• Zalo

Nam sinh Quảng Ngãi từng đỗ 21 trường đại học tốt nghiệp sớm xuất sắc ở Mỹ

Chân dungThứ Tư, 26/07/2023 07:32:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Nguyễn Lê Đông Hải sinh năm 2002, quê Quảng Ngãi tốt nghiệp loại xuất sắc chỉ sau 3 năm học tại trường Đại học Georgetown (Mỹ).

Nguyễn Lê Đông Hải tốt nghiệp sớm một năm với tấm bằng loại xuất sắc. Tại buổi lễ tốt nghiệp vào tháng 5 vừa qua, Đông Hải là một trong số ít sinh viên được đeo dải dây với hai màu xanh, trắng dành cho sinh viên được tuyên dương hạng summa cum laude (cách xếp hạng danh dự tiếng La-tinh, có nghĩa là "danh dự tột đỉnh").

Nguyễn Lê Đông Hải tốt nghiệp sớm một năm, trường Đại học Georgetown, Mỹ.

Nguyễn Lê Đông Hải tốt nghiệp sớm một năm, trường Đại học Georgetown, Mỹ.

Từng đỗ 21 trường đại học quốc tế

Kết thúc năm học lớp 10, Đông Hải rời trường THPT chuyên Lê Khiết sang Mỹ du học với học bổng toàn phần của Học viện CATS Boston. Đến một đất nước mới, nhiều khác biệt về văn hóa, thời tiết, Hải chật vật học cách thích nghi.

Hải nhớ lại, mùa đông đầu tiên với mức nhiệt giảm xuống âm 30 độ C, em bị ốm một trận nhớ đời. Khi ấy, nam sinh xứ Quảng chỉ muốn "bỏ tất cả rồi về quê", nhưng sau đó, em tự động viên bản thân vượt qua những thử thách để tiếp tục hành trình.

Hoàn thành xong chương trình phổ thông, Hải liên tiếp nhận tin vui "cơn mưa" học bổng từ 21 trường tại Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Singapore. Trong đó Đại học Yale-NUS (Singapore), Đại học Georgetown (Mỹ) và Đại học Toronto (Canada) cấp học bổng toàn phần, lần lượt trị giá 6,8, 5,2 và 4,2 tỷ đồng. Nam sinh Việt đã chọn theo đuổi chuyên ngành Kinh tế Quốc tế tại trường Đại học Georgetown.

Nam sinh Nguyễn Lê Đông Hải tự hào mang lá cờ Tổ quốc trong một buổi trao giải thưởng ở trường đại học Mỹ.

Nam sinh Nguyễn Lê Đông Hải tự hào mang lá cờ Tổ quốc trong một buổi trao giải thưởng ở trường đại học Mỹ.

Lên đại học, nam sinh chọn học vượt tín chỉ để tốt nghiệp sớm. Khối lượng kiến thức và công việc em phải hoàn thành rất nặng.

"Nếu học đúng tiến độ, em mất 4 - 5 năm để hoàn thành chương trình đại học, chưa kể thêm 2 năm để theo học bậc thạc sĩ. Nhờ xong trước tiến độ nên em chỉ cần tổng cộng 4 năm là sẽ hoàn thành xong cả 2 văn bằng này.

Điều này cho phép em tiết kiệm đáng kể thời gian và tăng tính cạnh tranh so với các bạn đồng lứa khi gia nhập thị trường việc làm", Hải lý giải và nhấn mạnh đây là cơ hội để bản thân rèn tính kỷ luật cao.

Hải buộc mình phải tự giác và tìm cách quản lý thời gian hiệu quả. Qua đó, em không chỉ học được kiến thức chuyên môn mà còn trang bị thêm những kỹ năng mềm quan trọng. Dù học vượt, nam sinh vẫn ra trường với điểm GPA gần tuyệt đối 3.98/4.0. Bên cạnh đó, Hải còn sở hữu điểm chuyên ngành Kinh tế ở mức tuyệt đối 4.0/4.0.

Cởi bỏ gánh nặng điểm số

Đạt thành tích học tập ấn tượng nhưng Đông Hải cho biết, hiện tại, em không đặt nặng vấn đề điểm số mà chú tâm hơn về việc thu nạp và ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế.

"Khi còn đặt nặng vấn đề điểm số, em bị áp lực phải cố gắng “nhét” kiến thức vào để chuẩn bị cho bài kiểm tra hay dự án cuối kỳ. Điều này khiến việc học trở thành gánh nặng và làm mất đi tính hấp dẫn, thú vị của nó. Khi thay đổi được tư duy này, em cảm thấy mình tìm thấy niềm vui, đam mê với hành trình học tập và kết nối ở một mức độ “sâu” hơn với kiến thức mình học được", Hải nói.

Trước đây, với những môn có yêu cầu về việc phát biểu xây dựng bài, Hải luôn cảm thấy giống như cực hình do còn đặt nặng vấn đề điểm số. Khi đó, em phải soạn thảo câu trả lời sẵn để đảm bảo mỗi lần lên lớp có thể tham gia phát biểu ít nhất 2 lần. Thậm chí, Hải cảm thấy rất khó chịu nếu như gần hết giờ mà mình vẫn chưa phát biểu đủ.

Giờ đây, nam sinh quan tâm hơn đến việc lắng nghe trao đổi từ giáo sư và bạn học. Qua đó, Hải nhận thấy, trước đây đã bỏ lỡ trải nghiệm được “cuốn mình” vào lớp học do tập trung quá nhiều vào việc đạt điểm cao.

Sau khi cởi bỏ gánh nặng thành tích, nam sinh Việt thường xuyên gặp gỡ các giáo sư sau giờ học để trau dồi kiến thức chuyên môn và học hỏi thêm những vấn đề trong công việc, cuộc sống, xã hội. “Các thầy cô tại trường không chỉ là những học giả đầu ngành mà nhiều người còn có kinh nghiệm làm việc và lãnh đạo thực tế qua nhiều năm. Được tiếp xúc và học hỏi trực tiếp từ họ là cơ hội mà em không thể bỏ lỡ”, Đông Hải nói.

Trong quá trình học đại học, Hải vinh dự được gia nhập hội học thuật lâu đời nhất nước Mỹ – Phi Beta Kappa. Trong số các thành viên của hội học thuật này có 17 tổng thống Mỹ và 136 nhà khoa học đoạt giải Nobel. Hải cũng tham gia hội học thuật Kinh tế Quốc tế Omicron Delta Epsilon và hội học thuật danh giá nhất trường Đại học Georgetown - Alpha Sigma Nu. Ngoài ra, Đông Hải là một trong ba học sinh được chọn làm học giả thế kỷ nhân kỷ niệm 100 năm chương trình quan hệ quốc tế của trường. 

Không chỉ tập trung vào việc học, Hải còn tích cực tham gia các hoạt động lãnh đạo sinh viên và cộng đồng. Hải tham gia làm đại sứ sinh viên cho Hội đồng tuyển sinh của trường và là đại diện sinh viên trong hội đồng liêm chính học thuật Honor Council. 

Dù bận rộn nhưng Đông Hải vẫn gắn bó với tổ chức phi lợi nhuận Global Association of Economics Education (GAEE) về giáo dục kinh tế do em đồng sáng lập từ năm 2017. Ngoài ra, chàng trai Quảng Ngãi còn dành thời gian tham gia tổ chức nhiều hội thảo và dự án của GAEE tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, Mỹ.

Không chỉ hoàn thành chương trình bậc đại học sớm, Nguyễn Lê Đông Hải còn được Đại học Georgetown nhận vào chương trình thạc sĩ khoa học đối ngoại dù chưa nhận bằng tốt nghiệp. Đông Hải nói thành quả em đạt được là "món quà tuyệt vời cho sự nỗ lực". 

THI THI
Bình luận
vtcnews.vn