• Zalo

Nắng nóng đỉnh điểm, người dân nên tránh ra ngoài từ 12 đến 16h nếu không muốn bị hôn mê

Sức khỏeThứ Tư, 24/04/2019 14:37:00 +07:00Google News

Khi nhiệt độ ngoài trời vượt ngưỡng cơ thể dung nạp, con người rất dễ rơi vào trạng thái hôn mê, ngừng tuần hoàn.

Những ngày gần đây, nhiệt độ ở các tỉnh, thành phố trên cả nước ở mức rất cao, có nơi trên 40 độ C, khiến cuộc sống và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng.

Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Nhiệt độ cao còn làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh tiêu đường tiêu hóa.

Ngay cả các giải pháp chống nóng như bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp làm tăng nguy cơ nhiễm lạnh, viêm phổi…

GS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo người dân tránh ra ngoài trong thời gian từ 12 đến 16h hàng ngày. Đây là thời điểm nắng gắt và tia cực tím mạnh nhất.

Khi nhiệt độ ngoài trời vượt quá ngưỡng cơ thể có thể dung nạp, con người có thể rơi vào trạng thái hôn mê, ngừng tuần hoàn. Chẳng hạn, người nông dân làm việc ngoài đồng ruộng trong khoảng thời gian quá nắng nóng, hay cầu thủ đá bóng tập luyện giữa trưa, công nhân làm việc trong lò cao không thông thoáng và không được chống nóng,… sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.

Do đó, người dân nên tạm dừng công việc hoặc hạn chế ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 12 đến 16h. Nếu bắt buộc phải làm việc, hoặc lưu thông trên đường, người dân cần lưu ý các biện pháp chống nắng.

nang nong

 Người dân ra đường luôn phải mặc áo khoác, đeo khẩu trang và kính mát để đối phó với nắng nóng. (Ảnh: Zing)

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cũng khuyên ngoài dãy quang phổ bảy màu thấy được, trong ánh nắng còn có những tia cực tím với ba loại là UVA, B và C. Bên cạnh lợi ích giúp da tổng hợp vitamin D từ cholesterol dưới da cho cơ thể, tia cực tím trong những ngày nắng gắt có cường độ cao, rất dễ gây hại cho làn da con người như bỏng, dị ứng nắng, lâu dài là lão hóa, ung thư da…

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý đúng nơi quy định.

Bác sĩ cũng khuyến cáo khi gặp bệnh nhân sốc nhiệt, hoặc đột quỵ có ngừng tuần hoàn, người dân phải cấp cứu bằng cách hà hơi, ép tim trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Cấp cứu đúng cách sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh.

"Tuyệt đối không đợi bác sĩ đến, hay đến bệnh viện mới cấp cứu. Mỗi người nên chủ động học các cách cấp cứu ngừng tuần hoàn (có thể gặp khi đuối nước, đột quỵ) để khi gặp tình huống xấu kịp thời cấp cứu cho người thân", PGS Nguyễn Văn Chi nói.

Video: Nắng nóng đỉnh điểm, nhiều dịch bệnh nguy hiểm gia tăng

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn