốc từng là khu công nghiệp hóa hàng đầu nước này nhưng dần mất động lực tăng trưởng từ sau những năm 1990.

Vùng Đông Bắc Trung Quốc chủ yếu bao gồm ba tỉnh: Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang. Khu vực này chỉ chiếm 15,3% lãnh thổ của Trung Quốc nhưng sản xuất hơn 1/4 tổng lượng thực phẩm của quốc gia.

Quan trọng hơn, cho đến năm 1990, khu vực này vẫn duy trì vị thế là căn cứ công nghiệp hóa nhất Trung Quốc. Đây là nơi sản sinh ra chiếc ô tô đầu tiên, tàu chở hàng đầu tiên trên biển và máy bay đầu tiên của Trung Quốc, mang lại cho nơi này biệt danh "người con cả của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".

Nhà máy của Tập đoàn Sắt thép Tonghua ở quận Nhị Đạo Giang, thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)

Nhà máy của Tập đoàn Sắt thép Tonghua ở quận Nhị Đạo Giang, thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)

Mất đà tăng trưởng

Thật không may, sau những năm 1990, khu vực này mất đi động lực phát triển. Theo Cục Thống kê Trung Quốc, GDP bình quân đầu người của tỉnh Liêu Ninh đứng thứ 4 vào năm 1990 nhưng tụt xuống thứ 19 vào năm 2023, thứ hạng của tỉnh Cát Lâm tụt từ thứ 11 xuống thứ 27, và thứ hạng của tỉnh Hắc Long Giang tụt từ thứ 8 xuống thứ 30 (trở thành nơi nghèo thứ hai trong tất cả 31 khu vực cấp tỉnh ở Trung Quốc đại lục).

Có một số yếu tố đã góp phần vào sự suy giảm của khu vực này. Đầu tiên, có sự dịch chuyển cơ cấu từ các ngành công nghiệp nặng truyền thống (như máy móc) sang các ngành công nghiệp nhẹ (như dệt may), đặc biệt là sau khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001.

Xu hướng này phù hợp với lý thuyết về lợi thế so sánh trong thương mại quốc tế: thương mại tự do hơn dẫn đến sự dịch chuyển từ các ngành công nghiệp thâm dụng vốn (tức là các ngành công nghiệp nặng) sang các ngành công nghiệp thâm dụng lao động (tức là các ngành công nghiệp nhẹ).

Chẳng hạn, vào năm 2023, sau nhiều năm điều chỉnh, ba ngành công nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất của Liêu Ninh là ngành hóa dầu, thiết bị và luyện kim, lần lượt chỉ chiếm chiếm 32,4%, 28,8% và 14,3% tổng giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất của tỉnh này. Hơn nữa, việc thắt chặt các quy định về môi trường cũng đã làm trầm trọng thêm sự suy giảm của các ngành công nghiệp nặng.

Thứ hai, sự hiện diện đáng kể của các doanh nghiệp nhà nước cản trở các cải cách thị trường. Là khu vực công nghiệp quan trọng nhất của Trung Quốc sau năm 1949, Đông Bắc Trung Quốc nhận được sự đầu tư và xây dựng một quy mô vốn nhà nước lớn hơn nhiều so với các khu vực khác trong cả nước, do đó hưởng lợi đáng kể từ sự phát triển của nền kinh tế nhà nước.

Theo nghiên cứu của tạp chí Manager, vào năm 2001, vốn doanh nghiệp nhà nước chiếm lần lượt 78,2%, 86,2% và 87,2% tổng vốn ở Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang. Trong khi đó, mức trung bình của cả nước là 53%.

Tuy nhiên, khi các khu vực khác của Trung Quốc bắt đầu hưởng lợi từ các cải cách theo định hướng thị trường từ năm 1978, thì vùng Đông Bắc lại bị mắc kẹt bởi vấn đề phụ thuộc lộ trình, khiến việc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường ở đây khó khăn hơn rất nhiều.

Thứ ba, dân số già hóa dẫn đến sự bốc hơi sớm hơn của lợi tức nhân khẩu học. Đông Bắc Trung Quốc là khu vực đầu tiên ở Trung Quốc gặp phải vấn đề già hóa dân số.

Theo niên giám thống kê của tỉnh năm 2020, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên ở Liêu Ninh là 17,42%, cao nhất Trung Quốc; cả Hắc Long Giang và Cát Lâm đều có tỷ lệ là 15,61%, cao thứ sáu cả nước. Tỷ lệ người cao tuổi tương đối lớn chắc chắn sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong cung và cầu tài nguyên công.

Sự cạn kiệt dần dần của các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và than đá cũng dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng của các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên. Thành phố dầu mỏ nổi tiếng Đại Khánh và thành phố than đá Hạc Cương đều ở tỉnh Hắc Long Giang, nằm trong số các thành phố đang thu hẹp nhanh chóng ở Đông Bắc Trung Quốc do tài nguyên cạn kiệt.

Những chiếc xe BMW mới sản xuất tại một nhà máy ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Những chiếc xe BMW mới sản xuất tại một nhà máy ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Cơ hội từ nền kinh tế số và BRI

Tuy nhiên, tương lai khu vực Đông Bắc Trung Quốc có thể không quá ảm đạm. Đầu tiên, dữ liệu cho thấy Liêu Ninh và Cát Lâm chứng kiến ​​tỷ lệ nhập cư ròng vào năm 2023 sau một thập kỷ di cư ròng, cho thấy người dân bắt đầu bị thu hút bởi các cơ hội trong khu vực này.

Thứ hai, quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang nền kinh tế số mang lại tiềm năng đáng kể cho khu vực. Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc cơ giới hóa đất nông nghiệp có thể dễ dàng áp dụng các công nghệ số mới trong sản xuất, chẳng hạn như công nghệ nông nghiệp thông minh và Internet vạn vật (IoT).

Trong lĩnh vực sản xuất, các ngành công nghiệp thâm dụng vốn cũng có lợi thế trong việc triển khai các phương pháp sản xuất kỹ thuật số.

Trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là ở các ngành công nghiệp mới nổi như phát sóng trực tiếp, Đông Bắc Trung Quốc có những lợi thế đáng kể. Ví dụ ở Hạc Cương, một người có thể tận hưởng cuộc sống đô thị với chi phí sinh hoạt thấp nhất trong cả nước, khiến nơi này trở thành một thành phố mới nổi trong ngành công nghiệp phát sóng trực tiếp.

Thứ ba, căng thẳng địa chính trị dẫn đến việc chuyển hướng các kênh thương mại, chủ yếu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Khi những căng thẳng này gia tăng, Đông Bắc Trung Quốc một lần nữa thể hiện tầm quan trọng của mình đối với thương mại và đầu tư. Vị thế của khu vực này như một cửa ngõ cho các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc và hàng hóa nông sản, tài nguyên từ nước ngoài, trở thành một lựa chọn thay thế cho các tuyến thương mại hàng hải truyền thống có nhiều rủi ro hơn.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, vào năm 2013, khi BRI được đề xuất, ba tỉnh này chỉ chiếm 0,43% tổng thương mại quốc tế của Trung Quốc, nhưng tỷ lệ này đã tăng vọt lên 2,95% vào năm 2023.

Sự tăng trưởng nhanh chóng này chủ yếu nhờ vào việc gia tăng thương mại với các quốc gia thuộc BRI. Để tận dụng xu hướng này, quá trình tự do hóa kinh tế cho cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đang được đẩy nhanh, cũng như môi trường kinh doanh đang được cải thiện đáng kể.

Cuối cùng, các cải cách sở hữu hỗn hợp dành cho các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra, dù với tốc độ chậm. Là khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước cao nhất, Đông Bắc Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ những cải cách này. Các nguồn lực cho những cải cách này đang được chính phủ trung ương bơm vào.

Theo Phó giáo sư kinh tế Bo Chen tại Đại học Liêu Ninh, các vấn đề như già hóa dân số, thay đổi cơ cấu kinh tế và cải cách doanh nghiệp nhà nước là những thách thức điển hình mà Trung Quốc đang phải đối mặt, nhưng khu vực Đông Bắc nước này đã gặp phải gần hai thập kỷ trước.

Do đó, tầm quan trọng của việc hồi sinh Đông Bắc Trung Quốc vượt xa các mối quan tâm về khu vực và kinh tế. Nó đóng vai trò như một cái nhìn trước về cách Trung Quốc dự định giải quyết vấn đề bẫy thu nhập trung bình trong giai đoạn phát triển hiện tại.

Hoa Vũ(Nguồn: Think China)
Bình luận
vtcnews.vn