• Zalo

Nên đầu tư đẻ dịch vụ hay dùng tiền để tẩm bổ sau sinh?

Đời sốngThứ Tư, 29/11/2017 13:00:00 +07:00 Google News

"Dạo này thấy các mẹ rộ lên chia sẻ kinh nghiệm đi đẻ “sướng như tiên”, nhưng dù có như vậy tôi vẫn thấy đó thực sự là một sự lãng phí không cần thiết", lời chia sẻ của một mẹ bỉm sữa.

Tôi cũng đã qua 1 lần sinh nở và tôi chọn sinh ở bệnh viện công với chế độ bảo hiểm. Nhờ vậy mà chi phí cho cả ca sinh nở của tôi chỉ vỏn vẹn vài trăm nghìn. Vì sinh thường nên chỉ sau 1 ngày tôi đã được ra viện. Tôi sinh đúng đợt bệnh viện đông đến mức quá tải, lại sinh bảo hiểm nên các dịch vụ cũng không lấy gì làm thoải mái cho lắm. Dù vậy tôi vẫn rất hài lòng và không hề có ý định đẻ dịch vụ nếu mang thai lần thứ 2.

Tôi chọn đẻ bằng bảo hiểm vì sinh dịch vụ với tôi là sự lãng phí (Ảnh minh họa)

Không phải vì tôi không có tiền, tôi có đủ điều kiện để đăng ký sinh dịch vụ. Nhưng tôi quyết định không lựa chọn hình thức ấy. Đơn giản vì tôi thấy đó là sự lãng phí không cần thiết. Sinh bảo hiểm, tôi nghiễm nhiên tiết kiệm được mấy chục triệu, bằng nguyên tiền trợ cấp thai sản của một nhân viên văn phòng bình thường.

Tiền đó tôi dành một phần để tẩm bổ sau sinh, một phần tôi để dành để sau này lo cho con những việc thiết thực hơn sau này như chọn cho con một ngôi trường tử tế, hay mua một gói bảo hiểm nào đó.

Video: Hy hữu bác sĩ đang đỡ đẻ cũng trở dạ sinh con luôn 

Nhiều người bảo với tôi rằng, bây giờ có như thời xưa đâu, cả đời chỉ đẻ 2, 3 lần tội gì mà không đầu tư, chui vào đẻ bảo hiểm làm chi cho mệt. Tôi đồng ý rằng ngày nay không nhà nào đẻ nhiều như các cụ, thời đại bây giờ cũng không phải quá vật lộn lo đến cái ăn, nhưng tôi không nghĩ rằng đẻ bảo hiểm là việc làm đày đọa bản thân.

Bởi tôi chắc chắn rằng số lượng những người mẹ lựa chọn đẻ bảo hiểm ở các bệnh viện luôn là áp đảo. Nếu người ta đẻ được thì không có lý do gì mà tôi không thể đẻ được. Cho dù có đẻ bảo hiểm, thì tôi luôn tin rằng các bác sĩ vẫn sẽ làm mọi điều trong khả năng để giúp cho mẹ con tôi được an toàn. Điều khác biệt chỉ là sinh dịch vụ mẹ được hưởng nhiều tiện ích hơn, còn đẻ bảo hiểm thì phải chấp nhận cảnh chật chội, chen lấn và có phần khó chịu.

Chỉ cần chịu thiếu thốn một ngày, nhưng tôi tiết kiệm được cả vài chục triệu (Ảnh minh họa)

Nhưng cho dù có khổ thật thì cũng chỉ phải chịu đựng cảnh đó một vài ngày. Nếu sinh thường ổn định thì chỉ 24 giờ mẹ đã được ôm con hạnh phúc ra khỏi viện. Chúng ta đã chịu nỗi đau “gãy xương sườn” khi sinh, thì chẳng có lý do gì mà một chút chật chội, bất tiện lại không chịu đựng được. Sinh con rồi, niềm hạnh phúc sẽ xóa tan mọi nỗi đau đớn, khó chịu. Chỉ nhìn con thôi là đủ để thấy ấm áp trong lòng rồi.

Tôi thấy nhiều gia đình, lúc sinh con thì cố bằng được để đăng ký dịch vụ. Để rồi sinh xong thì khổ sở “thắt lưng buộc bụng” chẳng dám ăn tiêu. Mẹ sinh xong đến quần áo cũng không dám mua, ăn uống gì cũng phải chi li tính toán. Nếu như không sinh dịch vụ, chấp nhận sự bất tiện chỉ vài ngày để rồi suốt mấy tháng ở cữ được thoải mái chi tiêu, tẩm bổ vào người lấy nguồn sữa tốt cho con chẳng phải là sướng hơn sao?

Đừng nói rằng chọn sinh dịch vụ vì lo cho con, muốn con sinh ra được thuận lợi, an toàn. Bởi đó thực ra chỉ là một sự ngụy biện mà thôi. Sinh dịch vụ chủ yếu là để sướng cho mẹ trong một vài ngày ở viện. Còn về phần con, cho dù mẹ có sinh bảo hiểm đi nữa thì bé vẫn có đầy đủ sự quan tâm, chăm sóc, bảo bọc để con không trầy xước dù chỉ một vết nhỏ.

Chưa kể đối với một đứa trẻ khi mới ra đời, điều con cần nhất không phải là việc được mặc bộ tã đẹp, nằm trong căn phòng sang trọng mà là những giọt sữa non quý giá và hơi ấm từ cơ thể mẹ.

Tất nhiên nếu bạn là người có rất nhiều tiền và việc bỏ vài chục triệu, hay thậm chí đến cả gần trăm triệu để hưởng dịch vụ sinh nở 5 sao cũng chỉ là chuyện nhỏ thì tôi không bàn đến. Còn với những người mẹ chỉ có mức thu nhập trung bình và khá, tôi khuyên rằng đừng lãng phí vào việc sinh dịch vụ làm gì, tiền đó để tẩm bổ sau sinh và để dành cho những việc thiết thực khác thì hơn.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Mẹ cu Tít
Bình luận
vtcnews.vn